Nhìn lại 10 ngày Đại lễ: Rực sáng những hy vọng

Thứ hai, ngày 11/10/2010 09:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hết những ngày Đại lễ, mọi công việc trở lại nhịp độ bình thường. Còn những gì đọng lại, và sẽ có thêm những gì mới? Hơn bao giờ hết, Hà Nội cần những ý tưởng và hành động mới cho sự thăng hoa của văn hiến ngàn năm.
Bình luận 0
 img
Sau 10 ngày Đại lễ, Hà Nội sẽ có nhiều việc để đánh thức các tiềm lực của thủ đô. Ảnh: Đàm Duy

Cùng ước mơ cho Thăng Long

Những chương trình lễ hội, trình diễn lớn, hàng trăm sự kiện lớn nhỏ như rừng hoa dâng lên Thăng Long nghìn tuổi: Biểu diễn nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc, chiếu phim, triển lãm nhiếp ảnh, hội hoạ, cổ vật, sinh vật cảnh, khánh thành các công trình trùng tu, tôn tạo, công trình văn hoá nghệ thuật, xây dựng, giao thông, các chương trình giao lưu, tri ân, những cuộc ra mắt, khai trương, các cuộc vận động, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn vỉa hè, ngõ phố sạch đẹp, xây dựng phong cách người Hà Nội thanh lịch… được tổ chức bởi các cơ quan, ban ngành từ Trung ương, thành phố Hà Nội cho đến các tổ chức, đơn vị kinh tế, xã hội và các cộng đồng dân cư, các cá nhân.

10 ngày Đại lễ như một cuộc hội tụ lớn, một cuộc kiểm kê "lực lượng" gồm cả nhân lực, vật lực và "vốn liếng" văn hoá được tích tụ 10 thế kỷ qua.

Không chỉ trong 10 ngày Đại lễ, rất nhiều hoạt động đã diễn ra ngay từ đầu năm 2010, chào đón Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội trên khắp mọi miền Tổ quốc. Tất cả phản ánh một nguyện ước chung cho sự phát triển thịnh vượng của thủ đô văn hiến, nơi gửi gắm ý chí, khát vọng của người dân cả nước.

Biết bao mong mỏi tha thiết đã được thể hiện trong dịp Đại lễ. Bà Nguyễn Bích Ngọc, 70 tuổi, ở phố Hàng Đậu, vào TP.HCM lập nghiệp 25 năm qua, ra Hà Nội dự Đại lễ, chia sẻ: Điều tôi mong đợi và vui mừng nhận thấy là người Hà Nội ngày càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, phong cảnh. Đây là nét mới rất văn minh.

Anh Phạm Đức Anh ở quận Hai Bà Trưng bộc bạch, điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là sự hào hứng của các con mình. Các con anh đã gửi những điều ước về Hà Nội và còn chia sẻ với bạn bè, kêu gọi cùng tham gia. Yêu mảnh đất mình sinh sống là một trong những tình cảm đáng trân trọng nhất ở đời.

KTS Nguyễn Chí Tam từ Pháp ước ao: Trong năm thiên niên kỷ này, tôi mơ về một thành phố hiện đại và là sự tiếp nối giấc mơ của Vua Lý Thái Tổ khi ông nhìn thấy "rồng bay" đánh dấu sự phát triển của văn hoá VN. Tôi mơ sự rộng mở dựa trên sự lắng nghe ý kiến của người dân Hà Nội và gìn giữ bản sắc Hà Nội sâu đậm hơn.

Làm gì "đánh thức tiềm lực"?

Rất nhiều nhân tài, vật lực đã được huy động cho những ngày Đại lễ vừa rồi. Cùng với mối quan tâm hưởng ứng, theo dõi, tham dự của đông đảo các ban ngành, nhân dân và du khách, thực tế này chính là gợi ý về việc tổ chức, phát triển các Festival, liên hoan văn hoá nghệ thuật với nhiều loại hình và hoạt động.

Tất nhiên, điều này cần được nhìn nhận, nghiên cứu khả năng xã hội hoá, sinh lợi, phục vụ nhu cầu và góp phần nâng cao thẩm mĩ cho công chúng, kết nối và thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là các mô hình du lịch văn hoá, lễ hội, nghệ thuật…, chứ không phải là sự tiêu phí tiền của và thời gian. Muốn vậy, cần có những bài học quý và ý tưởng mới rút ra từ Đại lễ này.

Một trong những ví dụ cụ thể là các kỳ Festival Huế với sự phong phú của các hoạt động và khả năng thu hút mối quan tâm của quần chúng, du khách và dư luận. Bản thân Hà Nội là một vùng văn hoá đa dạng với sự hiện diện lâu bền của nhiều loại hình di sản, phong tục, cũng như sự quy tụ của văn hoá nghệ thuật cả nước.

Những tiềm lực ấy rất cần được vươn dậy mạnh mẽ trong những cuộc hội tụ lớn. Liên quan đến vấn đề này, bà Katherine Muller Marin - Đại diện UNESCO tại VN cho rằng: Bảo tồn các giá trị văn hoá không phải là một điều đối lập với phát triển đô thị. Những phương thức phát triển kinh tế và hoạch định việc quản lý bảo tồn có thể được tích hợp với nhau thành một mô hình mới trong đó di sản trở thành tâm điểm trong quá trình phát triển của thành phố chứ không phải đơn thuần là một phần được lắp thêm vào.

10 ngày Đại lễ như một cuộc hội tụ lớn, một cuộc kiểm kê "lực lượng" gồm cả nhân lực, vật lực và "vốn liếng" văn hoá được tích tụ 10 thế kỷ qua. Và tính trên toàn địa bàn Hà Nội mở rộng thì trầm tích văn hoá của thủ đô rồng bay hôm nay đã lắng lại từ hàng ngàn năm trước.

Làm gì để đánh thức và phát huy mạnh mẽ những tiềm lực ấy cho tương lai và hiện tại bộn bề của thành phố? Câu hỏi này dành cho tất cả, và trước hết là với những ai ý thức được khả năng, trách nhiệm của mình - trong đó, gần như tiên phong, chính là các nhà quản lý!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem