Nhiều mũ bảo hiểm dán tem hợp quy, hợp chuẩn vẫn không đạt chất lượng

Xuân Lực - Bảo Lâm Thứ sáu, ngày 01/08/2014 15:36 PM (GMT+7)
Qua việc tiến hành lấy 21 mẫu mũ bảo hiểm do 11 nhà sản xuất phân phối ra thị trường để kiểm định chất lượng, Công an Hà Nội phát hiện, 17 mẫu của 8 nhà sản xuất không đạt chất lượng.
Bình luận 0

Có tem hợp quy, hợp chuẩn vẫn là mũ không đạt chất lượng

Ngày 1.8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ (PC46 - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra, xử lý một số điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn, PC46 đã thu giữ hơn 5.000 chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn sử dụng, lưu hành.

img

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ thu giữ hàng nghìn mũ có tem hợp quy, hợp chuẩn những chưa đạt chất lượng.

Theo cơ quan điều tra, trước đó, qua việc kiểm tra đối với 6 điểm kinh doanh mũ bảo hiểm lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tháng 7 vừa qua, PC46 đã lấy 21 mẫu mũ do 11 nhà sản xuất phân phối ra thị trường để kiểm định chất lượng tại Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).

“Chủ các điểm kinh doanh này đều xuất trình các giấy tờ có liên quan, đồng thời, về hình thức, mũ bảo hiểm được bày bán đều có dán tem hợp quy, hợp chuẩn,” đại diện PC46 Công an Hà Nội cho hay.

Tuy nhiên, kết quả kiểm định từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho thấy, chỉ có 4 mẫu của 3 nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn, 17 mẫu còn lại của 8 nhà sản xuất không đạt chất lượng.

img

Những chiếc mũ dán đầy đủ tem hợp quy, hợp chuẩn nhưng không đạt chất lượng bị cơ quan công an thu giữ.

Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng PC46 cho biết: Các mẫu mũ không đạt tiêu chuẩn đều không đảm bảo chỉ số gia tốc dội lại tức thời nên sẽ không an toàn cho người sử dụng. Căn cứ vào kết quả kiểm định trên, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành thu hồi toàn bộ số mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. PC46 cũng đã đề nghị Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành rà soát, kiểm tra đối với 8 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm này.

“Qua kiểm tra, xử lý, Công an thành phố Hà Nội nhận thấy ý thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm còn chưa cao. Có biểu hiện các doanh nghiệp lợi dụng việc cơ quan chức năng chỉ kiểm định chất lượng lô đầu tiên của sản phẩm nên ban đầu đưa ra mũ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn. Những lô mũ tiếp theo lại bị giảm bớt thành phần nguyên liệu, giảm giá thành, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn dán tem hợp quy rồi tung ra thị trường nhằm tăng lợi nhuận”, thượng tá Thành Kiên Trung đánh giá.

Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất mũ “rởm”

Theo Báo cáo công tác kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2014 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), còn nhiều mẫu mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn được cung cấp trên thị trường.

Theo đó, Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra 77 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm tại 12 tỉnh, thành phố, với số mẫu được kiểm tra là 317 mẫu. Qua đó phát hiện, 13 mẫu có nhãn hàng hóa không phù hợp quy định, 9 mẫu không gắn dấu hợp quy (CR), 24 mẫu không có giấy chứng nhận hợp quy.

img

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều công ty sản xuất mũ chưa đạt tiêu chuẩn vẫn bán ra thị trường.

Đặc biệt, trong 19 mẫu thử nghiệm, có 10 mẫu thử nghiệm không đạt chất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN2: 2008/BKHCN.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra 67 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm của 5 Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng phát hiện 11/19 mẫu mũ bảo hiểm có chất lượng không phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN. Trong đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh An Giang kiểm tra lấy 8 mẫu thử nghiệm thì cả 8 không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo QCVN2:2008/BKHCN.

Từ các mẫu thử nghiệm cho thấy các loại mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn về độ bền đâm xuyên ở điều kiện thuần hóa A (nhiệt độ cao), độ bền va đập và hấp thu xung động ở điều kiện thuần hóa A, hệ số truyền sáng của kính chắn gió.

Theo báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng, các sản phẩm mũ bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp cũng không đạt chuẩn. Cụ thể phải kể đến mũ bảo hiểm Thủy Tiên (Công ty Thủy Tiên), Vina Star01 (Công ty Quavi-Vina), Dulex (Công ty Á Long), GRS (Công ty Hoàng Quán), Ipadex (Công ty TNHH một thành viên Sơn Tùng, Hưng Yên)...

Trước thực trạng trên, tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị các cơ quan chức năng thống nhất về kế hoạch thanh kiểm tra đối với việc sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn; xử lý nghiêm việc kinh doanh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, nhập lậu, mũ có kiểu dáng tương tự gây nhầm lẫn với mũ bảo hiểm trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem