Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (Bài 2)

Hải Đăng Thứ tư, ngày 27/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Đến nay đã trên 60 tuổi, trong người mang nhiều bệnh, sức khỏe yếu đi từng ngày nhưng bà Nguyễn Thị Nhiệm, giáo dân ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn kiêm trì tiếp nhận, chôn cất, chăm cho các thai nhi xấu số. Bà bảo: "Còn sức ngày nào tôi sẽ còn chăm lo cho các cháu, không để ai bị bỏ rơi".
Bình luận 0

CLIP: Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc.

Hàng chục năm đạp xe thu nhập xác thai nhi

Những ngày đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến nhà bà Nhiệm đúng lúc bà đang sửa soạn đồ, hỗ trợ cho một gia đình bên lương hương khói cho một cháu bé xấu số mới mất. Thấy phóng viên đưa máy ảnh lên định chụp, bà Nhiệm từ chối khéo: "Nhà báo đừng chụp, tôi bên giáo thường không làm nghi lễ như bên lương, không tiện đưa lên truyền thông đại chúng".

Để tiện trao đổi công việc, chúng tôi phải chờ khá lâu mới gặp được bà Nhiệm. Chia sẻ về công việc của mình bà bảo: "Các cháu về đây, không kể lương - giáo hay giàu - nghèo đều được chúng tôi tiếp nhận và làm lễ, chôn cất tử tế, trọn vẹn".

Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (bài cuối) - Ảnh 2.

Bà Nhiệm bên nhà lưu giữ xác thai nhi trong vườn thánh thai nhi Bến Cốc.

Trước đây còn khỏe, bà Nhiệm còn đạp xe lóc cóc đến các phòng khám, bệnh viện ở trong và ngoài nội thành để nhặt xác thai nhi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ gần 5h sáng khi mọi người trong nhà, trong thôn vẫn chưa tỉnh giấc, bà Nhiệm đã một mình lặn lội khắp nơi. "Ban đầu âm thầm làm, có người biết còn dị nghị, có người còn bảo tôi bị điên, khùng mới làm công việc khác người. Áp lực nhiều nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai tất cả, kiên trì làm mãi cũng quen", bà Nhiệm nhớ lại.

Thời gian đầu tìm đến các phòng khám, bệnh viện hỏi xin nhận xác thai nhi, bà Nhiệm liên tục bị từ chối, có nơi còn đuổi, mắng rất khó nghe nhưng bà vẫn kiên trì thuyết phục. Về sau thấy bà làm việc có tâm, có đức mọi người đều thông cảm, chia sẻ công việc nên mọi thứ dần thuận lợi hơn.

"Ban đầu nhận các bọc nilon đỏ tươi, các bé còn nguyên dây rốn, tôi cũng sợ hãi lắm nhưng nghĩ cảnh các cháu bị bỏ rơi, bỏ thùng rác tôi càng đau xót hơn nên cũng cố nhẫn nhịn làm dần thấy thanh thản và thoải mái hơn", bà Nhiệm kể.

Tìm đưa được các thai nhi xấu số về đã khó, công việc lo hậu sự cho các cháu còn gian nan hơn. Thời điểm nhưng năm 1997-1998, chưa có nơi chôn cất, bà Nhiệm phải xin các niêu đất mang về bỏ các bào thai vào xong lấy băng keo dính kín lại để ở góc nhà. Về sau, số lượng thai nhi ngày càng nhiều, để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường, bà định đưa các niêu đất ra vườn nhà chôn nhưng được bà con giáo dân và chính quyền thôn tư vấn, hỗ trợ mới đưa được các cháu ra ngoài cánh đồng thôn chôn cất cẩn thận.

Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (bài cuối) - Ảnh 3.

Theo ông Nguyễn Văn An, Bí thư Chi bộ thôn Đồi Cốc, hiện vườn thánh thai nhi Bến Cốc đang chôn cất khoảng trên 150.000 xác thai nhi, có ngôi mộ chung chôn cất từ 30.000 đến 50.000 thai nhi.

