Ký ức người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Ai cứu được những sinh linh vô tội?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 21/09/2022 08:00 AM (GMT+7)
Trước thực trạng gần 300.000 ca nạo hút thai diễn ra mỗi năm, thai nhi bị chối bỏ sự sống, lãnh đạo Cục Trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bác sĩ cùng lên tiếng cảnh báo, kêu gọi những hành động cần thiết ngay từ bây giờ.
Bình luận 0

Không ít người đã vĩnh viễn mất thiên chức làm mẹ ở tuổi đôi mươi vì nạo phá thai

Những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình. Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. 

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 1.

Suốt 13 năm qua, bà Đỗ Thị Cúc (ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vẫn luôn thầm lặng thu nhặt xác thai nhi về chôn cất. Ảnh: Gia Khiêm

Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh. Có không ít những cô gái tuổi 20 tự vứt bỏ thiên chức làm mẹ, có người đã vĩnh viễn không thể có con được nữa… 

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, đã có không ít phụ nữ nhận "án" vô sinh khi tuổi đời còn rất trẻ do lối sống "buông thả", nạo phá thai.

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 2.

Những ngôi mộ chôn cất thai nhi tập thể do bà Cúc xây dựng. Ảnh: Gia Khiêm

"Qua thực tế thăm khám, chúng tôi gặp khá nhiều người trẻ bị mất khả năng làm mẹ do buồng tử cung bị tàn phá nặng nề bởi những lần nạo phá thai trong quá khứ. Đây là một thực trạng rất đáng báo động", bác sĩ Thành chia sẻ.

Theo bác sĩ Thành, đặc điểm chung của những trường hợp này là những người phụ nữ bắt đầu làm chuyện ấy ở độ tuổi khá trẻ. Thiếu kiến thức, non nớt, những bạn trẻ này thường xuyên có quan hệ tình dục không an toàn, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nên buộc phải nạo phá thai.

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 3.

Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, đã có không ít phụ nữ nhận "án" vô sinh khi tuổi đời còn rất trẻ do lối sống "buông thả", nạo phá thai. Ảnh: NVCC

"Đa phần các bệnh nhân từng rất tự tin về khả năng thụ thai của mình. Vì họ thấy thời trẻ mình rất dễ mang thai. Có khi sau nạo phá thai chỉ 1 - 2 năm, bạn nữ lại dính bầu và tiếp tục nạo phá tiếp. Thế nhưng, khi đã lập gia đình họ lại mỏi mắt chờ con 3 - 4 năm cũng chẳng thấy. Lúc này, bệnh nhân mới hoảng hốt đi khám hiếm muộn", bác sĩ Thành nói và cho biết, siêu âm buồng tử cung thấy đầy những dải dính, thậm chí có trường hợp toàn bộ buồng tử cung bị dính, đồng nghĩa với việc mang thai và sinh con là gần như không thể. Lúc này, các bệnh nhân đều bị sốc.

"Người phụ nữ mang thai trên sẹo xơ ở buồng tử cung rất khó có thể giữ thai. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện khám với tiền sử sảy thai 4 - 5 lần. Đến khi khám mới thấy tử cung - ngôi nhà của thai nhi - đã bị tàn phá nặng nề. Sau khi kết hôn, người phụ nữ đứng trước áp lực rất lớn của việc phải có con. Do đó, việc sảy thai liên tục không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn là một áp lực tâm lý rất lớn đè nặng lên người phụ nữ. Nhiều khi điều này có thể tàn phá hạnh phúc gia đình", bác sĩ Thành nói.

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 4.

Những sinh linh vô tội bị tước đoạt mạng sống do nạo phá thai. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chuyên gia này, có thống kê đã chỉ ra rằng, khoảng 50% bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay quan hệ tình dục không đeo bao cao su. Đây là một thực trạng rất đáng cảnh báo. Một vấn đề khác là các bạn gái nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung đa phần đều rất thụ động trong vấn đề quan hệ tình dục.

Bác sĩ Thành phân tích, mang thai ở tuổi vị thành niên khiến các bé gái rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu mang thai ở độ tuổi quá trẻ thì rủi ro rất cao tăng tỷ lệ biến cố, nguy cơ đẻ non. Không chỉ thể chất, người mẹ tuổi teen cũng chịu một áp lực rất lớn về kinh tế và đặc biệt là tâm lý.

"Các em dễ bị tăng nguy cơ trầm cảm, stress. Đã có những trẻ vị thành niên nghĩ đến tự tử khi biết mình mang bầu vì cảm thấy không có lối thoát. Ngược lại nếu đình chỉ thai nghén, vốn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay, có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn sau này. Thậm chí, nạo phá thai không an toàn có thể để lại những hậu quả trực tiếp như: nhiễm trùng tử cung, thủng tử cung, có trường hợp bị chảy máu phải cắt tử cung dẫn đến mất cơ hội làm mẹ sau này", bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa?

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, trẻ em có quyền được sống. Một cháu bé sinh ra có quyền được khai sinh để trở thành công dân, quyền được chăm sóc để có sức khoẻ, được bảo toàn tính mạng. Pháp luật cũng đã xử lý những hành vi vứt bỏ thai nhi, xử lý nhiều vụ bà mẹ bỏ con mới sinh. 

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 5.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh, trẻ em có quyền được sống. Ảnh: Gia Khiêm

"Những hành vi bỏ rơi các cháu bé thực sự là quá dã man. Bởi vậy theo tôi, một mặt cần tăng cường vấn đề đạo đức xã hội, nhưng cũng đồng thời tăng cường thực thi pháp luật để mang tính chất giáo dục, răn đe… không để xảy ra những trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, xã hội cần chia sẻ với chị em, giúp họ vượt qua lỗi lầm khi mang thai, sinh nở ngoài ý muốn dẫn đến hiện tượng trầm cảm, sang chấn về tâm lý. 

Tuy nhiên về mặt góc độ pháp luật, nếu mẹ mà để con mình sa vào tình trạng nguy hiểm, cướp đi mạng sống của cháu bé thì đó đã vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục và cả pháp luật nữa. Chúng ta nên có biện pháp hài hoà, có trách nhiệm giáo dục, tư vấn xã hội, hỗ trợ sinh sản, đồng thời cơ quan pháp luật cũng phải làm nghiêm. Phải điều tra đến nơi đến chốn, truy tìm tận gốc hành vi bỏ rơi con", ông Nam nói. 

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 6.

Dây sữa, gói bánh ai đó để lại trên những phần mộ. Ảnh: Gia Khiêm

Đồng quan điểm trên, ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) hiện là Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây tình trạng nạo phá thai đã và đang xảy ra nghiêm trọng. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh tới nhận thức đối với bộ phận giới trẻ hiện nay. Đặc biệt công tác giáo dục cho các bạn trẻ về giới tính, tiền hôn nhân, đạo đức, lối sống… đồng thời giáo dục cho các em quý sinh mạng con người, chăm sóc thật tốt vấn đề sức khoẻ sinh sản kể cả sức khoẻ sinh sản vị thành niên.

"Trong thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra rất đau lòng, thậm chí có những trẻ sơ sinh đã ra đời nhưng không được chăm sóc, bỏ rơi, không được phát hiện kịp thời xảy ra sự việc đau lòng. Những hành vi như thế không những trái với lương tâm mà còn phạm tội. Những sinh linh bé bỏng cần được bảo vệ từ đầu đời", ông Bốn nói.

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 7.

Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây tình trạng nạo phá thai đã và đang xảy ra. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh tới nhận thức đối với bộ phận giới trẻ hiện nay. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Bốn phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai một cách vô tội vạ có nhiều yếu tố, cụ thể do cuộc sống buông thả, nhận thức của lớp trẻ khác so với trước đây như phát triển tâm sinh lý, điều kiện kinh tế… dậy thì sớm hơn. Thứ 2 quản lý giáo dục trong gia đình nhiều khi "né tránh", không đi thẳng vấn đề giáo dục giới tính cho tuổi vị thành niên để con em tự bảo vệ mình, đồng thời biết để sống không buông thả, có giới hạn, tự biết bảo vệ mình, bảo vệ cho người khác.

"Kể cả việc phát triển công nghệ, không gian mạng có nhiều tin độc hại dẫn đến các em dễ sa ngã, đặc biệt ở các em tuổi vị thành niên chưa đủ chín chắn, dễ bị lôi kéo dẫn đến hậu quả đó. Chính vì vậy chúng ta phải có chiến lược chăm sóc sức khoẻ trẻ em, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên, thanh niên… biết quan niệm thế nào là tình yêu, tình bạn, hiểu được trước khi có quan hệ tình dục nghĩ đến hệ luỵ, hậu quả có thể xảy ra. Giới trẻ phải biết những hậu quả, lường trước cái nào xấu, ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản, cuộc sống sau này của các em, sinh đẻ về sau, phải tăng cường truyền thông, giáo dục", ông Bốn nhấn mạnh. 

Ký ức của người mẹ nhặt hơn 40.000 thai nhi: Đến bao giờ tình trạng bức tử những sinh linh vô tội không còn nữa? - Ảnh 8.

Những sinh linh vô tội được chôn cất tại nghĩa trang An Bài, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung Lê

Những trường hợp các em đã chót dại, có thai ngoài ý muốn, ông Bốn cho rằng phải tư vấn về pháp luật, đặc biệt tư vấn về tâm lý cho các em, bảo vệ những hài nhi bé nhỏ để có giải pháp tốt hơn, không nên gây ra những việc đau lòng như bỏ vào bãi rác,… rất phản cảm, đau xót. 

"Mạng người vô giá trong khi nhiều gia đình quý con cháu như vàng như bạc mà chúng ta bỏ rơi, tước đoạt mạng sống rất đau lòng. Trong xã hội có nhiều gia đình sẵn sàng cưu mang các em nhỏ nếu ra đời không có điều kiện, kể cả các Trung tâm bảo trợ xã hội sẵn sàng nhận nuôi các bé để các cháu trở thành người khoẻ mạnh, có ích cho xã hội, không phân biệt đối xử, trẻ em ra đời trong bất cứ hoàn cảnh nào phải được chăm sóc, nhiều vòng tay sẵn sàng cưu mang thì hà cớ gì chối bỏ, tước đoạt mạng sống những sinh linh như vậy", ông Bốn nói.

Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho biết thêm, song song với việc này phải kết hợp tất cả các tổ chức đoàn thể chứ không phải trách nhiệm riêng ai, đồng thời thực hiện tốt hôn nhân gia đình, tư vấn các cặp đôi trước khi bước vào hôn nhân lường trước được hậu quả để chăm sóc tốt. Pháp luật cũng nên có những quy định chặt chẽ, ví dụ phá thai trong điều kiện hoàn cảnh nào mới cho phép, đồng thời giữ bí mật đời tư cho các em, nếu không các em sợ mang tiếng không dám công khai dẫn đến hậu quả xấu… 

(Hết)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem