Từ hội nghị hội viên cho đến đại hội nội bộ, chuyện chính trên hội trường là chuyện nhân sự. Khổ tâm và khổ thân cho các nhà văn đã công phu chuẩn bị các tham luận mà lên diễn đàn đọc thì vội vội vàng vàng, cắt đầu cắt đuôi, đọc như ma đuổi, vì chỉ sợ bị “vỗ tay” mời xuống. Chuyện thời gian hạn hẹp chỉ là một lý do.
Cái chính là các đại biểu không có tâm thế đến đại hội để cùng nhau bàn thảo những vấn đề của văn chương. Mà đại hội cũng không đặt trọng tâm ở chuyện văn chương chữ nghĩa. Mục đích của đại hội là hết một nhiệm kỳ thì thay một ban chấp hành, tức là chuyện ai vào ai ra cái ban lãnh đạo Hội, cho nên các đại biểu chỉ chăm chăm vào đó, khiến cho người đọc người nghe thấy mà ngán, mà không hiểu Hội Nhà văn VN là cái tổ chức gì mà ghê gớm đến mức các nhà văn luôn miệng kêu coi trọng trang viết lại hăng hái đua chen làm lãnh đạo đến vậy.
Rồi thì đại hội VIII cũng đã bầu ra được một ban chấp hành mới của Hội Nhà văn VN. Lần này thì đủ 15 người, coi như một thắng lợi. Hai người cũ ở lại chiếm số phiếu cao nhất, 13 người mới có đủ ba miền. Độ tuổi chênh giữa người cao nhất và thấp nhất là khoảng hai mươi, một thế hệ.
Thôi thế cũng mừng vì ít nhất Ban chấp hành có nhiều người, mỗi người lo một việc, trải ra có thể ôm được nhiều, thu vào có thể chỉ còn một. Đại hội đã xong, chỉ mới xong một việc là bầu một Ban chấp hành mới, còn như nhiều những vấn đề to lớn, quan trọng, cấp bách của Hội và của văn học thì vẫn nguyên như cũ, như là chưa đại hội.
Cho nên tôi lại xin nhắc lại điều tôi đã nói: Văn học VN không phải nhìn vào Hội Nhà văn VN mà nhìn vào các nhà văn. Nhưng các nhà văn lại chỉ nhìn vào Hội, chăm chăm ở Hội. Vậy thì văn học VN biết nhìn vào ai để sống bây giờ?
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.