Nhiều hệ lụy từ các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Thứ tư, ngày 22/11/2023 06:45 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội (MXH) xuất hiện nhiều hội nhóm kín thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực như cách trốn nợ, muốn tự tử, thậm chí rủ nhau tìm cách kết thúc cuộc đời. Những hội nhóm tiêu cực này đang gây ảnh hưởng tâm lý xấu với hàng nghìn người tham gia.
Bình luận 0

Chỉ cần vào Facebook tìm kiếm từ khóa "tự tử" thì ngay lập tức xuất hiện hàng loạt nhóm như: "Tâm sự của những người muốn tự tử", "Hội những người tìm cách tự tử không đau", "7749 cách tự tử" hay "Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử"... thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia. Tìm hiểu thông tin trên các hội nhóm này, chúng tôi nhận thấy, trong mỗi câu chuyện chia sẻ của các thành viên thường có điểm chung là thay vì động viên, giúp đỡ nhau vực dậy tinh thần, vượt qua khó khăn thì rất nhiều thành viên tham gia dưới dạng tài khoản ẩn danh lại chỉ đề cập đến các vấn đề tiêu cực, thậm chí rủ rê, xúi giục nhau tìm cách tự tử.

Nhiều hệ lụy từ các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm mang nội dung rủ rê nhau tự tử. (Ảnh chụp màn hình)

Những bài viết bày tỏ sự chán sống, rủ nhau cùng kết thúc cuộc đời xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo đó là các bình luận tiêu cực, hướng dẫn đủ mọi cách để tự tử nhẹ nhàng như dùng thuốc ngủ, nhảy xuống sông... Ngoài những bài viết bàn luận về chủ đề tự tử, các thành viên cũng thường xuyên chia sẻ những câu chuyện cá nhân, gia đình mang đầy sự tiêu cực như nợ nần, thất nghiệp, ly hôn... trong đó có không ít thành viên tuổi đời còn rất trẻ đã bày tỏ ý định muốn tự tử chỉ vì thầy, cô cho điểm kém, bố mẹ không hiểu mình.

Trên các trang MXH còn có nhiều hội nhóm tiêu cực rủ rê nhau vi phạm pháp luật, hướng dẫn cách "bùng" nợ, quảng cáo các dịch vụ xóa nợ, trốn nợ. Từ những hội nhóm này, thông qua tương tác, kết bạn đã có không ít trường hợp thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ như vào ngày 24/10 vừa qua, tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) xảy ra vụ cướp ngân hàng. Sau 22 giờ gây án, 3 đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, thông qua nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều", các đối tượng đã kết bạn, nhắn tin trao đổi và hẹn nhau đi cướp.

Đây không phải là vụ án đầu tiên xảy ra do các đối tượng tham gia các hội nhóm tiêu cực rồi rủ nhau thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trước đó, vào tháng 3/2022, trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng xảy ra vụ cướp ngân hàng. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận không có nghề nghiệp ổn định và đang nợ tiền. Hai đối tượng này quen nhau trong hội "Những người vỡ nợ muốn làm liều" trên MXH Facebook và rủ nhau đi cướp ngân hàng để trả nợ.

Có thể thấy, MXH là ảo, nhưng hệ lụy từ những hội nhóm tiêu cực là thật và đã để lại những hậu quả đau lòng cho không ít gia đình. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã liên hệ và yêu cầu Facebook chặn 8 nhóm hướng dẫn cách tự tử và 47 nhóm hướng dẫn "bùng" nợ ngân hàng, hướng dẫn cách vay tiền lừa đảo hay cách lừa đảo bằng thế chấp tín dụng trên MXH Facebook. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên MXH Facebook vẫn xuất hiện nhiều hội nhóm tiêu cực như thế này.

Để hạn chế các trường hợp thanh, thiếu niên rủ rê nhau vi phạm pháp luật hay tự tử, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình nhận biết được những lợi ích và những nguy hại khi tham gia MXH. Từ đó, các em biết rằng, khi chia sẻ bất cứ thông tin nào trên MXH phải bảo đảm những thông tin đó là an toàn, lành mạnh, mang tính xây dựng. Qua đó giúp con em mình có đủ hiểu biết và kỹ năng khi tham gia các hội nhóm trên MXH".

Dưới góc độ pháp lý, hành vi đăng tải lên MXH những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử đều bị coi là phạm pháp. Hành vi này có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, với mức phạt 10-20 triệu đồng và những hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Phan Kế Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Trong trường hợp là những hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người khác tự sát thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên thì có thể sẽ bị xử phạt từ 2 năm đến 7 năm tù".


ĐỨC THỊNH - VŨ MẠNH (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem