Nhiều biện pháp ngăn ngừa hút thuốc lá trong đồng bào dân tộc

Thuỳ Anh Thứ năm, ngày 16/11/2017 17:37 PM (GMT+7)
Nhiều năm trở lại đây, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy có nhiều cố gắng nhưng công tác thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do chương trình được thực hiện ở những đối tượng, địa hình đặc thù là người đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Bình luận 0

Tăng cường tập huấn

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong đồng bào dân tộc, thời gian qua UBDT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn. Gần đây nhất, đầu tháng 3 vừa qua đơn vị này đã tổ chức tập huấn Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn. Hội nghị tập huấn có hơn 120 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh, phòng dân tộc các huyện, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trên dịa bàn tỉnh Lạng Sơn.

img

Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thùy Linh - chuyên gia Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 47,4%, nữ giới 1,4% (GATS 2010), gần 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc), 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà. 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà, hơn 5 người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. 40.000 người tử vong hàng năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, nguy cơ tới năm 2030 có thể tăng lên 70.000 người tử vong/năm (WHO).

Ông Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBDT) nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, công tác này đã được UBDT đặc biệt chú trọng và triển khai, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đồng bào sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều trở ngại. Một nguyên nhân nữa là do phong tục tập quán của địa phương và nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông Thịnh mong muốn, thông qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu người có uy tín và cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc là đi vào cuộc sống của người dân.

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực trạng triển khai; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Phát huy vai trò của trưởng bản

Ngoài việc tăng cường tập huấn, truyền thông, thời gian qua UBDT cũng chú trọng hơn tới việc xây dựng bản làng không khói thuốc. Theo đó, các địa phương chủ động phát huy vài trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín nhằm truyền thông. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xây dựng môi trường bản làng không khói thuốc cũng được xây dựng, dù còn nhiều khó khăn. Xây dựng môi trường không khói thuốc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển khó một thì ở các làng bản xa xôi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác này khó gấp mười, gấp trăm.

Bản Cu Pua (huyện Đakrông, Quảng Trị) được biết đến như một bản của người dân chỉ biết đến rượu và thuốc lá. Đàn ông ở bản hầu như ai cũng hút thuốc, uống rượu, còn chị em phụ nữ cũng không kém cạnh. Cứ 10 người phụ nữ trong bản thì có đến 9 người hút thuốc. Thế nhưng, đã 10 năm nay, người dân trong bản Cu Pua thay đổi rất nhiều. Không còn ai hút thuốc và uống rượu, người nào cũng hiểu được tác hại đối với sức khỏe và kinh tế của việc uống rượu và hút thuốc.

Từ tấm gương của những người đầu tiên đoạn tuyệt được với thuốc lá, men rượu trên, đến nay gần như 100% dân bản Cu Pua đã nói không với thuốc lá. Có được kết quả làng bản không khói thuốc này, phải nói đến công lao của “già làng” Hồ Ê Nốt rất lớn. Ê Nốt là một cán bộ văn hóa thôn, là người rất gương mẫu, vận động từng hộ gia đình làm theo.

Cũng là một tấm gương điển hình để làng bản noi theo trong cuộc chiến nói không với thuốc lá có già làng Sùng A Giáo, ở bản Nà Ón (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa). Bản làng này suốt 20 năm qua không có người say rượu, không ai hút thuốc lào. Già làng Sùng A Giáo tự hào khoe: “Gần 20 năm rồi Nà Ón không còn ai hút thuốc lào cả. Hút thuốc lào không vi phạm pháp luật nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bà con ai cũng tin, quý trọng già”.

“Nhờ được tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tỉnh, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số khi trở về địa phương sẽ có thêm những kiến thức, tuyên truyền rộng rãi đến đồng bào dân tộc. Qua đó, giảm dần tỉ lệ người sử dụng thuốc lá, giảm tỉ lệ người mắc và chết do các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng đặc biệt là đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Ông Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBDT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem