Nhiều người dân tại TP.HCM không còn chọn tuyến máy bay chặng ngắn để đi du lịch
Nhiều người dân tại TP.HCM không còn chọn tuyến máy bay chặng ngắn để đi du lịch
Gia Linh
Thứ năm, ngày 13/07/2023 08:49 AM (GMT+7)
Sau khi nhiều tỉnh thành ven biển có đường kết nối, cao tốc, rất nhiều người dân từ TP.HCM đã thay đổi phương tiện từ máy bay bằng ô tô cho những hành trình ngắn. Điều này đã khiến một số chặng bay ngắn nội địa không còn được "săn đón".
Thời gian qua, nhiều công trình giao thông, hạ tầng kết nối TP.HCM và các tỉnh lân cận đi vào khai thác khiến việc đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn. Theo đó, ngoài các công trình trọng điểm đưa vào hoạt động đã lâu như quốc lộ 1A, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mới đây, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chính thức đi vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển cho người dân từ TP.HCM đến các tỉnh ven biển.
Ngoài ra, theo kế hoạch, dự án đường Vành đai 3 kết nối 4 địa phương TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An cùng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tương lai khi hoàn thiện sẽ tăng khả năng kết nối vùng, giúp người dân đi lại thuận tiện.
Thực tế, từ khi có các công trình cao tốc kết nối TP.HCM với các địa phương ven biển, nhu cầu đi du lịch tự túc tại các khu vực lân cận TP.HCM ngày càng tăng cao. Đa số người dân lựa chọn xe cá nhân hoặc xe khách, thậm chí là xe máy để tiết kiệm chi phí so với việc mua vé máy bay và có thể chủ động lịch trình di chuyển.
Đáng chú ý, trong cao điểm hè 2023, làn sóng đi du lịch tự túc có xu hướng lan nhanh. Đa số người dân lựa chọn tự di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận, Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên)...
Chị Trần Ngọc Bích (35 tuổi, kế toán) cho biết vì gia đình rất thích tắm biển nên trước đây vào dịp hè, chị thường đặt vé máy bay cho cả nhà đi Nha Trang, Đà Nẵng... nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, mùa hè năm nay, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào khai thác đã rút ngắn quãng đường di chuyển từ TP.HCM đến Bình Thuận. Theo đó, nếu di chuyển bằng ô tô, gia đình chị Bích chỉ mất hơn 2 tiếng là có thể đến nơi, tắm biển, ăn uống và về lại TP.HCM trong ngày.
"Các năm trước tôi phải tốn gần chục triệu tiền vé máy bay cho gia đình 4 người đi nghỉ mát. Rất xót tiền nhưng vì muốn các con có kỳ nghỉ trọn vẹn nên tôi cũng cố gắng chi tiêu. Tuy nhiên, năm nay có cao tốc kết nối TP.HCM - Phan Thiết rồi, gia đình chúng tôi không còn phải đắn đo chuyện giá vé máy bay nữa. Bây giờ cứ tranh thủ cuối tuần, tôi lại cho các con đi Phan Thiết tắm biển, không phải khó khăn chờ vé máy bay như trước", chị Bích nói.
Trong khi đó, anh Tùng (kiến trúc sư tại TP.Thủ Đức) cho biết mình vừa cùng nhóm bạn vừa thực hiện hành trình "phượt" từ TP.HCM - Nha Trang - Đà Nẵng bằng xe máy. "Trước đây, chúng tôi thường đặt vé máy bay đến một địa điểm cố định như Phú Quốc, Nha Trang... Năm nay có 2 cao tốc kết nối Bình Thuận đi vào hoạt động, cung đường đi cũng rất đẹp nên nhóm chúng tôi quyết định trải nghiệm bằng xe máy", anh Tùng cho hay.
Nhiều đường bay ít khách
Theo đó, làn sóng du lịch bằng phương tiện cá nhân, đi du lịch tự túc của người dân trong thời gian qua đã khiến các chặng bay ngắn kết nối TP.HCM có nguy cơ "ế khách".
Thời gian trước đây, nhiều người lựa chọn đi máy bay là vì khả năng tiết kiệm thời gian. Còn nay với sự góp mặt của các cao tốc mới, quãng đường di chuyển ra các tỉnh lân cận TP.HCM cũng đã được rút ngắn hơn nhiều.
Ngoài ra, một nhược điểm của việc di chuyển bằng máy bay là người dân phải mất thời gian trung chuyển từ sân bay về khách sạn, nơi nghỉ dưỡng... Trong khi đó, nếu di chuyển bằng xe cá nhân, xe máy, người dân hoàn toàn có thể chủ động về phương tiện di chuyển và lịch trình.
Nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm, nhiều điểm đến rơi vào tình trạng vắng khách. Một số đường bay ngắn từ TP.HCM có xu hướng giảm giá vé để kích cầu đi lại.
Khảo sát của Dân Việt, trang bán vé của Vietnam Airlines, vé máy bay chặng TP.HCM - Nha Trang khứ hồi trong tháng 7 có giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, hãng Vietjet Air cũng bán vé chặng này với giá chỉ gần 1,4 triệu đồng.
Trong khi đó, giá vé khứ hồi TP.HCM - Tuy Hòa (Phú Yên) trong tháng 7 của Vietnam Airlines cũng chỉ dao động mức 2 triệu đồng. Chặng bay này, hàng Vietjet Air đang bán vé với giá gần 1,8 triệu đồng.
Theo đó, mức vé này được đánh giá thấp hơn rất nhiều so với gần 1 tháng trước - khi mới bước vào cao điểm hè. Nhiều chặng bay "vàng" kết nối TP.HCM đến các điểm du lịch cũng không còn giữ sức nóng.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm, khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019. Trong nửa cuối năm 2023, hàng không nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019, tuy nhiên mức độ tăng trưởng sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm.
Một chuyên gia hàng không cho rằng sức hút của các chặng bay ngắn kết nối từ TP.HCM năm nay có xu hướng giảm. Nguyên nhân là vì ảnh hưởng kinh tế chung, người dân có nhu cầu thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm. Ngoài ra, việc nhiều công trình giao thông đường bộ đi vào hoạt động cũng "giảm tải" bớt lượng khách đi lại bằng đường hàng không.
Đại diện một hãng hàng không đánh giá sức mua vé máy bay dịp hè năm nay thấp hơn so với cùng kỳ. Một phần là do khách đổ xô đi du lịch vào giai đoạn đầu tháng 6 và sau đó giảm dần. Ngoài ra, giá vé máy bay giảm còn vì nguyên nhân các hãng chủ động hạ giá, khuyến mãi để kích cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.