"Đi lạc" vào những vườn sầu riêng tiền tỷ ở Bình Phước, đâu đâu cũng thơm sực nức mùi trái chín

Thứ bảy, ngày 16/07/2022 19:01 PM (GMT+7)
Mặc dù là loại cây trồng khó tính, chi phí đầu tư cao nhưng sau hơn 10 năm kiên trì, đến nay bà Bảy (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã trụ vững kinh tế gia đình từ cây sầu riêng. Vụ mùa năm 2022, gia đình bà thu 130 tấn trái sầu riêng; với giá bán dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng.
Bình luận 0

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây sầu riêng và hơn hết là khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương rất phù hợp cho loại cây này phát triển, nhiều nông hộ ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đã chuyển đổi cây trồng, tham gia tổ hợp tác trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sầu riêng để có sản phẩm đạt chất lượng và đầu ra vững chắc.

Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng

Gia đình bà Triệu Thị Bé Bảy ở ấp Quyết Thành, xã Lộc Khánh, thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng Lộc Khánh được xem là người tiên phong đưa giống sầu riêng Monthong, Ri6 về trồng trên vườn cây cao su già cỗi.

Ban đầu chỉ với 8 sào, đến nay gia đình bà Bảy đã phát triển lên 12 ha sầu riêng. Ngoài tuân thủ quy trình, các công đoạn chăm sóc, từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân… đến khi thu hoạch và chăm sóc cây sau thu hoạch được gia đình bà thực hiện khoa học. Từ đó cây ra hoa, đậu trái đúng thời vụ và đạt năng suất cao.

Bà Bảy bộc bạch: Mình quê gốc ở miền Tây lên đây lập nghiệp. Thấy đất đai phù hợp và cũng có ít kinh nghiệm trồng sầu riêng khi còn ở quê nên gia đình đem giống từ miền Tây lên đây trồng thử trên vườn cây kém năng suất. 

Ban đầu, tỷ lệ cây sống và sinh trưởng đạt thấp nhưng dần dần tìm tòi học hỏi và tự rút kinh nghiệm nên vườn sầu riêng ngày càng phát triển tốt, cho năng suất cao. Gia đình cũng chia sẻ kinh nghiệm và giống cây trồng đến các thành viên tổ hợp tác, người dân trong xã để cùng phát triển kinh tế.

"Đi lạc" vào những vườn sầu riêng tiền tỷ ở Bình Phước, đâu đâu cũng thơm sực nức mùi trái chín - Ảnh 2.

Thương lái ở các tỉnh miền Tây thu mua sầu riêng tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Mặc dù là loại cây trồng khó tính, chi phí đầu tư cao nhưng sau hơn 10 năm kiên trì, đến nay bà Bảy đã trụ vững kinh tế gia đình từ cây sầu riêng. Vụ mùa năm 2022, gia đình bà thu 130 tấn trái sầu riêng; với giá bán dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg, thu lợi nhuận hơn 4 tỷ đồng.

Chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng của hộ anh Trương Văn Kiên ở ấp Đồi Đá - thành viên Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Lộc Khánh lúc vườn cây đang thu hoạch chính vụ. Những cây sầu riêng xanh mướt, đều, trĩu trái cho thấy sự chăm sóc tỉ mỉ của người trồng đối với loại cây khó tính này.

Anh Kiên tham gia Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Lộc Khánh từ ngày tổ mới thành lập. Tham gia tổ hợp tác, anh được học hỏi rất nhiều về kỹ thuật tạo tán, tỉa trái cũng như cách bón phân, phun thuốc trừ sâu sao cho hợp lý, đúng quy trình… Từ đó giúp anh có thêm kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc vườn cây sầu riêng đạt chất lượng.

Anh Kiên chia sẻ: Tham gia tổ hợp tác, tôi được các thành viên có nhiều kinh nghiệm chia sẻ về cách chăm sóc cây sầu riêng. Các thành viên thường xuyên trao đổi về kỹ thuật sao cho cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng, đặc biệt là khâu xử lý trái theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Đến nay, gia đình anh đã phát triển 2 ha trồng sầu riêng, trong đó 8 sào cho thu hoạch, chủ yếu là giống Monthong. Vụ mùa năm 2022, gia đình anh thu được 6 tấn trái.

Liên kết để phát triển ổn định

Thị trường tiêu thụ sầu riêng tương đối ổn định, đặc biệt thổ nhưỡng địa phương phù hợp loại cây trồng này nên thời gian gần đây diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn xã Lộc Khánh phát triển mạnh, với tổng hơn 50 ha, chủ yếu là chuyển đổi từ vườn cây kém năng suất sang trồng sầu riêng. Năm 2020, UBND xã Lộc Khánh đã liên kết các nông hộ và thành lập Tổ hợp tác trồng sầu riêng Lộc Khánh. Sau 2 năm thành lập, đến nay tổ hợp tác có 17 thành viên, với tổng diện tích canh tác trên 40 ha.

Nhằm chủ động thời gian, tiết kiệm nhân công, chi phí, nâng cao hiệu quả trong quá trình canh tác, các thành viên tổ hợp tác đều đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đảm bảo lượng nước vừa đủ để cây phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng. 

Tham gia tổ hợp tác, ngoài thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vườn cây, được hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quy trình sản xuất, các thành viên còn yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước): Sau 2 năm thành lập, Tổ hợp tác trồng sầu riêng Lộc Khánh luôn thực hiện đúng quy trình chăm bón, sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng. 

Sầu riêng của tổ hợp tác được Hội Nông dân huyện đánh giá cao, chọn tham gia quảng bá tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước năm 2022. Để đảm bảo cây sầu riêng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra, UBND xã Lộc Khánh đang hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi tổ hợp tác trồng sầu riêng thành hợp tác xã; đồng thời xây dựng thương hiệu sầu riêng đạt chuẩn OCOP.

“Để đảm bảo sản phẩm sầu riêng của thành viên được tiêu thụ, Tổ hợp tác trồng sầu riêng xã Lộc Khánh đã kết nối thương lái ở các tỉnh miền Tây tiêu thụ nông sản cho bà con. Hằng năm, thương lái đến thu mua toàn bộ sản phẩm sầu riêng ở đây với giá ổn định. Chất lượng sầu riêng luôn đạt độ thơm, ngon, béo và cơm dày” - ông Trần Văn Bé Sáu, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sầu riêng Lộc Khánh cho biết.

Với hướng đi phù hợp, tin rằng thời gian tới sản phẩm sầu riêng sạch của các nông hộ trên địa bàn xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) sẽ ngày càng vươn xa.

Hoàng Mỹ-Văn Hùng (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem