Nhiều câu lạc bộ nông dân giỏi ở TT-Huế ra đời từ các mô hình kinh tế do Hội Nông dân hỗ trợ
Nhiều câu lạc bộ nông dân giỏi ở TT-Huế ra đời từ các mô hình kinh tế do Hội Nông dân hỗ trợ
Thanh Nga
Thứ tư, ngày 05/06/2024 10:11 AM (GMT+7)
Thông qua các mô hình kinh tế do Hội Nông dân hỗ trợ kinh phí triển khai, đã có nhiều Câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" (NDSXKDG) ở Thừa Thiên Huế được hình thành và hoạt động hiệu quả.
Ngày 4/6, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thông qua các mô hình kinh tế do Hội Nông dân hỗ trợ kinh phí triển khai, đã có nhiều Câu lạc bộ NDSXKDG ở tỉnh được hình thành và hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút nông dân tham gia tổ chức Hội.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang thăm mô hình nuôi cá của hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Ảnh: Văn Lâm.
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp ở Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ kinh phí giúp hội viên nông dân phát triển nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực. Tại xã Hương Phong (TP.Huế), Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ mô hình nuôi xen ghép cá, cua, tôm giống với kinh phí gần 42 triệu đồng cho 10 hộ hội viên, nông dân.
Sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế giúp các hội viên nông dân có điều kiện xử lý, cải tạo ao nuôi, mua con giống và có nguồn thức ăn cho vật nuôi để phát triển mô hình nuôi xen ghép cá, cua, tôm giống. Thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện nuôi trồng thủy sản xen ghép của các hộ hội viên nông dân. Qua đó, mô hình đã giúp mỗi hộ hội viên thu được lợi nhuận hơn 38 triệu đồng/vụ. Mô hình đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 20 lao động địa phương.
Từ mô hình cho hiệu quả kinh tế cao này, Hội Nông dân xã Hương Phong vận động xây dựng Câu lạc bộ NDSXKDG với 12 thành viên có cùng ngành nghề nuôi thủy sản. Câu lạc bộ có quy chế hoạt động rõ ràng, 3 tháng sinh hoạt một lần để các thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mô hình không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương mà còn góp phần thu hút nông dân vào tổ chức Hội.
Tại xã Vinh An (huyện Phú Vang), Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hỗ trợ mô hình nuôi xen ghép cá, cua, tôm với kinh phí gần 42 triệu đồng cho 10 hộ hội viên nông dân nuôi trồng thủy sản. Mô hình đã giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và khoảng 30 lao động thời vụ tại địa phương. Với năng suất nuôi cao và đầu ra thuận lợi, mỗi hộ hội viên tham gia mô hình đã đạt lợi nhuận 22,5 triệu đồng/vụ nuôi.
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình này, các hộ hội viên nông dân đã tự nguyện, tự giác đề xuất thành lập Câu lạc bộ NDSXKD giỏi với sự tham gia của 10 thành viên có cùng lĩnh vực nuôi xen ghép cá, cua, tôm. Các thành viên trong câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn định kỳ để trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả kinh tế của mô hình.
Tại phường Thủy Biều (TP.Huế), với mô hình hệ thống tưới nước vườn cây thanh trà do Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, nhiều hội viên nông dân trồng thanh trà đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.
Mô hình có tổng kinh phí 51 triệu đồng với sự tham gia của 10 hộ hội viên nông dân. Sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh giúp các hộ hội viên tham gia mô hình có 10 máy bơm nước, 100m ống nước phi 21, 800m ống nước phi 34. Ngoài ra các hộ hội viên đầu tư mua thêm các trang thiết bị để hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống tưới.
Hệ thống tưới này đã giúp chống hạn hán, sâu bệnh cho các vườn thanh trà. Từ đó, hiệu quả trong việc canh tác, chăm sóc cây thanh trà đạt tốt hơn, sản phẩm quả thanh trà ngày càng đẹp về mẫu mã và chất lượng. Mô hình góp phần mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các hộ hội viên nông dân.
Mô hình còn tạo tiền đề cho Chi hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc thanh trà triển khai có hiệu quả hơn. Chi hội nghề nghiệp sinh hoạt thường xuyên giúp các hội viên nông dân trao đổi, động viên nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương.
Phó Chủ tịch HND tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Văn Lập cho biết: Trong thời gian đến, cùng với hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế, Hội Nông dân các cấp ở tỉnh sẽ tiếp tục thành lập các Câu lạc bộ NDSXKDG và triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này. Các Câu lạc bộ NDSXKDG được thành lập phải đảm bảo đủ năng lực hỗ trợ nông dân, hội viên nông dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tại các địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.