Việc sẽ thi tất cả các môn (trừ môn Văn) bằng hình thức trắc nghiệm đã khiến không ít học sinh, giáo viên lúng túng khi bước vào năm học 2016 – 2017. Để thay đổi cách dạy, tại trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) các thầy cô đã tăng cường cho học sinh lớp 12 làm thêm các bài tập trắc nghiệm, luyện thêm đề và làm quen với các trả lời câu hỏi theo nhiều hình thức khác nhau.
Ngoài ra, theo thầy Trần Mạnh Hùng – Tổ trưởng môn Toán của trường cho biết, với khối 10, 11 hiện đã được tiếp cận với hình thức thi này qua các bài kiểm tra. Kỳ thi học kỳ 1 tới đây, các bài thi sẽ có 50% trắc nghiệm, 50% tự luận.
Trường THPT WellSpring (Long Biên, Hà Nội) cũng đã cho học sinh đăng ký lựa chọn nhóm môn để chủ động kế hoạch. Giáo viên bộ môn đều dựa theo đề minh họa để đưa ra những đề kiểm tra, đề thi tương đương cho học sinh làm quen.
Mới đây, Sở GD ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các trường THPT yêu cầu các bài kiểm tra cuối học kỳ 1 của khối lớp 12 phải thực hiện đúng theo quy trình như kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Cụ thể, học sinh sẽ được phát số báo danh, có đề thi riêng, mỗi phòng thi có giám thị trông thi… Việc chấm thi cũng sẽ đảm bảo theo đúng quy trình tương tự như kỳ thi quốc gia như: Bài tự luận được rọc phách, các trường chấm chéo, các bài thi trắc nghiệm được gửi về Sở GD ĐT chấm bằng máy.
Học sinh lớp nhiều trường THPT trong cả nước sẽ thi học kỳ 1 năm học 2016 - 2017 như kỳ thi THPT quốc gia (ảnh: minh họa)
Theo ông Chử Xuân Dũng – Phó giám đốc Sở GD ĐT Hà Nội, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện việc sao in đề, coi thi, chấm thi tại các cụm trường. Ông Dũng cũng cho biết kinh phí tổ chức sẽ lấy từ ngân sách, các trường tuyệt đối không được thu tiền của học sinh.
Tại Vĩnh Phúc, đối với học sinh lớp 12, Sở GD ĐT cho các trường chủ động kiểm tra học kỳ 1 và thi thử 1 – 2 lần trước.Tuy nhiên, Sở này lại “rào trước” đối với học sinh lớp 10 và 11. Cụ thể, đề thi học kỳ 1 của hai khối này sẽ được Sở trực tiếp làm, tự in sao và phát tới học sinh. Việc xếp phòng, coi thi và chấm bài thi của khối lớp 10 và 11 cũng được thực hiện và kiểm tra nghiêm ngặt giống như quy chế thi THPT quốc gia hiện hành.
Tại Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD ĐT cũng cho biết, học sinh lớp 12 ngoài việc thi học kỳ I như thi THPT quốc gia thì trường cũng sẽ tổ chức một kỳ thi thử THPT quốc gia theo hình thức thi trắc nghiệm vào tháng 4.2017 để học sinh làm quen.
Trước đó, Bộ GD ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia 2017, so với dự thảo trước đó không có sự thay đổi nhiều.
Thay vì thi 8 môn như năm 2016, thí sinh năm 2017 sẽ thi 5 bài, gồm 3 bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh hệ giáo dục THPT; Lịch sử, Địa lý với thí sinh hệ Giáo dục thường xuyên).
Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần để phục vụ xét tuyển đại học theo khối thi truyền thống; điểm toàn bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo tổ hợp môn thi, bài thi mới.
Trừ Ngữ văn thi tự luận, 4 bài còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi thí sinh cùng phòng có mã đề thi riêng, làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu này được chấm bằng phần mềm máy tính.
Năm 2017, nội dung đề thi sẽ chủ yếu trong chương trình lớp 12. Năm 2018, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi nằm trong chương trình 3 năm THPT.
Đề sẽ gồm các câu hỏi ở cấp độ cơ bản nhằm xét tốt nghiệp và câu hỏi phân hóa để xét tuyển đại học, cao đẳng. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 40 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 50 phút/môn. Bài thi Toán có 50 câu trắc nghiệm, làm trong 90 phút; Ngoại ngữ 50 câu thi trong 60 phút. Mỗi câu trắc nghiệm có 4 phương án trả lời, thí sinh chọn một đáp án đúng.
Đề Ngữ văn sẽ có phần Đọc hiểu và Làm văn, thi trong 120 phút. Kỳ thi sẽ được tổ chức trong tháng 6 và diễn ra trong 2 ngày. Ngày thứ nhất thi hai môn Ngữ văn, Ngoại ngữ trong buổi sáng; thi Toán buổi chiều. Ngày thứ hai thi bài Khoa học tự nhiên buổi sáng, bài Khoa học xã hội buổi chiều.
So với dự thảo, số câu hỏi của mỗi môn thành phần trong bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đã tăng từ 20 lên 40. Đề thi Ngoại ngữ cũng tăng từ 40 lên 50 câu.
Bộ Giáo dục cũng đã công bố đề thi minh họa để học sinh và giáo viên tham khảo, ôn luyện.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.