Nhiều làng quê bị lũ nhấn chìm

Thứ năm, ngày 17/10/2013 07:04 AM (GMT+7)
Sau bão số 11 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung thì đến lượt lũ nhấn chìm hàng chục nghìn căn nhà của người dân các tỉnh ở khu vực này.
Bình luận 0
Tài sản trôi theo lũ

Mưa lớn trong hai ngày qua khiến một số huyện miền núi của Hà Tĩnh như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn đã xảy ra tình trạng lũ ống.

Chiều 16.10, ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) thông tin: Từ sáng 16.10, nước từ thượng nguồn đổ về đột ngột đã khiến 400 hộ dân bị ngập hoàn toàn, trong đó có hơn 200 nhà dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản gia súc, gia cầm, mưa lớn kèm theo gió mạnh khiến 4 ngôi nhà ở thôn làng chè bị đổ.

Cũng tại địa bàn xã ghi nhận một trường hợp bị mất tích trong lúc đi chăn trâu bị lũ cuốn là anh Nguyễn Văn Oanh (SN 1995). Lũ về nhanh đã khiến 100ha chè công nghiệp và hàng trăm ha rau màu vụ đông bị ngập thối và hư hỏng, toàn bộ hệ thống cầu cống bị sạt lở và cuốn trôi. Hiện nay có 2 thôn bị cô lập hoàn toàn là thôn Thanh Phú và Tiền Phong cần sự giúp đỡ và cứu trợ.

Nhiều nhà dân ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị lũ nhấn chìm
Nhiều nhà dân ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị lũ nhấn chìm

Ghi nhận vào chiều 16.10, tại huyện Vũ Quang do nước lên nhanh vào ban đêm làm 11/12 xã, thị trấn bị ngập sâu. Ông Phạm Văn Đức- một chủ trang trại ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang nói trong nước mắt: “Từ đêm qua đến nay mưa lớn trang trại của gia đình tôi bị ngập chìm trong nước, hơn 600 con lợn thương phẩm và trên 200 con gà bị nước nhấn chìm.

Từ sáng tới giờ cả gia đình tập trung nhân lực để tháo chuồng đưa lợn lên đồi cao chạy lũ. Đến thời điểm này chưa thể thống kê được cụ thể số lợn bị lũ cuốn trôi và chết nhưng thiệt hại sẽ lên đến tiền tỷ”.

Theo thống kê, riêng tại huyện Vũ Quang lũ đã làm gần 200 hộ bị ngập nhà, 3.715 hộ bị cô lập; 150ha ngô, rau màu bị thiệt hại. Cùng thời điểm này, huyện Hương Khê cũng đã có 620 hộ dân của 15 xã, thị trấn ngập chìm trong biển nước.

Nhiều vùng cô lập


Tại nơi được xem là vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên - Huế như huyện Quảng Điền và Hương Trà, nhiều nơi đã bị cô lập, lũ chia cắt nhiều tuyến đường có nơi ngập sâu 1-1,5m. Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền nói: "Rứa là hết rồi, bao nhiêu tài sản lúa má bị chìm trong lũ rồi. Bây giờ tui biết làm răng đây?". Tại xã Quảng Phước, cuộc sống của người dân các thôn Khuôn Phò, Thủ Lễ, Phước Lập khốn đốn bởi nước lũ rút rất chậm.

Nhiều nhà dân vì không kịp chuẩn bị nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn do thiếu chất đốt, nước sạch. Tại xã Quảng Phú, chính quyền địa phương đã sơ tán 42 hộ với 135 nhân khẩu ở các thôn Nho Lâm, Xuân Tùy, Nghĩa Lộ… để không xảy ra thiệt hại về người do lũ. Chính quyền xã đã cử lực lượng túc trực 24/24 giờ giúp người dân ứng phó với lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tại các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ… đến ngày 16.10, nhiều khu dân cư vẫn ngập sâu trong lũ.

Ông Nguyễn Thành Nhân - một hộ dân ở Quảng An cho biết: “Chỉ qua một đêm, lũ đã nhấn chìm mấy sào hoa màu. Rồi trâu bò, lợn gà cũng chìm trong nước. Không nói là trắng tay, nhưng qua trận lũ này, gia đình tôi cũng sẽ kiệt quệ”. Chủ tịch UBND xã Quảng An, ông Nguyễn Hiền cho biết: Hiện, các tuyến đường trên địa bàn xã đã bị ngập trên 1,5m. Có nơi lên cao 2m, 2,2m… Các thôn như: An Xuân, Mỹ Ốn, Đông Xuyên, Mỹ Xá đã bị cô lập.

Thủy điện xả lũ, chia cắt nhiều nơi

Đến ngày 16.10, hàng loạt hồ thuỷ điện ở Quảng Nam tiếp tục xả lũ. Thủy điện Đăk Mi 4 xả qua máy phát điện 100,48 m3/s, xả qua tràn 201,72 m3/s; Thủy điện A Vương xả qua máy phát điện 78m3/s, xả qua tràn 33 m3/s.

Khẩn cấp ứng phó với lũ
Sáng 16.10, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi một số tỉnh miền Trung yêu cầu khẩn cấp ứng phó với lũ đang lên; kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò... để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Việc thủy điện xả lũ làm cho mực nước các sông lên cao, nhiều nơi lên trên báo động II, gây chia cắt nhiều nơi. Tại Tam Kỳ, hàng trăm hộ dân thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, hoàn toàn bị cô lập bởi nước lụt.

Chị Nguyễn Thị Hồng (một người dân) cho biết: “Chúng tôi không thể đi đâu được vì nước dâng ngập bốn phía. Đã vậy lại còn mất điện, vất vả vô cùng”.

Ông Châu Thanh Phong- Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, lo lắng: “Tình hình này chắc phải sơ tán các hộ dân này đi nơi khác thôi”.

Tại tuyến đường ĐT 616 từ trung tâm Tam Kỳ xuống phường An Phú, tại đoạn cây U, cũng bị ngập sâu 0,8m, người dân dùng xe bò vận chuyển người cùng xe máy qua lại đoạn ngập lụt với giá 20.000 đồng.

Tại huyện Đại Lộc, theo ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện, mưa lớn cùng với thuỷ điện xả lũ đã làm cho mực nước các sông ở Đại Lộc lên cao, có chỗ lên trên báo động III, gây ngập nhiều hộ dân và làm cô lập nhiều địa phương, nhất là ở 2 xã Đại Hồng và Đại Lãnh.
Hữu Anh - An Sơn - Phúc Quang - Đoàn Hồng (Hữu Anh - An Sơn - Phúc Quang - Đoàn Hồng )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem