Nhiều kỳ vọng vào tân Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh

Thứ bảy, ngày 05/01/2013 06:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Bộ Chính trị công bố quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng làm Trưởng ban Nội chính T.Ư đã thu hút sự chú ý của dư luận, người dân nhiều địa phương, nhất là Đà Nẵng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Thành Quảng - cán bộ hưu trí phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, chia sẻ: Từng công tác tại Quân khu 5, tôi đã đôi lần tiếp xúc, trò chuyện và làm việc với ông Nguyễn Bá Thanh. Tôi thấy ông Thanh là người mà mọi suy nghĩ và hành động đều vì nhân dân và vì lợi ích chung của TP.Đà Nẵng. Ông Thanh là người gần dân, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

“Hiện nay, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang có dấu hiệu gia tăng. Do đó, nếu được Đảng giao giữ chức Trưởng ban Nội chính T.Ư - cơ quan chủ trì trong phòng chống tham nhũng, tôi nghĩ ông Thanh sẽ phát huy được những ưu điểm của mình để làm tốt nhiệm vụ mới” - ông Quảng hy vọng.

img
Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính T.Ư.

Nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội, em Trần Văn Trường (SN 1995, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) - một trong những thanh thiếu niên chậm tiến tại địa phương, chia sẻ: “Năm 2011, em bỏ học đi chơi với nhóm bạn bè xấu. Không biết từ lúc nào em đã sa vào ma túy đá. Vì thiếu tiền mua thuốc, em đã làm nhiều việc ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương”.

Theo lời em Trường, khi em được gặp và nghe Bí thư Nguyễn Bá Thanh nói chuyện và chỉ bảo, em đã tự ý thức phải thay đổi: “Em nhớ một câu nói của bác Thanh: “Cuộc đời không ai là không có sai lầm nhưng phải biết nhận ra để khắc phục, tiến lên, đó mới là dũng khí, chứ không phải cầm dao chém người là anh hùng". Từ lời nói này, cộng với việc được CA phường Thanh Khê Tây cho học nghề cắt tóc, Trường đã tu tâm sửa tính, không chơi bời hư hỏng mà đã chăm chỉ lao động, kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. “Làm lãnh đạo mà ai cũng được như bác Thanh thì thật sự người dân được nhờ. Bây giờ nghe nói bác ra Hà Nội, em hy vọng và tin rằng bác sẽ vẫn giữ vững được phong độ vốn có”- Trường tâm sự.

Nhiều người dân đã từng gặp, chịu ơn ông Thanh cũng bày tỏ sự kỳ vọng khi ông ra Hà Nội. Anh Hồ Văn Lành (SN 1970, tổ 15, Lộc Phước 3, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhớ lại: “Là người được gặp và trò chuyện với ông Nguyễn Bá Thanh tại buổi đối thoại "Vai trò của nam giới trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình trên địa bàn thành phố" tổ chức năm 2009, đến giờ tôi vẫn có những ấn tượng đẹp về vị lãnh đạo này. Tôi là ngư dân, ăn sóng nói gió, trước kia tôi cũng có những điều không phải với vợ khi say xỉn. Tôi rất bất ngờ khi một hôm bỗng nhận được giấy mời có chữ ký của ông Thanh, mời lên Hội đồng Nhân dân thành phố để nói chuyện.

Sau buổi này, tôi đã vỡ ra nhiều điều. Ông Thanh tâm sự nhiều, không chỉ với tôi mà với 129 người đàn ông khác, răn có, bảo ban có, vừa với tư cách "quan" vừa với tư cách người anh cả. Những lời nói mộc mạc, gần gũi, có lý có tình của ông đã làm tôi tỉnh ngộ, quyết tâm thay đổi tâm tính. “Tôi nói thật lòng là gia đình tôi đã nợ ông Thanh một món nợ ân tình. Chỉ mong khi nhận nhiệm vụ mới, ông Thanh vẫn mãi giữ được cốt cách của một lãnh đạo vì dân”- anh Lành nói.

Ban Nội chính T.Ư có những nhiệm vụ gì?

Theo Quyết định 159 do Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Lê Hồng Anh ký ban hành, Ban Nội chính T.Ư có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định.

Cũng theo quyết định này, Ban Nội chính T.Ư được giao 6 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiệm vụ chủ trì hoặc phối hợp nghiên cứu, đề xuất các nội dung như: Những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN; một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN.

Đồng thời, Ban chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định…; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN giao.

Ban này cũng được giao nhiệm vụ thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán TAND Tối cao.

Về bộ máy, Ban Nội chính T.Ư gồm có trưởng ban và các phó trưởng ban, được cơ cấu tổ chức với 9 vụ, đơn vị trực thuộc, trong đó có Vụ Theo dõi, xử lý các vụ án; Vụ Pháp luật; Vụ Nghiên cứu tổng hợp; Vụ Cơ quan nội chính; Vụ Theo dõi công tác PCTN…, và Tạp chí Nội chính.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28.12.2012.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem