Các chuyên gia của Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết, các hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt như lụt lội ở phần lớn châu Á và Trung Âu, lở đất ở Trung Quốc, gió nóng và hạn hán nghiêm trọng ở Nga trong thời gian qua đều có liên quan đến nhiệt độ toàn cầu nóng lên.
Ông Tom Karl, Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết: “Kể từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã nóng nhất kể từ khi ngành khí tượng thuỷ văn bắt đầu ghi lại các số liệu thống kê từ năm 1880. Nga và các nước Trung Á năm nay nằm trong vùng trung tâm của những đợt nắng nóng. Kèm theo điều kiện thời tiết nắng nóng, chúng ta còn chứng kiến lượng mưa rất lớn tại những khu vực ở Pakistan, toàn bộ hệ thống thời tiết đều có liên hệ với nhau”.
Còn Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết, biến đổi khí hậu đã rút ngắn khoảng cách thời gian giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn về người và của trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng, các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất gấp đôi nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường như hiện nay.
Bài học rút ra từ những hiện tượng này có thể giúp các nước định hình những chính sách ứng phó thích hợp trong tương lai khi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ trở nên phổ biến hơn vào những thập kỷ cuối của thế kỷ này.
Theo VTV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.