Ấn Độ, Mỹ mua nhiều vì nhiều người tin loại nông sản này góp phần đề kháng Covid-19, Việt Nam hưởng lợi lớn
Ấn Độ, Mỹ mua nhiều vì nhiều người tin loại nông sản này góp phần đề kháng Covid-19, Việt Nam hưởng lợi lớn
P.V
Thứ năm, ngày 17/06/2021 18:30 PM (GMT+7)
Xuất khẩu chè của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng cả về giá trị và sản lượng, trên thị trường thế giới, giá chè cũng tăng do nhiều người tin trà có khả năng tăng cường miễn dịch, góp phần đề kháng Covid-19.
Mặc Covid-19, giá chè xuất khẩu vẫn tăng, xuất khẩu chè khởi sắc
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), trong tháng 5/2021 xuất khẩu chè đạt 12.000 tấn, trị giá 19 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 21,7% về trị giá so với tháng 5/2020, giá chè cũng tăng mạnh.
Cụ thể, giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.583,3 USD/tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 49.000 tấn, trị giá 78 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.592,6 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu chè đen đạt 19.600 tấn, trị giá 27,35 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 33,3% thị phần tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2020 – tăng 12,4% về khối lượng và tăng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè đen xuất khẩu bình quân đạt 1.395,3 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chủng loại chè đen xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Nga, Iraq, thị trường Đài Loan…
Chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm 41,1% tổng lượng các chủng loại chè xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021, đạt 15.160 tấn, trị giá 27,13 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè xanh xuất khẩu bình quân đạt 1.789,9 USD/ tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2021, chủng loại chè ướp hoa xuất khẩu tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, trong khi đó chủng loại chè ô long xuất khẩu giảm mạnh về lượng, nhưng giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh nên trị giá tăng rất mạnh.
Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu chè từ Việt Nam
Xuất khẩu chè của Việt Nam khởi sắc do nhu cầu tăng cao từ Mỹ, Ấn Độ. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC), nhập khẩu chè của Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 25.500 tấn, trị giá 110,4 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè nhập khẩu bình quân của Mỹ đạt 4.326,6 USD/tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 4 cho Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 1.390 tấn, trị giá 1,88 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá chè nhập khẩu bình quân từ Việt Nam đạt 1.350,2 USD/tấn, tăng2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 5,5%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Mỹ nhập khẩu chủ yếu là chủng loại chè đen trong 3 tháng đầu năm 2021, đạt 21.140 tấn, trị giá 67,87 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tin rằng trà góp phần đề kháng Covid-19, giá chè tăng
Giá chè trên thị trường thế giới có sự điều chỉnh tăng trong tháng. Tại Ấn Độ, giá chè trung bình tăng lên mức cao nhất 12 tuần là 125,87 Rupee/kg (tương đương 1,73 USD/kg) tại phiên bán gần đây nhất (15/5) của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA).
Giá chè trung bình tại phiên đấu giá Mombasa hàng tuần vẫn chưa vượt được mốc 2 USD/kg trong bối cảnh sản lượng toàn cầu tăng lên. Nhu cầu gần đây đã tăng lên rõ rệt do người tiêu dùng nhiều nơi tin tưởng trà có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, góp phần đề kháng Covid-19.
Do đó, thương nhân ở nhiều quốc gia đang tăng cường tích trữ để phục vụ nhu cầu nội địa, tránh bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy logistics có thể diễn ra do tình trạng phong tỏa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.