Nhiều dự án bất động sản xây dựng cầm chừng nhằm huy động dòng tiền khách hàng

Gia Linh Thứ năm, ngày 07/09/2023 11:16 AM (GMT+7)
Nhiều trường hợp khách hàng đã đóng nhiều đợt tiền cho chủ đầu tư để mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư chỉ xây dựng cầm chừng, chậm tiến độ khiến người mua nóng lòng.
Bình luận 0

Nóng lòng chờ được nhận bất động sản

Chị Vũ Thị Như (38 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết năm 2019 chị có xuống tiền mua một dự án căn hộ tại khu vực gần làng Đại học, giáp ranh TP.Thủ Đức với giá 2,4 tỷ với diện tích 65m2. Thời điểm đó, chị đã đóng 20% giá trị căn hộ (gần 500 triệu đồng) và chọn phương án đóng tiền theo tiến độ. Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án sẽ được bàn giao vào năm 2022 - 2023.

Tuy nhiên, 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, dự án chị mua dường như bất động. Từ 2022 trở đi, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự án trên vẫn chưa có dấu hiệu về đích. Nguyên nhân vì dự án vướng mắc pháp lý, phải nằm gần 1 năm để chờ được tháo gỡ. Khi dự án được khơi thông pháp lý thì cũng là lúc rơi vào giai đoạn kinh tế khó khăn, thắt chặt tín dụng. Vì thiếu dòng tiền, chủ đầu tư dự án chỉ xây dựng cầm chừng để thu tiền khách hàng.

"Từ đầu năm 2023 đến nay, dự án mãi không thêm tầng mới. Công trình vẫn quay cẩu, nhưng số lượng công nhân thi công chỉ lác đác vài người. Đã vậy, bộ phận chăm sóc khách hàng còn liên tục gửi thông báo, gọi điện đốc thúc đóng tiền", chị Như cho biết.

Nhiều dự án bất động sản xây dựng cầm chừng nhằm huy động dòng tiền khách hàng - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng mỏi mòn chờ nhận nhà khi dự án liên tục trễ hẹn. Ảnh: Gia Linh

Một trường hợp khác, anh Quốc Trung ( 40 tuổi, kinh doanh điện tử) cho biết 4 năm trước anh vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để mua căn hộ 72m2 thuộc một dự án bất động sản tại quận 7. Tuy nhiên, từ đó đến nay, anh Trung vẫn chưa nhận được nhà.

"Chủ đầu tư đưa ra nhiều nguyên nhân nào là dịch bệnh ảnh hưởng tiến độ, tranh chấp với nhà thầu, cạn dòng tiền... rồi liên tục dời thời gian bàn giao nhà. Rất nhiều lý do được doanh nghiệp đưa ra buộc người mua phải thông cảm. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không hề có động thái chia sẻ hay hỗ trợ gì trong khi chính người mua đang phải chịu thiệt hại. Khách hàng cứ phải chờ đợi mỏi mòn và chịu áp lực trả lãi ngân hàng mà nhà thì không thấy đâu", anh Trung nói.

Cũng tương tự, chị Bảo Yến (nhà đầu tư) đang cố gắng rao bán căn hộ gần khu vực Quốc lộ 1K vì dự án liên tục chậm tiến độ. Theo hợp đồng mua bán, dự án sẽ được cất nóc và bàn giao nhà từ cuối quý 4/2022 nhưng đến nay chủ đầu tư lại yêu cầu khách hàng kí phụ lục điều chỉnh thời gian bàn giao nhà sang quý 2/2024.

Nhiều dự án bất động sản xây dựng cầm chừng nhằm huy động dòng tiền khách hàng - Ảnh 3.

Một số chủ đầu tư xây dựng cầm chừng để thu tiền khách. Ảnh: Gia Linh

"Dự án đến nay chỉ mới hoàn thiện phần thô, còn các công đoạn bên trong thì chủ đầu tư làm ì ạch, cầm chừng. Quá nản, tôi tìm cách rao bán, kí gửi cho nhiều môi giới bán chênh lệch với giá mua vào chỉ 50 triệu nhưng mãi không tìm được khách. Qua tìm hiểu, rất nhiều khách hàng mua cùng dự án với tôi cũng đang rao bán nhà nên nguồn cung dồn ứ, rất khó tìm khách mua", chị Yến cho hay.

Doanh nghiệp chậm xây, người mua bất động sản thiệt thòi

Việc người mua phải mỏi mòi chờ đợi và đi "đòi nhà" trở thành câu chuyện không mới trên thị trường bất động sản. Rất nhiều lý do có thể được doanh nghiệp vin vào như dịch bệnh, phí xây dựng leo thang, tranh chấp với nhà thầu, cạn dòng tiền... nhưng nguyên nhân phía sau thường rơi vào vấn đề pháp lý dự án. Đây chính là một trong những rủi ro người mua có thể đối diện khi mua dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Việc người mua phải bỏ ra số tiền lớn, thậm chí hàng tỷ đồng để mua nhà nhưng đổi lại là phải trông chờ mòn mỏi, thậm chí còn mệt mỏi dính vào kiện tụng vì chủ đầu tư làm sai cam kết.

Một số khác lại "mừng hụt" khi thấy dự án tái khởi động sau thời gian nằm im lìm nhưng hóa ra công trình chỉ được xây dựng cầm chừng, để tạo niềm tin cho khách hàng từ đó huy động vốn từ dòng tiền khách hàng đóng vào theo tiến độ.

Nhiều dự án bất động sản xây dựng cầm chừng nhằm huy động dòng tiền khách hàng - Ảnh 4.

Người mua nhà chịu nhiều rủi ro khi mua phải các dự án chậm tiến độ. Ảnh: Gia Linh

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có hàng ngàn dự án chậm tiến độ với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc vay vốn. Điều này khiến một số dự án buộc phải tạm ngừng xây dựng, từ đó dẫn đến việc khách hàng vay tiền ngân hàng mua nhà hình thành trong tương lai vẫn phải duy trì trả lãi trong khi không biết khi nào được nhận nhà.

Việc người mua nhận được nhà đúng cam kết, khách hàng có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền bổ sung phần nào vào chi phí thanh toán cho ngân hàng, giúp giảm áp lực chi trả.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho hay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là vấn đề vướng mắc pháp lý và dòng tiền. Bởi vậy, một số đơn vị cố gắng khởi động dự án để huy động dòng tiền cố định từ khách hàng. Một số khác tìm cách đẩy nhanh tiến độ kí hợp đồng mua bán với người mua. Đây là một trong những giải pháp để hữu hiệu về thu về lượng tiền mặt lớn trong bối cảnh dòng vốn tín dụng từ các ngân hàng bị siết chặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem