Nhiều nước Tây và Trung Á thích củ gừng, nghệ của Việt Nam, xuất khẩu năm 2023 thu về hơn 1.200 tỷ đồng

Trang Ngân Thứ tư, ngày 17/01/2024 14:26 PM (GMT+7)
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 34.976 tấn các loại gia vị như gừng, nghệ và một số loại gia vị khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu gừng, nghệ đạt 49,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng mạnh tới 222,4%.
Bình luận 0

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 34.976 tấn củ gừng, nghệ và một số loại gia vị khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu gừng, nghệ đạt 49,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 lượng xuất khẩu tăng mạnh tới 222,4%.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu thu mua củ gừng, nghệ của nước ta, đạt 10.271 tấn, tăng mạnh tới 437,2% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 29,4% thị phần xuất khẩu gừng, nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường Bangladesh chiếm 18,8% đạt 6.585 tấn, tăng 100%; Ấn Độ chiếm 12,6% đạt 4.394 tấn, tăng 49,9%; Lào chiếm 8,4% đạt 2.927 tấn, tăng 2.401,7%; Hoa Kỳ: chiếm 4,3% đạt 1.498 tấn, tăng 33,0%…

Hiện có 30 doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) tham gia xuất khẩu gừng, nghệ, cùng với khoảng 80 doanh nghiệp khác ngoài VPSA. 

Nhiều nước Tây và Trung Á thích củ gừng, nghệ của Việt Nam, xuất khẩu năm 2023 thu về hơn 1.200 tỷ đồng- Ảnh 1.

Mẫu hàng củ gừng tươi phía đối tác Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu. Ảnh: Top Cargo

Theo VPSA, củ gừng tươi của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng ở Australia, Ấn Độ, Pakistan và các nước châu Âu. Tại Australia, gừng đông lạnh Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu ở các siêu thị, cửa hàng, các kênh bán online. Giá gừng Việt Nam tại Australia khoảng 9-13 AUD/kg (150.000-200.000). Gừng được đóng gói 0,5kg hoặc 1kg, chủ yếu phục vụ các nhà hàng.

Mới đây, Công ty TNHH Top Cargo (TP.HCM) cho biết, đơn vị nhận được 1 đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc có nhu cầu mua 1 container gừng tươi của Việt Nam. Yêu cầu của đối tác là sản phẩm gừng tươi đã rửa sạch, không lẫn cát, không mọc mầm, có mùi thơm, đóng gói 10kg/túi lưới. Tiếp đó, đối tác từ Vương quốc Oman cũng có nhu cầu mua 1 container củ gừng tươi của Việt Nam.

Gừng Việt Nam được nhiều thị trường ưa thích bởi có mùi thơm, nhiều tinh dầu, rất thích hợp để chế biến các món ăn, làm mứt gừng, chiết xuất tinh dầu... 

Nhiều nước Tây và Trung Á thích củ gừng, nghệ của Việt Nam, xuất khẩu năm 2023 thu về hơn 1.200 tỷ đồng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc HTX Hương Sơn cho biết, củ gừng được trồng ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An luôn được đánh giá rất cao về hàm lượng tinh dầu và chất lượng. Ảnh: Trần Đức

Ông Nguyễn Văn Luân (SN 1957, trú thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn cho biết, mỗi năm HTX của ông thu mua khoảng 1.000 tấn gừng cho người dân để về chế biến thành các sản phẩm khác nhau như: Tinh dầu gừng, tinh bột gừng, bột gừng, cao gừng, gừng sấy dẻo, vừa tiêu thụ trong nước vừa xuất khẩu. 

“Các nước Trung Á và Tây Á ưa chuộng gừng, họ tiêu thụ rất nhiều. Đặc biệt tại Bangladesh nhu cầu rất lớn, đây cũng là một thị trường khổng lồ. Củ gừng Kỳ Sơn về chất lượng thì không phải bàn, tất cả các chỉ số đều đáp ứng đầy đủ. Tuy nhiên, họ có một yêu cầu về mẫu mã, kích cỡ củ gừng. Vì thế mình phải mua gừng của bà con sau đó tuyển chọn kỹ mới có thể xuất khẩu được”, ông Luân chia sẻ.

Nhiều nước Tây và Trung Á thích củ gừng, nghệ của Việt Nam, xuất khẩu năm 2023 thu về hơn 1.200 tỷ đồng- Ảnh 3.

Tại các nhà vườn, gừng đang có giá bán 20.000-30.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: Trần Đức

Hiện tại, Hợp tác xã của ông Nguyễn Văn Luân là 1 trong những đơn vị lớn nhất chuyên thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu gừng tại Nghệ An. Ban đầu HTX vận động 20 hộ dân liên kết tham gia trồng thí điểm gừng hữu cơ hoàn toàn sạch trên diện tích 10ha. Từ những thành công ban đầu, đến nay đã có 146 hộ thuộc 6 bản trên địa bàn 4 xã của huyện Kỳ Sơn tham gia trồng gừng sạch với tổng diện tích hơn 40 ha. Năng suất gừng đạt 30 tấn/ha, ước tính mỗi ha gừng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Theo thương vụ Việt Nam tại Australia, Ấn Độ..., tiềm năng xuất khẩu gừng từ Việt Nam sang các thị trường này là rất lớn. Giá sản phẩm này cũng đang cạnh tranh so với hàng đến từ các quốc gia khác. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước.

Cùng với gừng, nghệ, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 3.551 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 loại gia vị này đạt 27,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch giảm 15,4%.

Nhiều nước Tây và Trung Á thích củ gừng, nghệ của Việt Nam, xuất khẩu năm 2023 thu về hơn 1.200 tỷ đồng- Ảnh 4.

Bạch đậu khấu được trồng ở một số tỉnh miền núi như Lào Cai, Cao Bằng... Ảnh: Indianfoods

Nedspice Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, đạt 1.471 tấn, chiếm 41,4% giảm 10,1%. Tiếp theo là các doanh nghiệp Olam Việt Nam đạt 822 tấn, chiếm 23,1% và giảm 4,2%; Tuấn Minh đạt 323 tấn chiếm 9,1% và tăng 48,2% so với năm trước. 

Hà Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 3 quốc gia xuất khẩu chủ yếu của bạch đậu khấu, nhục đậu khấu, đạt lần lượt 923 tấn, 756 tấn và 484 tấn.

Đối với hoa hồi, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 16.136 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 83,0 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 26,0%. Giá xuất khẩu hoa hồi bình quân trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8,0% so với năm 2022. Ấn Độ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam đạt 7.860 tấn và 4.116 tấn, lần lượt chiếm 48,7% và 25,5% thị phần xuất khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem