"Nhất y, nhì dược", ngành nông nghiệp ít người học, ba Bộ bắt tay "hút" nhân tài
"Nhất y, nhì dược", ngành nông nghiệp ít người học, ba Bộ bắt tay "hút" nhân tài
Khánh Nguyên
Chủ nhật, ngày 14/11/2021 18:25 PM (GMT+7)
Định hướng nghề nghiệp có vấn đề, học sinh sinh viên thích học ngành kinh tế, công nghệ nên thực tế ngành nông nghiệp còn thiếu 3,2 triệu lao động chất lượng cao.
Khối ngành đào tạo nông nghiệp đang khó tuyển sinh
Chia sẻ tại Hội nghị Công tác đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NNPTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chiều ngày 14/11, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nêu một thực tế, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo của khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 15,5% năm 2010 lên 50% trong năm 2020 nhưng thực tế ngành vẫn thiếu 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Không những vậy, lao động nông nghiệp đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
"Định hướng nghề nghiệp của chúng ta đang có vấn đề, học sinh hiện nay chỉ thích học nghề làm lãnh đạo, còn khối nông, lâm nghiệp không được ưu tiên" – ông Chứ nói.
Đó là chưa kể, hiện nay, nhiều văn bản, chính sách về phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp thiếu thực tiễn, không khả thi.
Theo ông Chứ, việc thành lập quá nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng chất lượng chưa tương xứng cũng khiến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Nói về những bất cập trong việc tuyển sinh khối ngành nông, lâm thủy sản, ông Chứ cho biết, hiện nay, nhiều trường trung cấp khi nâng lên cao đẳng cứ phải gắn từ "kinh tế" vào cho dễ tuyển sinh, việc xét tuyển theo học bạ cũng khiến các khối ngành nông, lâm, thủy sản khó tuyển sinh được những người học có nhu cầu, đam mê thực sự.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến năm 2020, Bộ NNPTNT có 34 trường (01 học viện, 03 trường đại học, 02 trường cán bộ quản lý, 28 trường cao đẳng) và 08 viện nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học; có 373 ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, sau đại học (tiến sỹ và thạc sỹ) là 38 ngành; đại học 88 ngành (trong đó nông nghiệp 31 ngành, chiếm 35,2%).
Trong những năm qua, các trường, học viện tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo phân cấp.
Cơ cấu đào tạo đã có sự gắn kết với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng ông Ngô Hồng Giang nêu một thực tế một số ngành rất khó tuyển sinh, đặc biệt chuyên ngành đào tạo truyền thống, mặc dù đội ngũ nhà giáo đã được tăng cường.
Đơn cử như trong giai đoạn 2015 – 2020, khối các trường đại học ngành nông nghiệp tuyển sinh được 52.208 sinh viên, giảm 28.096 sinh viên so với giai đoạn 2010 -2015; tuyển sinh sau đại học là 10.883 người, giảm 414 nghiên cứu sinh và 177 học viên cao học so với giai đoạn 2010 – 2015.
"Có thể thấy, chất lượng đào tạo còn thấp so với mặt bằng khu vực và quốc tế; năng lực phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội còn yếu... Quy mô đào tạo chưa ổn định, cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, trong đó quy mô đào tạo một số ngành nghề lĩnh vực công nghệ, cơ điện tăng, trong khi một số ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khó tuyển sinh" – ông Giang nhấn mạnh.
Đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp theo đúng nhu cầu doanh nghiệp
Từ những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực ngành nông, lâm ngư nghiệp, GS.TS Trần Văn Chứ cho rằng, các bộ ngành cần nhanh chóng ban hành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt là các trường nghề; tiến hành sáp nhập các trường gần chuyên môn để chất lượng trong khối đồng đều.
"Đặc biệt, tạo cơ chế tốt để giúp các doanh nghiệp với nhà nước có quan hệ để đào tạo đúng và phù hợp. Cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung, từ đó xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra" – ông Chứ nói.
Đồng quan điểm, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, tính đến năm 2020, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã xây dựng cơ chế hợp tác với hơn 140 doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước, trong đó có những tập đoàn hàng đầu như: Công ty DENSO Việt Nam, Trường Hải Auto, TOYOTA Việt Nam,...
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Coi trọng việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một cơ sở đào tạo lớn, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, chúng tôi liên tục thay đổi chương trình đào tạo, đổi mới cách tiếp cận, đưa kiến thức về số hóa, nông nghiệp công nghệ cao vào chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, Học viện cũng rà soát chương trình đào tạo, đổi mới chương trình, những gì phù hợp thì giữ lại, những gì không phù hợp thì lược bỏ, bổ sung kiến thức mới.
Đặc biệt, Học viện rất coi trọng việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang liên kết với khoảng 200 doanh nghiệp để đào tạo theo đúng nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, nhờ đó tỷ lệ sinh viên Học viện ra trường có việc làm ngay rất cao.
"Sợi dây liên kết rộng rãi với doanh nghiệp đã giúp nhà trường thường xuyên định hướng lại chương trình đào tạo thông qua việc cập nhật các tiêu chuẩn từ các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở định hướng đầu tư các thiết bị, máy móc, nhà xưởng phù hợp với các công nghệ và yêu cầu của doanh nghiệp" – ông Ngọc khẳng định.
Cũng theo ông Ngọc, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp lớn sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một mặt doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng tốt từ nhà trường thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Mặt khác, nhà trường có sự hỗ trợ của doanh nghiệp về các tiêu chuẩn công nghệ mới.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, theo Bộ NNPTNT, các cơ sở đào tạo cần đảm bảo chất lượng và đổi mới quản lý đào tạo, cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn của ngành theo chỉ đạo của Bộ, gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động.
Tích cực triển khai các chương trình chất lượng cao đã được phê duyệt và được xã hội thừa nhận.
Xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và thực hiện tốt kế hoạch kiểm định chất lượng, chủ động tự kiểm tra, tự đánh giá. Công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học; kết quả kiểm định chất lượng đào tạo.
Đặc biệt cần tăng cường gắn kết chặt chẽ nhà trường - doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung-cầu để nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo và sử dụng lao động.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan:
Ngành nông nghiệp đang "khát" nhân lực chất lượng cao
Trên thực tế, ngành nông nghiệp đang rất khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, sinh viên có xu hướng lựa chọn các ngành có thu nhập cao để học tập mà ít lựa chọn ngành nông nghiệp.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các viện, trường xây dựng đề án đào tạo các kỹ sư nông nghiệp, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển ngành nông nghiệp; chú trọng đơn đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, để từ đó thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt theo định hướng ứng dụng, đáp ứng chuẩn đầu ra, phải xác định sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là sống còn.
Trên cơ sở đặt hàng của doanh nghiệp, các trường đào tạo theo đúng yêu cầu để từ đó tạo nên thị trường lao động tốt hơn, thu hút nhiều học sinh sinh viên vào học ngành nông nghiệp, xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực đủ mạnh để từ đó hỗ trợ nông dân tích cực đổi mới sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.