Nhiều mã cổ phiếu nông nghiệp bỗng chốc... “lên hương”

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/05/2017 15:00 PM (GMT+7)
Vài phiên giao dịch gần đây, nhiều mã cổ phiếu ngành nông nghiệp bỗng quay đầu tăng mạnh dù báo cáo tài chính quý 1.2017 cũng không hẳn là khả quan. Theo giới chuyên gia và nhà đầu tư, nhiều khả năng những mã cổ phiếu này nhận được thông tin tích cực từ yếu tố tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc những hợp đồng kinh tế giá trị trong tương lai...
Bình luận 0

Đáng chú ý nhất trong hơn 2 tuần nay là mã cổ phiếu TTF của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. Trong 11 phiên giao dịch, TFF chỉ có duy nhất 1 phiên giảm giá, còn lại đều tăng giá (có 2 phiên tăng trần); từ mức giá 6.500 đồng/CP, đến thời điểm hiện tại TTF đã đạt 8.930 đồng/CP.

img

Chế biến cá tại Công ty CP Hùng Vương (Ảnh: IT)

Nhiều cổ phiếu đã vượt qua thời... khủng hoảng?

Ngoài TTF, một loạt các mã cổ phiếu ngành nông nghiệp khác cũng đã quay đầu một cách ngoạn mục thời gian gần đây.

Chẳng hạn, cổ phiếu HVG của Công ty CP Hùng Vương trong tuần qua đã có 4 phiên giao dịch ấn tượng (4 phiên tăng gồm 1 phiên tăng trần), từ mức giá 6.040 đồng/CP lên mức 6.740 đồng/CP. Nguyên nhân khiến HVG đang trên đường hồi phục giá có thể đến từ việc doanh nghiệp này mới đây sau khi tham gia hội chợ tại Boston, đã ký hợp đồng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đến hết tháng 8.2017, bình quân 18 triệu USD/tháng. Giá bán bình quân vào Mỹ là khoảng 3,2USD/kg.

Chưa kể, ông Dương Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của CTCP Hùng Vương trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 vừa qua cũng khẳng định, áp lực tài chính tại HVG đã giảm rất nhiều, dự kiến đến cuối năm tài chính 2016 - 2017, HVG sẽ giảm được 50% nợ vay ngân hàng, nhờ các hợp đồng xuất khẩu cá đã ký kết và đang thực hiện.

Dĩ nhiên, việc cổ phiếu HVG quay đầu vài phiên gần đây chưa thể nói được điều gì khi mã cổ phiếu này thời điểm đầu năm 2017 còn giao động quanh vùng giá 9.000 đồng/CP, thế nhưng sau thời gian “khủng hoảng” bởi nhiều khoản nợ vay thì những thông tin tích cực về thị trường đang là tín hiệu tốt cho đà khôi phục của cổ phiếu này.

Ngoài HVG, cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta thời gian qua cũng trên đà phục hồi khá ấn tượng. Từ mức giá giao động quanh vùng 22.000-23.000 đồng/CP thời điểm đầu năm, FMC sau nhiều phiên giảm giá đã rơi về vùng giá 18.000 đồng/CP. Trong 5 phiên gần đây, FMC đã có 4 phiên tăng giá lên mức 19.700 đồng/CP.

Song đáng chú ý hơn cả vẫn là 2 mã cổ phiếu HAG (HAGL) và HNG (HAGL Agrico) của Bầu Đức. Mặc dù trong những phiên gần đây, cả HAG và HNG đã chững lại nhưng so với đầu năm, bộ đôi cổ phiếu này đều tăng gần gấp đôi. Nguyên nhân tăng giá của bộ đôi này thời gian gần đây đến từ việc các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm. Điều này có nghĩa HAGL sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại tập đoàn.

Bên cạnh đó, giá cao su thế giới phục hồi khá tốt trong giai đoạn đầu năm cũng sẽ giúp HAGL đẩy mạnh khai thác mủ cao su, mảng kinh doanh đã bị đình trệ trong suốt những năm qua và là tác nhân quan trọng khiến KQKD công ty giảm sút.

Tăng mạnh trước thông tin bất lợi của thị trường

Khác với những doanh nghiệp phải cơ cấu hoặc gặp khó khăn với các khoản vay nợ khủng, nhiều mã cổ phiếu nông nghiệp khác lại “đứng vững” trước những thông tin bất lợi của thị trường. Trong đó, nổi bật là mã cổ phiếu BFC của Công ty CP Phân Bón Bình Điền.

Cụ thể, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành phân bón năm 2017 được dự báo là khá khó khăn bởi các yếu tố thời tiết, tình trạng phân bón giả tràn lan... cùng với những nước mà BFC xuất khẩu phân bón đang xuất hiện các doanh nghiệp phân bón nội địa cạnh tranh mạnh mẽ khiến BFC đặt mục tiêu kinh doanh năm 2017 khá thận trọng. Dù vậy, những thông tin bất lợi này không khiến BFC giảm giá mà lại càng ngày càng tăng mạnh.

Đến thời điểm hiện tại, BFC đang giao dịch ở mức giá 38.400 đồng/CP, cao hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2017 khi BFC chỉ giao động quanh vùng giá 30.000 đồng/CP.

Cũng chú ý không kém là mã cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Mặc dù so với thời điểm đầu năm 2017 (57.000 đồng/CP), giá trị cổ phiếu VHC giảm mạnh nhưng hiện tại VHC cũng đạt mức giá 54.000 đồng/CP.

Nguyên nhân khiến VHC giảm giá mạnh thời gian gần đây đến từ nhiều nguồn thông tin như việc bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT VHC đang muốn “thoái vốn” khi bán ra 6 triệu cổ phiếu nắm giữ; ảnh hưởng của đạo luật trang trại Farm Bill sẽ ảnh hưởng mạnh đến VHC vì đây là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn vào Mỹ... Tuy nhiên, nếu xem xét tổng thể thời gian qua thì VHC lại là mã cổ phiếu khá ổn định dù liên tục có nhiều thông tin bất lợi trong quá trình kinh doanh  về nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, thậm chí là bị đối tác “xù” tiền hàng...

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa quyết định nhắc nhở trên toàn thị trường đối với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán HAG) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã chứng khoán HNG). Lý do là cả hai doanh nghiệp này đều đã vi phạm từ ba lần trở lên trong vòng một năm quy định về công bố thông tin và điều này thuộc trường hợp bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường theo quy định.

Trước đó, cả HAG và HNG đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân là vì HAG có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là -1.115 tỷ đồng thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Tương tự, HNG có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 là -985 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem