Nỗi day dứt khi một chàng trai trẻ vừa qua đời

Lê Đức Thứ hai, ngày 13/05/2024 08:17 AM (GMT+7)
Sau nửa năm "chiến đấu" với tử thần, vận động viên thể dục dụng cụ (VĐV TDDC) Nguyễn Minh Triết đã qua đời ở tuổi 18. Ở vào độ tuổi đẹp nhất, Nguyễn Minh Triết đã không còn cơ hội thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc như bao đồng nghiệp cùng lứa…
Bình luận 0

Trên fanpage "Thể thao Việt Nam" những ngày này tràn ngập những dòng trạng thái của những VĐV xót xa khi hay tin VĐV đội tuyển TDDC trẻ Việt Nam Nguyễn Minh Triết qua đời.

Là những tuyển thủ, VĐV ở nhiều môn thể thao đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực tập luyện với quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế, hơn ai hết, họ hiểu những gì Nguyễn Minh Triết đã trải qua.

Đằng sau những tấm HCV, những nụ cười toả nắng, tự hào đặt tay lên ngực trái trong giai điệu Quốc ca thiêng liêng, các VĐV đã phải hy sinh, đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt, máu, thậm chí là cả tính mạng.

Nỗi day dứt khi một chàng trai trẻ vừa qua đời- Ảnh 1.

Sự ra đi của VĐV trẻ Nguyễn Minh Triết để lại sự tiếc thương và những nỗi xót xa cho người ở lại. Ảnh: TTVN

Với họ, khi đã chấp nhận theo đuổi đam mê ở những môn thể thao có tính đối kháng, có độ khó cao như võ thuật, xe đạp, bóng đá, TDDC… nghĩa là chấp nhận đối mặt với nỗi ám ảnh chấn thương.

Trong quá khứ, Thể thao Việt Nam (TTVN) từng chứng kiến những trường hợp VĐV qua đời trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 là võ sĩ judo Trần Thanh Ngời, cua-rơ Đỗ Xuân Tâm. May mắn hơn Trần Thanh Ngời, Đỗ Xuân Tâm một chút, nữ đô vật Lê Thị Huệ (vật) gặp chấn thương bị gãy 3 đốt sống cổ, dập tuỷ sống, mất 81% sức khoẻ và giải nghệ sau đó.

Gần đây nhất, cách đây chục năm, cua-rơ Nguyễn Thị Thà (An Giang, em gái nữ cua-rơ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Thật – người đã giành vé dự Olympic Paris 2024) gặp chấn thương nguy hiểm khi thi đấu môn xe đạp tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Cô sập ổ gà, mất lái, ngã xe, bị gãy xương sườn, dập một quả thận, tràn dịch màng phổi, tổn thương gan. Sau đó, Nguyễn Thị Thà phải cắt bỏ một 1 quả thận và giải nghệ.

Gần nhất là trường hợp võ sĩ muay Thái Panphet Phadungchai – người từng giành HCB SEA Games 30 năm 2019 đã qua đời sau khi dính một đòn chỏ rất nặng của đối thủ khi thi đấu tại sự kiện Muay Thái Fighter X được tổ chức tại tỉnh Pathum Thani hồi tháng 7/2022.

"Đặc thù của thể thao là cạnh tranh, vượt ngưỡng nên rủi ro rất cao. Những VĐV sau khi giã từ sự nghiệp mà không bị chấn thương hành hạ như tôi có thể coi là may mắn!", cựu tuyển thủ karate Bùi Việt Bằng – người từng giành 3 HCV SEA Games 22, 23, 24, tâm sự cùng người viết.

Cảm nhận rõ những "ưu đãi" mà số phận đã dành cho mình, sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao năm 2008, khi mới 25 tuổi, Bùi Việt Bằng đã tập trung, đầu tư tâm huyết, nuôi dưỡng niềm đam mê, truyền cảm hứng, tình yêu võ thuật thông qua CLB karate Việt Nhật với 8 cơ sở ở Hà Nội và 2 cơ sở ở Hải Phòng với khoảng 1500 võ sinh theo tập luyện thường xuyên.

Nhưng với những vụ tiêu cực liên tiếp xảy ra trong đời sống thể thao Việt Nam thời gian gần đây, dường như không có nhiều người cảm nhận được mình đã "may mắn" như Bùi Việt Bằng; để quyết tâm dồn tâm huyết, góp sức cho sự phát triển chung của thể thao nước nhà.

Đầu tiên là vụ VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam bị cắt xén tiền ăn được báo chí thông tin hồi tháng 10/2023 và Cục TDTT đã vào cuộc xác minh, cho thôi làm nhiệm vụ đối với HLV trưởng Bùi Xuân Hà (Quân đội), HLV Tô Minh (TP.HCM). Ông Phan Anh Tuấn - phụ trách bộ môn bóng bàn Cục TDTT đã viết đơn từ chức.

Nỗi day dứt khi một chàng trai trẻ vừa qua đời- Ảnh 3.

VĐV TDDC Phạm Như Phương tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20 và sau đó đã tố cáo những "góc tối" ở bộ môn. Ảnh: FBNV

Tiếp theo, giữa tháng 1/2024, VĐV đội tuyển TDDC Việt Nam Phạm Như Phương tố HLV "thu phế" 10% tiền thưởng huy chương, 50% tiền thưởng nóng, hàng tháng thu "quỹ lạ", chấm công ngày Chủ nhật dù không tập luyện... Xung quanh vụ việc này, Cục TDTT đã cho thôi công tác huấn luyện đội tuyển TDDC Việt Nam với HLV trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy và HLV Đỗ Thị Ngân Thương, Nguyễn Hà Thanh, Nguyễn Thùy Dương.

Tục ngữ ta có câu "Không thầy đố mày làm nên", "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", để nói về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Việc một cô học trò như Phạm Như Phương đứng ra "tố" thầy cô mình đương nhiên sẽ phải đối mặt với những chỉ trích xung quanh đạo nghĩa thầy trò.

Nhưng thử hỏi, nếu VĐV nào cũng im lặng cam chịu, VĐV nào cũng coi việc "lập quỹ lạ" như một "luật" bất thành văn tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, làm sao TTVN có thể phát triển? 

Làm sao nguồn ngân sách của Nhà nước, nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ, những khoản đóng góp xã hội hoá… được sử dụng đúng mục đích để "chắp cánh" cho các tài năng TTVN ?

Chuyện buồn này chưa qua, chuyện buồn khác lại tới khi mới đây 5 cầu thủ CLB bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị công an tạm giữ vì có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong số đó, đau xót thay, có cả cựu tuyển thủ quốc gia, Quả bóng vàng Việt Nam 2017 Đinh Thanh Trung – người được biết đến như một cầu thủ có lối sống chuẩn mực, chuyên nghiệp. Cùng Thanh Trung còn có trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng, người vừa cùng U23 Việt Nam dự VCK U23 châu Á 2024, cầu thủ Nguyễn Trung Học –đội trưởng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V.League 2023-2024.

Đáng buồn hơn cả là những người hiểu chuyện đón nhận câu chuyện này với một thái độ không hề ngạc nhiên và coi đó chỉ là "bề nổi của tảng băng". Một nhà môi giới cầu thủ chuyên nghiệp lâu năm ở V.League "bật mí" với người viết, không chỉ nội binh, mà ngoại binh sau một thời gian ngắn sang Việt Nam cũng trở thành những tay ăn chơi sành sỏi, chẳng trò gì là không biết.

Các cầu thủ thiếu ý thức chuyên nghiệp, tha hoá đã đành. Nhưng ở đây không thể không đặt dấu hỏi về vai trò quản lý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với Phòng y học thể thao, vai trò tổ chức giải của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), và đặc biệt là công tác giáo dục đạo đức cho cầu thủ, cả ở cấp CLB...

Nỗi day dứt khi một chàng trai trẻ vừa qua đời- Ảnh 5.

Tác giả bài viết - nhà báo Lê Minh Đức. Ảnh: DV

Làng thể thao Việt Nam, người hâm mộ Việt Nam tiếc thương cho người trẻ tuổi tài năng vừa mất đi bao nhiêu lại càng giận những "con sâu làm rầu nồi canh" - những VĐV thay vì toả sáng trên sàn đấu để góp phần khẳng định vị thế của TTVN, lại chọn con đường tăm tối và qua đó bôi nhọ, làm xấu hình ảnh thể thao nước nhà! 

Đó thực sự là một nỗi day dứt khôn nguôi với những người dành hết tâm huyết cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà.

Việc chăm lo tới những điều kiện cốt yếu để các VĐV yên tâm tập luyện, tận hiến vì màu cờ sắc áo như: Môi trường tập luyện tốt (HLV giỏi đủ trình độ huấn luyện VĐV thi đấu cạnh tranh ở SEA Games, ASIAD và cao nhất là Olympic; cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện; VĐV được thi đấu tập huấn nước ngoài thường xuyên); Môi trường đời sống tốt (chế độ dinh dưỡng, chế độ bảo hiểm, công việc sau khi giã từ sự nghiệp…) xem ra là chưa đủ.

Điều cần làm ngay là phải loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh" ra khỏi đời sống thể thao nước nhà. Chỉ có như vậy, những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của những người đã hết mình vì nền thể thao nước nhà mới không bị hoài phí.

Chỉ có như vậy, ở một nơi xa xôi ngoài kia, những người như võ sĩ judo Trần Thanh Ngời, cua-rơ Đỗ Xuân Tâm, VĐV TDDC Nguyễn Minh Triết mới có thể nở nụ cười mãn nguyện khi đã tận hiến những gì tốt đẹp nhất cho niềm đam mê, cho Thể thao Việt Nam, cho lá cờ Tổ quốc tung bay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem