|
Nông dân dễ đối mặt với tai nạn lao động khi không được tập huấn sử dụng máy nông nghiệp. Ảnh: Thanh Xuân |
Số liệu: Tưởng mới mà cũ
Trong một cuộc hội thảo về An toàn lao động (ATLĐ) gần đây, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động công bố một số số liệu gây sốc về tình trạng mất ATLĐ trong nông nghiệp. Cụ thể, Viện nhận định: “Tai nạn lao động trong sử dụng điện nông nghiệp rất cao, tần suất là 7,99 (tức là cứ 100.000 người thì có 799 lượt người bị tai nạn lao động), tần suất trong sử dụng máy nông nghiệp là 8,56 (tức là cứ 100.000 người thì có 856 trường hợp bị tai nạn), riêng trong các trang trại đã có 22,6% số người bị tai nạn, trong đó có 6,2% bị cán kẹp”.
Thực tế, trước đó 1 năm (năm 2009), Viện Tài nguyên- môi trường cũng đã đưa ra số liệu này trong một hội thảo. Đó là số liệu do ĐH Quốc gia Hà Nội khảo sát ở cỡ mẫu nhỏ. Báo cáo số liệu cho thấy: “Có tới 89,89% nông dân không nắm được cách sử dụng máy nông nghiệp. Phần lớn nông dân sử dụng, vận hành máy móc là do học hỏi lẫn nhau qua truyền miệng. Cứ 100.000 lao động nông thôn thì có 856 người bị tai nạn do sử dụng máy móc với các tai nạn kiểu: Bị dây cua-roa chẹt đứt ngón tay khi khởi động máy hoặc tay quay văng vào mặt; máy tuốt hút tay vào ổ máy, thóc bắn vào mắt...”.
Trong khi các cơ quan nghiên cứu, quản lý loay hoay với những cỡ mẫu nhỏ điều tra về tai nạn lao động trong nông nghiệp thì tại các bệnh viện lớn trong cả nước, không ngày nào là không cấp cứu các vụ tai nạn lao động. Không khó để nói rằng tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là những nguy cơ được báo trước.
Một chuyên gia về ATLĐ thừa nhận, việc thống kê tai nạn lao động trong nông nghiệp vô cùng khó khăn vì không có kênh chính thống để làm việc này một cách thường xuyên. Những năm trước, Bộ LĐ-TB&XH từng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn trạm y tế xã trên địa bàn cả nước đứng ra làm đầu mối thống kê các tai nạn lao động trong nông nghiệp.
Nhưng đề nghị này cho đến giờ vẫn bị “treo”. Lý do là vì ngành LĐ-TB&XH quản lý lĩnh vực này, trong khi ngành Y tế lại làm báo cáo. Hơn nữa, tai nạn lao động nặng, nông dân thường cấp cứu tuyến tỉnh, và T.Ư, không mấy ai tới trạm xá xã nên cơ quan này cũng khó thực hiện yêu cầu nói trên.
Cần sớm hành động...
Vì chưa có số liệu cụ thể nên ngay cả các chuyên gia cũng chỉ đưa ra được những nhận định chung chung. Chẳng hạn, PGS.TS Lê Vân Trình- Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động đưa ra nhận định: “Sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp nhiều hơn, làng nghề phát triển gây ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động và bệnh tật tăng lên”. Tuy nhiên, ngay cả TS Trình cũng khó có thể đưa ra được nhận định chi tiết hơn về các loại hình tai nạn lao động trong nông nghiệp và làng nghề ở từng tỉnh, thành để cảnh báo.
Chẳng hạn, ngay như ở Bình Định, chỉ trong một thời gian ngắn, các bệnh viện ở đây cũng cấp cứu hàng loạt vụ tai nạn lao động trong nông nghiệp và làng nghề. Trường hợp anh Lê Văn Quang (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) phun thuốc trừ sâu nhưng không sử dụng đồ bảo hộ. Sau đó, mắt trái anh Quang bị ngứa rồi sưng vù lên. Anh Quang phải phẫu thuật bỏ mắt trái để giữ con mắt còn lại và tính mạng của mình. Một nông dân khác ở huyện Hoài Ân, do sơ suất khi vận hành máy cắt lúa đã bị máy cắt đứt một bàn tay.
Trên thực tế, công tác bảo hộ lao động cho người nông dân và các công nhân lao động thủ công hầu như đang bị bỏ ngỏ. Chính vì ngành nọ trông chờ ngành kia dẫn tới việc kiểm soát ATLĐ trong nông nghiệp còn là khoảng trống.
Hồng Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.