Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Cần có giải pháp tăng số đề tài khoa học được chuyển giao, thương mại hóa

P.V Thứ ba, ngày 09/11/2021 12:11 PM (GMT+7)
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng chống Covid-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cần có giải pháp thiết thực để phục hồi sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất giải pháp phục hồi sản xuất nông nghiệp

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng, chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra vừa phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2021 cũng như năm 2022. 

"Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội giành sự quan tâm đầy đủ, giành nguồn lực thỏa đáng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là nền tảng căn cốt và cần xác định rõ bất luận trong hoàn cảnh nào thì nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ đảm bảo sự phát triển ổn định của xã hội, là tiền đề cho các bước phát triển kinh tế xã hội tiếp theo" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.

Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để phục hồi sản xuất nông nghiệp, Chính phủ cần phải có giải pháp thiết thực về giống, logistics, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, chuyển đổi số để hỗ trợ, phục hồi ngay khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dễ bị tổn thương này.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông nghiệp dễ bị tổn thương - Ảnh 1.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; công tác phòng chống Covid-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cần có giải pháp thiết thực để phục hồi sản xuất nông nghiệp. Ảnh: QH.

Cho phép hình thành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong trường đại học

Đề cập đến lĩnh vực nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần quan tâm, có chính sách đặc thù để khuyến khích đội ngũ trí thức khoa học đông đảo đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây chính là lực lượng nòng cốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. 

"Chúng ta có 237 trường đại học, 16.500 tiến sỹ, 574 giáo sư và 4.113 phó giáo sư; hàng năm đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học. Hàng năm rất nhiều đề tài được nghiệm thu và rất nhiều quy trình công nghệ, sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn nhưng chỉ một số khiêm tốn được chuyển giao hay thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng cao phục vụ quốc kế dân sinh gây lãng phí nguồn lực của xã hội" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu một thực tế.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khỏi nghiệp trong trường đại học và viện nghiên cứu, bà Lan cho rằng, việc hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin off) trong trường đại học là một trong các mô hình ưu việt và phù hợp nhất.

Bà Lan kiến nghị sớm rà soát bổ sung loại hình doanh nghiệp Spin off vào các quy định của pháp luật. 

 Trong thời gian chờ sửa đổi luật, đề nghị Chính phủ cho thực hiện thí điểm cơ chế chính sách thuận lợi cho mô hình spin off, trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào ban quản lý điều hành doanh nghiệp Spin off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ tạo sản phẩm mới, chất lượng, hiệu quả.

Giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu/ trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem