Nhiều lần vi phạm pháp luật Việt Nam, Netflix sẽ bị xử lý thế nào?
Thủy Tiên
Thứ bảy, ngày 14/11/2020 10:34 AM (GMT+7)
Cách đây 22 năm, Netflix được ra mắt với mô hình hoạt động ban đầu là cửa hàng cho thuê đĩa DVD qua mạng với khoảng gần 1.000 đầu đĩa (được sản xuất tại thời điểm đó). Khách hàng muốn thuê đĩa sẽ phải trả qua tài khoản cho mỗi lần thuê với số lần xem và thời hạn xem nhất định.
Việc cho khách hàng thuê định kỳ theo tháng được Netflix áp dụng từ tháng 9/1999, và 1 năm sau đó, họ bỏ mô hình thuê lẻ một lần mà phát triển mô hình cho thuê lâu dài. Từ thời điểm này, Netflix phát triển mạnh mẽ với mô hình kinh doanh với mức phí cố định cho thuê không giới hạn, gói cước thuê linh hoạt tùy vào mục đích sử dụng của khách hàng và có thể trả sau.
Thập niên 2000, khi mạng internet phát triển mạnh, Netflix chuyển qua hình thức cung cấp nội dung phát trực tuyến miễn phí cho các thuê bao gồm phim và các chương trình truyền hình.
Năm 2013, Netflix có 33,1 triệu người đăng ký tại Hoa Kỳ. Đến tháng 9/2014, Netflix đã có người đăng ký ở hơn 40 quốc gia và tới tháng 10/2018, đạt tới 137 triệu thuê bao trên toàn thế giới, trở thành nền tảng dịch vụ video đăng ký trực tuyến lớn nhất thế giới. Để phát triển và đa dạng hóa sản phẩm cũng như dịch vụ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của thuê bao, Netflix trở thành nhà phân phối phim độc lập, sản xuất các chương trình ca nhạc, chương trình truyền hình… bằng cách mua các công ty sản xuất danh tiếng như ABQ Studios, ký hợp đồng với Paramount Pictures và thuê nhiều nhà làm phim, đạo diễn chương trình truyền hình nổi tiếng về làm việc.
Tóm lại, với mô hình hoạt động như vậy, Netflix cung cấp cho người dùng các nội dung chủ yếu là phim truyền hình và chương trình truyền hình thuộc mọi lĩnh vực, của cả Netflix sản xuất lẫn từ nhà sản xuất khác. Hình thức bán hàng của Netflix cũng đa dạng với các gói cước khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn của người tiêu dùng và có thể sử dụng sản phẩm ở bất cứ đâu, thời điểm nào mà khách hàng muốn.
Xử lý vi phạm của Netflix tại Việt Nam
Trở lại với câu chuyện Netflix vi phạm phạm luật hiện hành của Việt Nam. Riêng mảng điện ảnh, truyền hình, đơn vị quản lý đầu ngành điện ảnh là Cục Điện ảnh đã lên tiếng cho biết, theo Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, các hãng truyền hình nước ngoài cung cấp kênh chương trình nước ngoài vào Việt Nam có thu phí bản quyền nội dung phải thông qua đại lý được ủy quyền tại Việt Nam để thực hiện việc đăng ký cung cấp kênh chương trình và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Điện ảnh chưa nhận được văn bản thông báo nào liên quan đến vấn đề Neflix đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động và có cơ quan đại diện được ủy quyền tại Việt Nam hay chưa được cấp phép.
Trước đó, về những sai phạm xuất hiện trong bộ phim "Madam Secretary"trên ứng dụng Netflix trên lãnh thổ Việt Nam, Cục Điện ảnh cũng khẳng định không cấp phép cho hoạt động sản xuất, phổ biến liên quan đến bộ phim này. "Trong nội dung phim có cảnh phố cổ Hội An được chú thích là "Fuling, China"(Phù Lăng, Trung Quốc) là nội dung sai sự thật, cần thiết phải được xử lý", Cục Điện ảnh nhấn mạnh.
Luật Điện ảnh đã quy định cấm "Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân". Thế nhưng, theo Cục Điện ảnh, hoạt động của Netflix là hoạt động điện ảnh trong dịch vụ truyền hình qua mạng Internet được cung cấp theo hình thức xuyên biên giới, Luật Điện ảnh chưa có quy định điều chỉnh, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của loại hình này, đối tượng hoạt động ở nước ngoài.
Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng cho hay, hiện đang tham mưu trình cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của công nghệ. Đồng thời đề nghị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và các cơ quan liên quan phối hợp, tham gia xây dựng khung pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động điện ảnh theo hình thức cung cấp phim xuyên biên giới trên mạng internet vào lãnh thổ Việt Nam.
Về việc phối hợp xử lý việc cung cấp bộ phim "Madam Secretary"trên ứng dụng Netflix, tại công văn phúc đáp Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT), lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết đang tham mưu trình xem xét, sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của công nghệ.
Đồng thời, Cục Điện ảnh đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp, tham gia xây dựng khung pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động điện ảnh theo hình thức cung cấp phim xuyên biên giới trên mạng internet vào lãnh thổ Việt Nam.
Netflix là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp phải có giấy phép trước khi cung cấp dịch vụ. Nội dung trên dịch vụ phải tuân thủ các yêu cầu về biên tập nội dung trước khi cung cấp đến người dùng, thuê bao theo quy định pháp luật về báo chí, điện ảnh, luật trẻ em tại Việt Nam… Tuy nhiên, nền tảng chiếu phim trực tuyến này đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử mới đây đã ra văn bản yêu cầu Công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam. "Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục để nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam", văn bản nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.