Những kết quả đáng ghi nhận
Quảng Ngãi nằm ở vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có các vùng miền núi, đồng bằng đô thị và ven biển hải đảo. Vì vậy, đây là vùng có thể đầu tư phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch và kinh tế biển đảo. Bên cạnh đó, tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến Quốc lộ 1 nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; trung tâm thành phố Quảng Ngãi cách sân bay Chu Lai khoảng 45km về phía Bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế…
Nhiều doanh nhiệp đang đầu tư vào Quảng Ngãi để xây dựng các chuỗi sản xuất rau quả sạch. Ảnh: TL
Ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: “Với những tiềm năng mà Quảng Ngãi đang có và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, chắc chắn các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm thấy ở Quảng Ngãi những cơ hội đầu tư hấp dẫn”. |
Với những thuận lợi trên, cùng với sự quảng bá hình ảnh và cải cách mạnh mẽ về chính sách, môi trường đầu tư của các cấp ngành trong thời gian qua, Quảng Ngãi đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3 Khu công nghiệp (KCN) tập trung, 15 cụm công nghiệp và làng nghề khác... Đặc biệt Khu kinh tế Dung Quất, với quy mô diện tích ban đầu 10.300ha được xem là “đầu tàu” trong thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi. Tính đến thời điểm này đã có tất cả 132 dự án (DA) đầu tư vào đây, với tổng vốn đăng ký gần 11 tỷ USD, gồm 28 DA FDI/4 tỷ USD và trong 104 DA của các nhà đầu tư trong nước với 7 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án tên tuổi, như: KCN-Đô thị-Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
Nhiều tổ chức, tập đoàn kinh tế nước ngoài cũng đã đến tìm hiểu để triển khai đầu tư, như Công ty Phát triển điện lực Nhật Bản (J-Power), Tập đoàn Mitsui và Công ty Tedi Port, Tập đoàn Hanes Brand của Mỹ, Hanvina của Hàn Quốc... Không những công nghiệp, hóa dầu và dịch vụ thương mại, thời gian gần đây nhiều DA lớn trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã về Quảng Ngãi. Đáng chú ý là Dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại xã Đức Phú, huyện Mộ Đức. Với diện tích khoảng 125ha, quy mô 4.000 con, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, đến thời điểm này đây là DA nông nghiệp lớn nhất được triển khai tại Quảng Ngãi.
Nỗ lực để vươn xa
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Cùng với tăng cường tổ chức quảng bá, giới thiệu và tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ ngành T.Ư; tỉnh Quảng Ngãi đã rà soát để sửa đổi, bổ sung cơ chế nhằm thu hút và tạo sự thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến Quảng Ngãi. Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc và khó khăn cho các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tổ chức buổi cà phê với doanh nhân 1 lần/tháng; định kỳ ít nhất 2 lần/năm gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh và thế mạnh của địa phương tạo sức hút và cơ hội cho các nhà đầu tư”.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi năm 2017 diễn ra ngày 20.10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: Hội nghị này sẽ là cơ hội tốt để các đối tác đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, cập nhật hơn về tiềm năng, thế mạnh, văn hóa và con người Quảng Ngãi. Nắm bắt rõ những chính sách để tìm kiếm cho mình những cơ hội đầu tư, kinh doanh hiệu quả... Qua những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.