Nhiều tỉnh thành phía Nam chậm trễ phòng, chống thiên tai
Nhiều tỉnh thành phía Nam còn chậm trễ trong công tác phòng, chống thiên tai
Nguyên Vỹ
Chủ nhật, ngày 17/07/2022 18:50 PM (GMT+7)
Đến nay, nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn còn chậm trễ việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nội dung chuẩn bị phòng ngừa trước mùa mưa lũ.
Dù phát triển năng động về kinh tế, xã hội nhưng Nam Bộ cũng là khu vực thường xuyên chịu tác động của 16/21 loại hình thiên tai. Đặc biệt là: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất...
Thiệt hại do thiên tai và những bài học khó quên
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, cùng hệ thống sông rạch kênh mương chằng chịt. Địa hình ở Cà Mau thấp và thường xuyên bị ngập nước. Cà Mau lại chịu tác động trực tiếp bởi 2 chế độ thủy triều là nhật triều và bán nhật triều không đều ở Biển Đông và Biển Tây.
Với đặc thù địa hình như thế, Cà Mau là 1 trong những tỉnh của ĐBSCL dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai.
Năm 1997, cơn bão số 5 (Linda) vẫn còn gây ám ảnh trong ký ức của người dân Cà Mau. Cơn bão đổ bộ vào tỉnh Cà Mau, với sức gió cấp 9, cấp 10, hoành hành gần 10 giờ đồng hồ.
Ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau kể lại, trước bão Linda, không mấy người ở Cà Mau tin rằng, vùng biển bao đời lặng sóng này lại có thể xảy ra bão lớn.
Và hầu như ít ai quan tâm đến các tin tức thời tiết, cũng như những cảnh báo của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ngay cả chính quyền địa phương cũng đã chủ quan, chưa quyết liệt nên đã bị động khi bão Linda đổ bộ.
Cơn bão đã làm 128 người chết, 1.164 người mất tích; 601 người bị thương. Hàng chục ngàn ha rừng và diện tích sản xuất nông nghiệp bị tàn phá, làm thiệt hại về tài sản hơn 2.700 tỷ đồng.
20 năm sau (năm 2017), bão số 16 lại xuất hiện đúng vào khoảng thời gian Cà Mau tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm các đồng bào bị tử nạn trong cơn bão số Linda.
Lần này, công tác ứng phó bão số 16 thực sự là cuộc tổng diễn tập toàn diện của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đích thân Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo trực tiếp tại Sở Chỉ huy tiền phương cấp tỉnh.
Khi đó, Cà Mau có hơn 19.000 hộ gia đình nghèo, khó khăn không thể thực hiện các biện pháp chằng chống, ứng phó với bão. Tỉnh đã khẩn trương hỗ trợ vật tư cho bà con từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai.
Không có thiệt hại nào đáng kể, bão số 16 đi qua đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho Cà Mau khi triển khai ứng phó với tình huống thiên tai.
"Những bài học này đã góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các cấp chính quyền và nhân dân, đặc biệt là các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai", ông Hoai nói.
Thiên tai diễn biến rất khó lường
Ở đầu nguồn ĐBSCL, tỉnh An Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ ngập sâu, và một số loại thiên tai khác. Theo Ban chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai tỉnh An Giang, xu thế lũ nhỏ xuất hiện thường xuyên.
Điều này dẫn đến sự chủ quan của người dân sau nhiều năm lũ nhỏ, thiếu chủ động trong công tác phòng ngừa lũ lớn. Trong khi diễn biến thiên tai, đặc biệt là lũ trong thời gian gần đây rất khó lường.
5 năm trở lại đây, tỉnh Bến Tre đã phải đối mặt với 2 đợt hạn mặn gay gắt, khốc liệt. Đáng chú ý là tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 vừa qua. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp Bến Tre là 1.660 tỷ đồng.
TP.HCM lại chịu tác động từ các công trình thủy điện Trị An, hồ thủy lợi Dầu Tiếng ở thượng nguồn nên gặp nhiều khó khăn trong chống và giảm ngập.
Ban chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, TP.HCM xuất hiện 10 đợt triều cường cao, trên mức báo động cấp II, cấp III. Các đợt triều cường này đã gây ngập cục bộ nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Đức Vũ – Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng cho biết, mưa lớn có xu hướng ngày càng gia tăng, tập trung trong thời gian ngắn. Triều cường có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
TP.HCM đã xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước năm 2020 (Quy hoạch 752), và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM năm 2008. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các Quy hoạch còn chậm.
"Ảnh hưởng của chế độ thủy triều cùng với các nguyên nhân khác liên quan đến đô thị, đã tác động không nhỏ đến việc chống, giảm ngập cho Thành phố", ông Vũ nói.
Khẩn trương kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, khu vưc Nam Bộ có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, và đường bờ biển dài trên 744km.
Dù là khu vực phát triển năng động về kinh tế xã hội nhưng đây cũng là khu vực thường xuyên chịu tác động của 16/21 loại hình thiên tai.
Gần đây nhất, ngày 11/7/2022, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, gây sóng lớn đã làm sạt 3 đoạn đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời của Cà Mau.
Từ năm 2021 đến nay, hệ thống thủy điện trên dòng sông Mê Kông cơ bản hoàn thiện. Hệ thống này đã gây tác động rất lớn cả về tích cực và tiêu cực tới khu vực hạ lưu; phần nào làm thay đổi quy luật khí hậu khu vực ĐBSCL.
Việc xả lũ hồ chứa ở thượng nguồn đã làm mực nước sông Cửu Long cuối tháng 4 lên cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-40%. Đây là mức cao nhất cùng kỳ trong vòng gần 100 năm qua.
Thống kê trong 30 năm gần đây, tình hình thiên tai vùng Nam Bộ diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, những đợt thiên tai lớn gây thiệt hại cho các tỉnh Nam Bộ ước tính khoảng 153 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đánh giá cao nỗ lực của một số địa phương trong việc phòng chống thiên tai thời gian qua.
Tuy nhiên, việc chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, và giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân ở miền Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế.
Việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2022, cũng như kiện toàn Quỹ Phòng, chống thiên tai vẫn còn chậm.
Đến nay, mới có 7/19 tỉnh, thành hoàn thành kiện toàn Ban chỉ huy, đạt 37%. Và 4/19 tỉnh có quyết định thành lập hội đồng quản lý Quỹ, đạt 21%.
"Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nội dung chuẩn bị phòng ngừa trước mùa mưa lũ", ông Hoài nhấn mạnh.
Thêm vào đó, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện ở các địa phương vẫn chưa được chú trọng. Đến nay mới có 3/19 tỉnh hoàn thành.
Việc triển khai thực hiện ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" còn mang tính hình thức. Hầu hết các kế hoạch Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chậm so với tiến độ.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy Văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia Trần Quốc Hoài đề nghị: "Các tỉnh thành phía Nam khẩn trương rà soát, hoàn thành việc kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đồng thời phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ huy, đảm bảo hoàn thành trước 31/7/202".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.