Phần chất vấn lãnh đạo ngân hàng tại Đại hội cổ đông năm nay xuất hiện
nhiều hơn những chia sẻ kéo dài hàng chục phút đồng hồ với lời lẽ như
rút ruột gan của các cổ đông nhỏ lẻ. Phần lớn bắt nguồn từ việc năm nay,
một lần nữa, các ngân hàng lại dự kiến không trả cổ tức. Có nơi hứa trả
nhưng chỉ 1% - thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng lãi suất tiết kiệm.
Theo kế hoạch được Đại hội cổ đông thông qua đầu năm 2013, Ngân hàng
Hàng hải (Maritime Bank) dự kiến trả cổ tức 7%. Đến cuối năm, do tình
hình kinh doanh không khả quan, lãnh đạo ngân hàng điều chỉnh lại kế
hoạch kinh doanh, trong đó có chỉ tiêu cổ tức là 0%. Sang năm 2014, ngân
hàng này dự kiến cũng không chia cổ tức.
Nhiều cổ đông xót xa trước khoản tiền đầu tư vào ngân hàng. Ảnh: Thanh Lan
Nhiều ngân hàng khác cũng không trả cổ tức bằng tiền mặt nhiều năm hoặc
mức chi trả thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm như Ngân hàng Kỹ
thương (Techcombank), Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh
Vượng (VPBank), Xăng dầu Petrolimex (PGBank)... Trong khi VIB dự kiến
không trả cổ tức 2013 thì lãnh đạo Techcombank còn nói rõ không có kế
hoạch trả cổ tức trong 5 năm.
Vì vậy, nhiều cổ đông đi dự các cuộc họp thường niên đề nghị, trước khi
sáp nhập, các lợi nhuận còn lại nên chia để "hà hơi tiếp sức" cho cổ
đông trong lúc khó khăn này.
Một cổ đông lớn tuổi của Maritime Bank đứng lên chia sẻ: "Chúng tôi là
những cổ đông nhỏ và đang chịu một sức ép rất lớn, nhất là việc không có
cổ tức". Cùng với đó, hiện họ không có lối thoát khi nắm những cổ phiếu
này. "Như các ngân hàng khác, lên sàn, nếu thấy không hiệu quả còn có
thể thoái vốn. Nay chúng tôi ở vào vị thế muốn thoát ra không được trong
khi ở lại thì cổ tức chả có, muốn bán tháo để chạy dù giá rẻ bèo cũng
không xong", cổ đông này nói.
Anh Ngọc Dũng (Đức Giang, Hà Nội), một nhà đầu tư trẻ đang sở hữu hơn
20.000 cổ phiếu của Techcombank cũng nói: "Ngày trước ôm vào với giá
rất cao, nay giảm cũng chỉ biết đứng nhìn vì cổ phiếu trên sàn OTC hiện
thanh khoản rất kém. Họp cổ đông giờ mình cũng không muốn đi, chỉ mong
sớm niêm yết lên sàn chính thức để có cơ hội chia tay nó mà thôi".
Ông Vũ Tiến Ninh (Long Biên, Hà Nội), nguyên cán bộ Cục Hàng không Việt
Nam, đã chi gần 200 triệu đồng, số tiền dành dụm sau những năm tháng
công tác để mua cổ phiếu ngân hàng. Chia sẻ với PV, ông
nói: "Giờ giá trị cổ phiếu không được như xưa nữa mà không bán được vì
chưa niêm yết. Đã vậy mấy năm nay cổ tức gần như không có. Nói thật, tôi
không muốn nhận lại một tờ giấy (cổ tức bằng cổ phiếu). Nhưng mình là
cổ đông nhỏ, nên cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt".
Việc bắt buộc các ngân hàng phải niêm yết, theo đại diện Ngân hàng Nhà
nước, đã nằm trong lộ trình của cơ quan quản lý. Không chỉ vậy, trong
mọi cuộc họp thường niên, các cổ đông cũng đều thúc giục lên sàn để tạo
thanh khoản cho cổ phiếu họ đang nắm giữ. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị
và Ban điều hành của các nhà băng vẫn có những lý lẽ riêng của họ để trì
hoãn như thị trường chưa phù hợp, ngân hàng cần tăng vốn để khẳng định
tiềm lực...
Vì vậy mà tại cuộc họp cổ đông gần đây, một cổ đông đành bất lực đứng
lên nói: "Nhân đây tôi kêu gọi các quý ngài cổ đông lớn quan tâm đến
chúng em". Ngay lập tức, phát biểu này nhận được tràng dài vỗ tay ủng hộ
của cả đại hội trong khi lãnh đạo ngân hàng ngồi ở ghế đại biểu chỉ
biết cười trừ. Và kết quả cuối cùng vẫn là, đại hội vẫn thông qua không
trả cổ tức.
VNE (Theo VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.