Khoảng ngoài năm 2000, số lượng mộ thai nhi tăng cao, có một số đài, báo về đưa tin rầm rộ khiến một số lãnh đạo xã, thôn cũng băn khăn, e ngại việc làm nghĩa trang thai nhi. Nhưng đến khi có đoàn lãnh đạo trên thành phố, huyện về thăm động viên, khích lệ, hỗ trợ và được tiếp thêm sức từ các tổ chức từ thiện, bà Nhiệm và bà con giáo dân trong làng mới đủ điều kiện xây dựng vườn thành thai nhi Bến Cốc từ 2007 và hoàn thiện đến năm 2021.

Do diện tích vườn thành nhỏ, hẹp, số lượng xác thai nhi nhiều, bà Nhiệm phải gom đưa vào tủ bảo ôn chờ khi đầy mới lấy các bào thai ra tắm rửa, làm lễ, đưa các cháu vào tiểu chôn chung huyệt. Mỗi tiểu khoảng trên dưới 10 bào thai, cứ tiểu nọ chồng lên tiểu kia, có "ngôi nhà chung" chôn cất đến vài chục nghìn xác thai nhi.

Tiếng thơm đồn xa,  nhiều tổ chức, cá nhân bác ái gửi về hoặc đến ủng hộ cho các cháu các tiểu sành, quần áo, khăn xô, đèn nhang... giúp cho bà Nhiệm chăm lo cho cháu trong vườn thánh được đàng hoàng, sạch sẽ hơn.

Đến giờ có tuổi, trong nhiều mang nhiều bệnh tật, sức khỏe xuống từng ngày, bà Nhiệm không đi xa được nên chồng bà làm thay, đến các phòng khám, bệnh viên thu nhận các xác thai nhi xấu số về để bà làm thủ tục, chôn cất và chăm sóc cho các ngôi mộ trong vườn thánh.

Dạo quanh vườn thánh, chúng tôi chỉ thấy một số ngôi mộ có tên như Đặng Việt Anh mất ngày 8/7/2011 tứ ngày 8/6 âm lịch; Nguyễn Mai Huyền sinh ngày 15/5/2011 mất ngày 15/5/2011; cậu bé đổ Cao Bình An sinh ngày 2/5/2022- mất 2/4/2022 âm lịch...- những cái tên đều rất đẹp nhưng chưa bao giờ các bé được nghe ai gọi tên mình bởi ngày sinh cũng chính là ngày mất được khắc trên bia mộ.

Theo bà Nhiệm, một trong số rất ít các trường hợp được có tên, tuổi khắc trên bia đá do mẹ của bé chủ động đem bé gửi vào nghĩa trang sau khi nạo thai. Còn lại hầu hết các bé khác đều vô danh vì được bà nhặt về và không biết được mẹ bé là ai.

Theo quan sát của chúng tôi thì toàn bộ vườn thánh với số lượng hàng trăm nghìn bào thai này thì chỉ có khoảng vài chục bé là có tên tuổi được khắc trên bia. Trong số các tấm bia hiếm hoi trong nghĩa trang bào thai, tôi đặc biệt ấn tượng với các tấm bia ghi tên Maria Bé Đỏ, Anna Đào Thị Đỏ... Có lẽ những đứa con còn đỏ hỏn trong bào thai không có phúc phận làm người đã khiến cho những người mẹ trẻ dùng chính đặc điểm ngoại hình để đặt tên cho bé. 

Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (bài cuối) - Ảnh 4.

Một "ngôi nhà của các thiên thần" mới được xây dựng ở vườn thánh thai nhi Bến Cốc.

Cưu mang những phận đời lầm lỡ

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn An - Bí thư Chi bộ thôn Đồi Cốc cho biết, bà Nhiệm là một con người đặc biệt, công việc của bà ấy làm cũng rất đặc biệt. Hàng chục năm nay, người phụ nữ này vẫn cần mẫn làm công việc mà không ai dám làm, hơn nữa bà con làm không công, không lương chỉ mong sao đưa được hết các thai nhi xấu số về "ngôi nhà chung" yên nghỉ.

"Ở bên lương thì mọi người bảo bà Nhiệm có căn nhưng ở bên giáo thì bà làm theo cái tâm. Bởi bên giáo có điều răn phải "Chôn xác kẻ chết" nên bà Nhiệm luôn làm theo tâm nguyện của mình. Công việc cũng vất vả, gian nan vô cùng nhưng không làm cũng không được, bởi có ngày có đến 50 đến cả trăm cháu, nếu bà không đưa về chôn cất thì các cháu có thể bị bỏ rơi ra bãi rác Nam Sơn hay bãi khác thì đau xót lắm", ông An nói.

Đặc biệt, bà Nhiệm còn cưu mang nhiều thai phụ lầm lỡ, trẻ sơ sinh may mắn sống sót đưa về nhà chăm sóc như người thân trong gia đình. "Có người thì bà đưa về từ phòng khám, có trẻ thì bà lượm được ở các nghĩa trang. Như thời điểm đầu mới làm vườn thánh, có 2 trường hợp đẻ bỏ con ở vườn trong đêm. Sáng ngày hôm sau, bà Nhiệm ra mới thấy các cháu khóc đưa về nuôi. Đến giờ, cháu Xuân Nhiên (hiện giờ khoảng 7 tuổi) từ bé cháu ốm yếu ở viện nhiều hơn ở nhà nhưng bà Nhiệm vẫn kiên trì, chăm sóc coi như con ruột của mình sinh ra", ông An cho biết.

Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (bài cuối) - Ảnh 5.

Hiện, vợ chồng bà Nhiệm đang cưu mang nuôi cháu Xuân Nhiên (khoảng hơn 7 tuổi, váy vàng giữa).

Theo ông An, thời gian trước đây, năm nào cũng có ít nhất vài người được vợ chồng bà Nhiệm cưu mang đưa về về sống chung với gia đình. Có thai phụ từ lúc mang thai 4 tháng đã đến đây, sinh xong 3-4 tháng mới rời đi. Các cháu đến đây đều tứ cố vô thân nên vợ chồng bà Nhiệm rất yêu thương. Ở trong gia đình 4 thế hệ, có mẹ già, hoàn cảnh gia đình khó khăn thiếu thốn nhưng ông bà vẫn cố chăm sóc, động viên các cháu sinh nở an toàn để các bé sinh ra được sống, được mạnh khỏe.

"Hiện, hai vợ chồng bà Nhiệm đã có tuổi, bệnh tật nhiều, chúng tôi lo công việc ý nghĩa này sẽ không có ai nối tiếp. Qua các phương tiện truyền thông báo, đài, chúng tôi rất mong kêu gọi được các tổ chức, cá nhân từ thiện, mạnh thường quân tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ bà Nhiệm tiếp tục công việc tiếp nhận, chôn cất và chăm lo "ngôi nhà chung" cho các cháu yên nghỉ luôn xanh - sạch - đẹp", Bí thư Chi bộ thôn Đồi Cốc đề nghị.

Vườn thánh thai nhi Bến Cốc: "Người mẹ" cưu mang hàng trăm nghìn thiên thần chưa bao giờ được khóc (bài cuối) - Ảnh 5.

Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày bà Nguyễn Thị Nhiệm vẫn thường xuyên thu nhận, chôn cất và chăm sóc các "ngôi nhà chung" của thai nhi xấu số.

Với việc làm ý ngĩa của mình, nhiều năm qua bà Nguyễn Thị Nhiệm, giáo dân ở thôn Đồi Cốc được tuyên dương "Người công giáo tiêu biểu" và bà đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của của huyện, UBND TP.HN, Uỷ Ban MTTQVN thành phố Hà Nội...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem