Nhìn lại một năm đầy nỗ lực của ngành Giáo dục TP.HCM

Mỹ Quỳnh Chủ nhật, ngày 01/01/2023 06:30 AM (GMT+7)
Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động trở lại trạng thái "bình thường mới". Với ngành Giáo dục TP.HCM, để có thể "bình thường mới", toàn ngành phải nỗ lực vượt qua vô vàn khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Bình luận 0

Cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022, học sinh lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn TP.HCM được trở lại trường học tập trực tiếp sau khoảng thời gian rất dài học tập trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến giữa tháng 2/2022, trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được đến trường học tập trực tiếp.

Giáo dục TP.HCM vượt qua vô vàn khó khăn 

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ, ngành giáo dục đã đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể ổn định, đảm bảo an toàn cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT khi trở lại trường học sau đại dịch Covid-19 trong năm 2022.

TP.HCM: Nỗ lực của ngành giáo dục trong năm đầu hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM. Ảnh: MQ

Ông Hiếu đánh giá, khó khăn lớn nhất ở bậc tiểu học khi quay trở lại học tập trực tiếp là trong giai đoạn dạy học linh hoạt kết hợp trực tiếp và trên môi trường internet, học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhưng năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn lại có nhiều hạn chế. Ngoài ra, tình trạng cơ sở vật chất của một số trường học được trưng dụng phục vụ chống dịch bị xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.

Để khắc phục các khó khăn này, các cán bộ quản lý, giáo viên đã nỗ lực, động viên nhau cùng dành thêm thời gian củng cố kiến thức, tăng cường ôn tập cho học sinh; xây dựng các nội dung, hoạt động thực hành giúp học sinh trau dồi kiến thức, kỹ năng vận dụng. 

Bên cạnh đó, trước khi học sinh trở lại trường, các đơn vị cũng nhanh chóng sửa chữa trang thiết bị, vệ sinh trường lớp, phòng học, tái trang bị các đồ dùng dạy học và các thiết bị khác để kịp thời phục vụ việc dạy học.

Ở bậc trung học, khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, các cơ sở giáo dục có điều kiện để thực hiện việc cập nhật, bổ sung các nội dung kiến thức, thực hiện các hoạt động dạy học theo qui định của chương trình và nội dung giáo dục đòi hỏi giáo viên phải thực hành, thực nghiệm, trải nghiệm thực tế và khắc phục các hạn chế của dạy học trực tuyến; thực hiện bổ sung các nội dung kiến thức đã được điều chỉnh giảm bớt trong thời gian dịch bệnh. 

Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.

TP.HCM: Nỗ lực của ngành giáo dục trong năm đầu hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Những ngày đầu học sinh trở lại trường lớp, ngành giáo dục TP.HCM phải căng mình để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: M.T

 Ở bậc THPT, các cơ sở giáo dục đã cập nhật, bổ sung nội dung kiến thức, thực hiện hoạt động dạy học theo qui định của chương trình và nội dung giáo dục trước đây chưa thực hiện được do dịch bệnh.

Ông Hiếu đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành, năm học 2021 - 2022 đã kết thúc đúng tiến độ qui định, học sinh cuối cấp của thành phố đã được chuẩn bị tốt và tham dự các kỳ thi với kết quả tốt nhất. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng quan tâm đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của học sinh, khi có điều kiện, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, thực hành, thực tiển, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm tổ chức. Trong khi đó, công tác tư vấn trong trường học cũng được chú trọng.

Nhiều kinh nghiệm sau đại dịch Covid-19

Lãnh đạo ngành GDĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và được Bộ GDĐT trao cờ thi đua vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" năm học 2021 – 2022.

TP.HCM: Nỗ lực của ngành giáo dục trong năm đầu hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Phòng xử lý F0 của trường THCS Hà Huy Tập trong tháng 1/2022. Ảnh: MQ

Năm 2022, ngành GDĐT đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn năm học, không để việc học trong giai đoạn dịch bệnh làm ảnh hưởng đến kết quả dạy và học của cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, ngành GDĐT đẩy mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành bằng một loạt các kế hoạch triển khai, hội thảo khoa học, các hệ thống, phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý và dạy học.

Ông Hiếu nhận định, năm học 2021 - 2022 là một năm học bất thường, ngay từ đầu năm học, giáo dục tiểu học đã phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp sang hình thức dạy học trực tuyến. Để có thể duy trì chất lượng dạy và học, bằng nhiều giải pháp khác nhau, giáo dục tiểu học thành phố đã cùng nhau nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Những khó khăn trong năm học 2021-2022 cũng đồng thời mở ra một cơ hội, thách thức để giáo viên phát huy năng lực cá nhân, tự nâng cao năng lực dạy học.

Cũng từ những khó khăn này, ngành GDĐT TP.HCM đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quan trong. Trong đó, ở mọi tình huống, hoàn cảnh, các cán bộ quản lý phải luôn sâu sát với giáo viên, kịp thời đưa ra những hướng dẫn để điều chỉnh hoạt động dạy học cụ thể, phù hợp. 

Việc chuyển đổi dạy học trực tiếp sang trực tuyến cũng là một cơ hội để phát hiện năng lực ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học của giáo viên, đặt giáo viên vào tình huống phải tự mình nâng cao năng lực cá nhân để đáp ứng yêu cầu dạy học. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ của nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống kho học liệu số phục vụ hoạt động dạy và học.

TP.HCM: Nỗ lực của ngành giáo dục trong năm đầu hậu Covid-19 - Ảnh 5.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy được đẩy mạnh hơn sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Mỹ Quỳnh

 Thêm vào đó, ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý là một nội dung cần phải thực hiện tốt, phát huy hiệu quả của Công nghệ thông tin, đáp ứng kịp thời xu thế chuyển đổi số toàn cầu do tác động từ Cách mạng Công nghệ 4.0. Tất cả cán bộ, giáo viên đều phải tham gia vào hoạt động này nếu như không muốn bị rơi lại phía sau.

Năm 2023: Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, ngành giáo dục TP.HCM vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhất là việc thiếu giáo viên. Hiện nay, TP.HCM còn thiếu nguồn giáo viên ở một số bộ môn như công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Để giải quyết vấn đề này, Sở GDĐT dự kiến trong năm 2023 sẽ phối hợp đặt hàng đào tạo đối với các trường đại học có ngành đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ do năm 2022 thành phố đã giao dự toán kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP;

TP.HCM: Nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục trong năm đầu hậu Covid-19 - Ảnh 6.

Ngành giáo dục TP.HCM sẽ triển khai nhiều việc để cải thiện tình hình thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất. Ảnh: X.X

Sở GDĐT dự kiến tổ chức tuyển dụng viên chức bằng nhiều hình thức: ưu tiên hình thức xem xét tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định; hình thức xét tuyển viên chức; Tiếp tục hướng dẫn các phòng GDĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tham mưu ủy ban nhân dân và các đơn vị trực thuộc Sở chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn (theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế) với điều kiện đặt ra các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.

Đối với vấn đề về cơ sở vật chất, trong năm 2023 và trong giai đoạn tiếp theo, Sở GDĐT sẽ tổ chức các Hội nghị về chuyên đề đầu tư xây dựng trường lớp nhằm mục tiêu: phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới giáo dục, những khó khăn, nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư phát triển trường. Từ đó đề xuất các giải pháp tối ưu, hiệu quả trong đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học giai đoạn 2023-2025; Phối hợp với các cơ quan, sở ngành và đơn vị liên quan xác định các nhóm giải pháp mang tính hiệu quả, khả thi và phù hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục như tham mưu Thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phát triển các trường phổ thông các cấp học, bậc học có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem