Nhiều tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn vẫn chưa thể phục hồi

Minh Huệ Thứ ba, ngày 18/08/2020 13:02 PM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến thời điểm này cả nước còn 184 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh, thành phố đang có dịch tả lợn châu Phi, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.773 con.
Bình luận 0

Mặc dù nhiều tỉnh đã công bố hết dịch, song virus vẫn tồn lưu, âm ỉ trong môi trường, khiến việc tái đàn lợn của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh khan hiếm cả lợn giống lẫn lợn nái.

"Khát" con giống an toàn, sạch bệnh

Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, đàn lợn nái của Việt Nam đạt đỉnh điểm về số lượng là năm 2016, với tổng đàn gần 5 triệu con, đến năm 2017 và 2018, do "bão giá" vì khủng hoảng thừa nên đàn nái giảm còn khoảng 4 triệu con. Năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn nái giảm mạnh, xuống chỉ còn khoảng 2,7 triệu con.

Ngành chăn nuôi vẫn thiếu nửa  triệu con lợn nái  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác tái đàn lợn tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.L

Sóc Trăng từng là địa phương có đàn lợn giống gốc (cụ kị, ông bà) tốt nhất vùng ĐBSCL, tuy nhiên hiện nay việc tái đàn lợn của người chăn nuôi đang gặp khó vì khan hiếm lợn giống sạch bệnh, dù tỉnh này đã công bố "sạch" bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 2/2020.

Sóc Trăng từng là địa phương có đàn lợn giống gốc (cụ kị, ông bà) tốt nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên hiện nay, việc tái đàn lợn của người chăn nuôi đang gặp khó vì khan hiếm lợn giống sạch bệnh, dù tỉnh này đã công bố "sạch" bệnh dịch tả lợn châu Phi từ tháng 2/2020.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã khiến tổng đàn lợn của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, chỉ còn khoảng 106.000 con, giảm 56% so trước khi xảy ra dịch bệnh. 

Từ khi công bố hết dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ dịch mới, tuy nhiên việc tái đàn, tăng đàn hầu như mới chỉ diễn ra ở trang trại quy mô lớn, trại nuôi gia công, còn nông hộ thì rất chật vật.

Ông Lâm Minh Hoàng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, các hộ chăn nuôi nhỏ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều hộ mất trắng cả đàn, phải treo chuồng. Từ đầu năm 2020 đến nay giá lợn hơi tăng rất cao nên các hộ đã sửa sang, vệ sinh chuồng trại, tìm cách tái đàn trở lại. 

Nhưng ngặt nỗi họ không tìm mua được con giống an toàn, sạch bệnh. Không ít hộ liều mua con giống trôi nổi trên mạng xã hội, hệ quả là lợn con đưa về nuôi được ít ngày lại nhiễm bệnh và chết.

"Từ đầu năm đến nay, tổng đàn lợn các hộ và trang trại đăng ký nuôi mới chỉ khoảng hơn 6.000 con lợn và tập trung ở các trang trại lớn. Nông hộ nhỏ lẻ có nhu cầu tái đàn nhưng lại không mua được con giống tốt, sợ rủi ro dịch bệnh. Do đó việc tái đàn lợn ở Sóc Trăng hiện vẫn khá chậm, bà con rất thận trọng" - ông Hoàng thông tin.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, việc tái đàn của người chăn nuôi cũng gian nan không kém vì nguy cơ dịch bệnh vẫn đang âm ỉ trong môi trường, giá lợn giống, lợn nái đều tăng cao. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào khác như thức ăn, vaccine, thuốc khử trùng, vôi bột, lương nhân công… đều tăng từ 10 - 15% so với trước.

Trò chuyện với PV Báo NTNN, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: HTX muốn mở rộng quy mô nuôi nên đã đăng kí mua 400 con lợn ông bà, bố mẹ của Tập đoàn De Heus, tuy nhiên phải đợi mấy tháng nữa mới có hàng. Hiện HTX đã xây xong 2 chuồng mới nhưng không có lợn để thả, do đó phải tìm đầu mối bên Thái Lan để đặt mua lợn bố mẹ về sản xuất lợn giống.

Ông Cảnh cho biết thêm, do giá lợn hơi tăng cao, ai có lợn bán đều thu lãi lớn nên nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi rất cao. Hiện số lợn nái của HTX đạt hơn 400 con nhưng số lợn con đẻ ra, hầu hết HTX để nuôi thành lợn thịt, chỉ xuất bán một ít ra thị trường để đáp ứng nhu cầu con giống tốt, sạch bệnh cho bà con.

Ngành chăn nuôi vẫn thiếu nửa  triệu con lợn nái  - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác tái đàn lợn, phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.L

Trong tổng đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà của Việt Nam, nái lai giữa lợn ngoại với lợn nội và lợn nái thuần chiếm 20%. Hàng năm, đàn lợn nái được thay thế bình quân 25%.

"Lợn giống, lợn hậu bị hàng công ty khan hiếm, lại đắt đỏ (3 triệu đồng/con), mua trôi nổi thì không yên tâm nên nhiều người đã chọn cách tái đàn tại chỗ, tức là họ lựa những con lợn thịt đẹp, khoẻ mạnh để làm lợn nái. Khi lợn đẻ được 1 - 2 lứa thì lại thay dần. Trong bối cảnh hiện nay, phương pháp này cũng hiệu quả nhưng bà con không nên làm ồ ạt, tránh rủi ro" - ông Cảnh nói.

Hết dịch, đàn lợn vẫn chưa thể phục hồi

Cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT kiểm tra tình hình tái đàn lợn tại tỉnh Kiên Giang cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, hoạt động chăn nuôi lợn trên địa bàn khá thuận lợi do tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi từ tháng 4/2020. 

Xung quanh Kiên Giang, cũng không có tỉnh nào đang bị dịch, giá lợn hơi đang có lợi cho người chăn nuôi, đạt quanh mức 80.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lợn hơi không ổn định và đang có xu hướng giảm; con giống thiếu hụt nên giá thành rất cao, trên 3 triệu đồng/con; hơn nữa nếu muốn nuôi trở lại, bà con phải đảm bảo cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học, phải sửa chữa, nâng cấp thêm nên bà con cũng e ngại đầu tư. Việc tái đàn, tăng đàn chủ yếu trong hệ thống trang trại của Công ty Chăn nuôi C.P.

Theo thống kê, đến đầu tháng 7, hiện tổng đàn lợn của tỉnh là gần 179.000 con, chỉ bằng 56,8% so với cùng kỳ; sang tháng 8 tăng lên gần 190.000 con.

Theo người chăn nuôi địa phương, dù ngành chức năng đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, song thực tế trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng như nhiều tỉnh thành khác vẫn thường xảy ra những ổ dịch nhỏ lẻ.

"Nhìn giá lợn hơi cao ngất ngưởng ai cũng thèm nuôi, nhưng thiệt hại đợt dịch trước còn chưa biết bao giờ mới gỡ được, nhất là bệnh dịch này chưa có vaccine, thuốc chữa, nguy cơ rủi ro lớn nên những ai dài vốn, chuồng trại đảm bảo mới nên đầu tư" - một hộ chăn nuôi nói.

Theo Cục Chăn nuôi, nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ tái đàn lợn trên quy mô cả nước vẫn là do dịch tả lợn châu Phi tái phát ở một số nơi; bệnh chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, trong khi chăn nuôi nông hộ không áp dụng được triệt để các biện pháp  an toàn sinh học, dịch bệnh dễ bùng phát.

Một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chậm công bố hết dịch. Các tỉnh cũng lo ngại, nếu công bố hết dịch, bà con sẽ tái đàn ồ ạt, trong khi các điều kiện chăn nuôi không đảm bảo, chăn nuôi không đăng ký thì sẽ lại tái phát dịch, phát sinh hệ lụy.

Ngoài ra, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất, cộng với thực trạng người chăn nuôi lợn đang rất khó khăn khi tiếp cận chính sách về đất đai, tín dụng nên nhiều hộ muốn tái đàn nhưng lực bất tòng tâm vì không có vốn.

Một nguyên nhân lớn nữa, đó là ngành nuôi lợn vẫn đang thiếu khoảng nửa triệu con lợn nái để phục vụ tái đàn, tăng đàn. Báo cáo của các địa phương gửi về Bộ NNPTNT cho thấy, đến hết tháng 7/2020, tổng đàn nái cả nước đạt gần 3 triệu con, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2019, gần bằng kế hoạch quý II/2020.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cùng với đàn nái, cả nước đang có trên 65.000 con lợn đực giống, đủ để sản xuất  và phối giống cho gần 3 triệu con nái.

Mặc dù đàn lợn giống gốc (cụ kỵ, ông bà) cơ bản giữ được 109.000 con, song do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phải cuối tháng tháng 10 - 11/2019 các doanh nghiệp, trang trại, gia trại mới bắt đầu cho phối giống trở lại trên diện rộng. Tính theo chu kì sinh sản thì đến cuối quý III, đầu quý IV/2020 mới cơ bản đủ con giống cho sản xuất. 

Tái đàn phải có đăng ký

Để đáp ứng nhu cầu tái đàn, đảm bảo chăn nuôi lợn an toàn sinh học, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng khuyến cáo các hộ nuôi có nhu cầu tái đàn đăng ký với chính quyền địa phương, gồm các thông tin cơ bản như họ tên, địa chỉ, điện thoại, lai lịch con giống, số lượng, lứa tuổi, trọng lượng bình quân, ngày dự kiến thả nuôi...

img

Ông Phạm Văn Cảnh - GIám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bên chuồng trại nuôi lợn thịt được đầu tư khép kín. Ảnh: I.T

Thậm chí tỉnh còn quy định, người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan tài nguyên - môi trường đối với các trường hợp phải đăng ký với cơ quan tài nguyên - môi trường theo quy định.

Các hộ chăn nuôi nhỏ cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, để trống chuồng và vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi. Chuồng nuôi phải có hầm hoặc túi ủ biogas đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường...

Đối với con giống, lợn nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Với lợn giống nhập từ ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch và kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần…

Dịch bệnh vẫn âm ỉ tái phát

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong tháng 7/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 90 xã (bao gồm 1 xã mới phát sinh, 86 xã tái phát và 3 xã đã qua 21 ngày trong tháng 7) của 14 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng 7 là 3.673 con.

Từ đầu tháng 8/2020 đến ngày 12/8/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 46 xã của 12 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy trong tháng là 2.099 con.

Như vậy hiện nay, cả nước có 184 xã thuộc 65 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.773 con.

Mặc dù các tỉnh đều đang đẩy mạnh tái đàn, số đầu lợn tăng nhanh tuy nhiên dịch tả lợn châu Phi vẫn âm ỉ tái phát, do đó bà con chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn, chỉ nuôi khi chuồng trại đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.

Thiên Hương (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem