Nhiều nông dân chưa được tiếp cận tri thức hướng tới CMCN 4.0

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 23/08/2019 19:46 PM (GMT+7)
Khi hệ thống giáo dục mở còn khép kín, nhiều người lớn, trong đó có nông dân, lao động nông thôn không thể tiếp cận được tri thức, không đẩy mạnh được sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bình luận 0

img

Hệ thống giáo dục mở trong nước được đánh giá còn khép kín.

Đây là ý kiến được thảo luận nhiều tại Hội thảo khoa học về vai trò của trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn, diễn ra tại TP.HCM ngày 23/8.

PGS.TS Phạm Tất Dong - Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết, sự khác biệt giữa tỷ lệ tăng trưởng của các nước và các khu vực phụ thuộc hàng đầu vào nhân tố tri thức. Tính chênh lệch của tỷ lệ tăng trưởng đầu vốn lại không lớn như người ta thường nghĩ.

TS Dong nhận định, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo về tri thức. Những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

img

Một buổi chia sẻ kiến thức nông nghiệp cho nông dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM.

Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dục khép kín, không mở ra những con đường thu gom, tích tụ tri thức.

TS Dong chỉ ra, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo ở nông thôn, thành thị, cùng những người làm nghề tự do. Vì thế, những tri thức thường này dừng lại ở mức phổ thông, ứng dụng không có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, nhất là những việc đòi hỏi tính sáng tạo. 

“Nhìn chung, nhiều người học bị cách ly với tri thức đại học, không thể tham gia và chia sẻ thành quả của xã hội vốn lấy tri thức làm nền tảng”, TS Dong đánh giá.

img

Nhiều nông dân rất sáng tạo và cần cù nhưng việc tiếp cận kiến thức còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, trên thực tế, nông dân rất cần cù và sáng tạo. Họ muốn được học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng từ những nguồn tin cậy, nhưng việc này còn nhiều khó khăn.

Thống kê cho thấy, Việt Nam vẫn còn trên 60% dân số ở nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm gần 40% lực lượng lao động xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo nghề mới trên 40%, đào tạo nghề có chứng chỉ mới trên 5%.

Năng suất lao động của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp; sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa trong nước còn hạn chế. “Muốn khắc phục, một trong những giải pháp hữu hiệu là phải hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức, kinh nghiệm từ những nguồn đáng tin cậy và có hướng dẫn”, ông Định nói.

img

Ông Nguyễn Xuân Định (giữa) cho rằng phải giúp nông dân các phương tiện và giúp họ truy cập vào tài nguyên mở một cách miễn phí.

Hơn nữa, Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam đã mở rộng đối tượng hội viên bao gồm cả học sinh, sinh viên các trường phổ thông trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học, các giám đốc doanh nghiệp, giám đốc HTX, các nhà khoa học… Do đó, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở là hết sức cần thiết.

Với nông dân, cần có chính sách hỗ trợ để đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet. “Phải giúp họ các phương tiện và có thể truy cập vào tài nguyên này một cách miễn phí. Các tài liệu cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, trình độ, văn hóa, vùng miền”, ông Định nhấn mạnh.

img

Các trường đại học có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục mở.

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vai trò của tài nguyên giáo dục mở đối với giáo dục người lớn đã được đặt ra tại nhiều hội thảo khoa học trước đó.

Mọi người thống nhất xác định nhiệm vụ của các trường đại học là phải chuyển mạnh hình thức đào tạo sang hướng giáo dục mở để phục vụ cho nhu cầu học tập của tất cả các đối tượng là người lớn trong xã hội, từ lãnh đạo cao cấp cho đến người về hưu, nông dân...

“Muốn làm được điều này, các trường đại học phải có hệ thống tài nguyên giáo dục mở phong phú, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu học tập suốt đời của đối tượng. Trung ương hội khuyến học cùng với Bộ GDĐT sẽ có buổi làm việc với Chính phủ để xây dựng chính sách cụ thể cho việc này”, TS. Doan chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem