Nhìn lại những đại án liên quan 4 "ngân hàng 0 đồng"
Nhìn lại những đại án liên quan 4 "ngân hàng 0 đồng"
PV
Thứ bảy, ngày 12/10/2024 06:00 AM (GMT+7)
Xuất hiện cách đây gần 10 năm, các "ngân hàng 0 đồng" liên quan hàng loạt đại án khiến nhiều quan chức, doanh nhân nổi tiếng vướng lao lý như các ông Đinh La Thăng, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh…
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu tổ chức lễ chuyển giao hai "ngân hàng 0 đồng".
Cụm từ "ngân hàng 0 đồng" xuất hiện năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm Đại Dương (OceanBank), Xây Dựng (VNCB, nay là CBbank), Dầu khí Toàn cầu (GPbank). Hiện nay, ngoài 3 đơn vị này, Ngân hàng Đông Á (DAB) cũng nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng".
Cả 4 "ngân hàng 0 đồng" nói trên đều liên quan những đại án với hàng loạt doanh nhân nổi tiếng, quan chức, lãnh đạo cấp cao vướng lao lý.
1. Vụ OceanBank: Ông Đinh La Thăng lĩnh án
Ngân hàng Hải Hưng dưới sự điều hành của Chủ tịch Hà Văn Thắm (có bằng Tiến sĩ kinh doanh tại Mỹ) đã chuyển mình thành Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Ông Thắm từng 2 năm liền giữ vị trí giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán, nhưng năm 2014, vị này bị bắt với cáo buộc vi phạm cho vay liên quan các khoản tín dụng của Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch VNCB.
Hà Văn Thắm sau đó lĩnh án tù chung thân về các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (luật hình sự năm 1999); tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, với các khoản vay có sai phạm tại OceanBank, ông Phạm Công Danh bị phạt 14 năm tù, bà Hứa Thị Phấn (đã mất) lĩnh 17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" (luật hình sự năm 1999).
Ông Đinh La Thăng trong một lần hầu tòa tại Hà Nội.
Trong vụ án khác liên quan góp vốn vào OceanBank, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, bị phạt 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (luật hình sự năm 1999).
Hồ sơ thể hiện, PVN từng có 1 ban trù bị để thành lập tổ chức tín dụng riêng là Ngân hàng Hồng Việt nhưng sau đó không được đồng ý. Vì vậy, năm 2008, Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt (sau làm Phó Tổng giám đốc PVN) liên hệ với Hà Văn Thắm, ngỏ ý PVN muốn rót vốn vào OceanBank.
Ông Đinh La Thăng đồng ý việc này và dù chưa được Chính phủ đồng ý, vẫn quyết định đầu tư tiền của PVN vào OceanBank để nắm 20% vốn tại nhà băng này. Năm 2011, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, quy định "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng". Tuy vậy, ông Thăng không cho thoái vốn tại OceanBank mà ký văn bản giao cấp dưới làm người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank với tỷ lệ 20%.
Tổng cộng, PVN đã góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Số tiền này trở thành thiệt hại khi OceanBank bị NHNN mua bắt buộc với giá 0 đồng dẫn tới quyền và nghĩa vụ cổ đông của PVN tại ngân hàng phải chấm dứt. Ngoài ông Đinh La Thăng, nhiều cán bộ PVN cũng vướng lao lý trong các vụ án của OceanBank, như ông Nguyễn Xuân Sơn bị tòa phúc thẩm phạt tử hình nhưng được kiến nghị cấp có thẩm quyền giảm án.
2. Đại án CBbank: Loạt sai phạm của Phạm Công Danh
Vụ án đầu tiên liên quan CBbank được xét xử sơ thẩm năm 2016, phúc thẩm năm 2017. Hồ sơ thể hiện, khi được chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Công ty Thiên Thanh đã mua lại cổ phần của nhóm cổ đông Phú Mỹ và lên nắm quyền kiểm soát, tái cấu trúc Đại Tín khi đang làm ăn thua lỗ và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, sau mua 0 đồng là CBbank).
Quá trình điều hành ngân hàng, ông Danh chỉ đạo cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (tháng 7/2014), VNCB bị âm vốn hơn 18.000 tỷ đồng.
Trong vụ án, ông Danh bị xác định chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây Dựng 63 tỷ đồng; tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê 2 trụ sở tại quận 10 (TP.HCM) gây thiệt hại 581 tỷ đồng; chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản trên các ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay; chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh là hơn 7.000 tỷ đồng và vị này bị phạt 30 năm tù.
Đến năm 2018, tòa án phạt Phạm Công Danh 20 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp án cũ 30 năm bằng 30 năm tù (tù có thời hạn tối đa là 30 năm). Cùng tội danh, ông Trầm Bê từ Sacombank bị phạt 4 năm tù.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cáo buộc quá trình điều hành VNCB, ông Danh cần tiền trả nợ, duy trì hoạt động và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng... nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ. Vị này do vậy chỉ đạo cấp dưới dùng tiền của VNCB vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank. Đây được xác định là thiệt hại của VNCB.
3. Đại án Ngân hàng Đông Á
Ngày 1/4/2024, TAND TP.HCM phạt ông Trần Phương Bình, cố Chủ tịch Ngân hàng Đông Á (DAB) án 8 năm tù, tổng hợp các bản án trước đó là tù chung thân. Ông Bình mất vào tháng 6/2024 và trước đó vướng vào 4 vụ án, đều xảy ra tại DAB.
Trong vụ án xảy ra năm 2007, cơ quan tố tụng cho rằng DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng hai lần để tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Bị cáo Trần Phương Bình đã bàn bạc và thống nhất với Nguyễn Thị Ngọ, cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực Châu Á Thái Bình Dương, về việc tham gia mua cổ phần tăng vốn DAB, nguồn tiền từ vốn vay DAB.
Tiếp đó, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới cho Nguyễn Thị Ngọ vay 10 khoản, với tổng số tiền là 297 tỷ đồng. Đến năm 2008, các khoản vay trên đến hạn nhưng bà Ngọ không có khả năng trả nợ nên đề nghị ông Bình chỉ đạo cấp dưới cho vay hơn 1.000 tỷ đồng nữa để đảo nợ khoản vay cũ. Đến ngày 9/12/2016, bị cáo Ngọ còn dư nợ của DAB với số tiền hơn 1.200 tỷ đồng, trừ giá trị tài sản đảm bảo, ngân hàng bị thiệt hại 981 tỷ đồng.
Trong vụ án khác được TAND TP.Hà Nội xét xử, ông Trần Phương Bình cùng 9 người bị cáo buộc gây thất thoát 184 tỷ đồng cho DAB liên quan các khoản vay của Phan Thị Mai, cựu Giám đốc Công ty An Phát.
Trước đó, năm 2018, ông Trần Phương Bình bị tuyên án tù chung thân với cáo buộc cấu kết cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.600 tỷ đồng. Cụ thể, ông Bình với vai trò là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB nhưng đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB số tiền hơn 3.405 tỷ đồng.
Hành vi của ông Trần Phương Bình và đồng phạm là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến số tiền 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm số tiền 25.451 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Lần thứ 2 ông Bình bị tuyên án tù chung thân là trong vụ việc duyệt cho 4 nhóm khách hàng gồm: Công ty Hiệp Phú Gia - TTC, Công ty Đồng Tiến, Công ty M&C, Công ty Tân Vạn Hưng vay không đúng quy định, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.751 tỷ đồng.
4. GPbank và những khoản cho vay nghìn tỷ
Tháng 12/2017, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án thiệt hại 4.758 tỷ đồng tại Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Nhà băng này có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Ninh Bình, vốn điều lệ năm 2014 là 3.018 tỷ đồng.
Trong đó, ông Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch HĐQT GPBank và nhóm liên quan sở hữu gần 35% vốn, ứng với hơn 1.056 tỷ đồng còn ông Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch GPBank và nhóm liên quan sở hữu hơn 55% vốn, ứng với gần 1.670 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Long cùng gia đình lập Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thành Trung, vốn điều lệ hơn 202 tỷ đồng. Công ty Thành Trung là cổ đông góp hơn 58% cổ phần tại Cty Thủ Đô – đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower (Trần Hưng Đạo, Hà Nội).
Ông Đoàn Văn An và người nhà thì sở hữu 75% cổ phần tại Cty Sao Bắc. Ông An còn sở hữu Công ty CP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh; là Chủ tịch Công ty TNHH Đại Lải.
Từ 2009 – 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ GPBank và chi cá nhân, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã dùng các Công ty Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh phát hành trái phiếu, bán cho công ty tài chính thu về 3.380 tỷ đồng.
Trong số tiền trên, các ông Long và An dùng 2.611 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ GPBank lên 3.018 tỷ đồng; chi 512 tỷ đồng trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu; dùng 255 tỷ đồng cho hoạt động của các Công ty Thành Trung, Đại Lải và Chí Linh. Sau đó, do không có tiền trả cho EVNFinance nên Tạ Bá Long và Đoàn Văn An thống nhất rút tiền của GPBank để trả nợ trái phiếu.
Việc rút tiền được thực hiện thông qua các hợp đồng mua 58% diện tích tại tòa nhà Capital Tower từ Công ty Thành Trung với giá 2.200 tỷ đồng; hợp đồng xây dựng kinh doanh dự án "Trung tâm Thương mại, văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank". Qua 2 hợp đồng, GPBank cho vay 3.900 tỷ đồng.
Khi khởi tố vụ án (tháng 7/2015), các Cty Thành Trung và Sao Bắc nợ GPBank gần 3.900 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi, không có khả năng thanh toán. Tòa án do vậy phạt ông Tạ Bá Long 5 năm tù; Đoàn Văn An 13 năm tù cùng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong vụ án thứ 2 liên quan ngân hàng, các ông Tạ Bá Long, Đoàn Văn An tiếp tục bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" trong vụ án gây thất thoát hơn 960 tỷ đồng tại GPbank.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.