Nhờ "Kiếp nghèo", người nhạc sĩ tài hoa thoát nghèo

Hoàng Ba Đình Thứ bảy, ngày 12/02/2022 15:08 PM (GMT+7)
Tiếp nối đàn chị Thanh Thúy, ca sĩ Thanh Tuyền cũng khiến "Kiếp nghèo" thành bài hát thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam.
Bình luận 0

Xưa nay, thơ văn, nhạc họa... của các thế hệ không thiếu các tác phẩm để đời để ca ngợi vẻ hoa lệ của đô thành Sài Gòn. Nhưng phía sau vẻ lộng lẫy ấy, còn có một Sài Gòn lam lũ. Và các nhạc sĩ tài danh, với sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, cũng đã nắm bắt và miêu tả cái nghèo giữa phố thị hết sức thành công.

Nhờ "Kiếp nghèo", người nhạc sĩ tài hoa mới thoát nghèo - Ảnh 1.

Chợ Đa Kao, khu vực sinh sống ngày xưa của Lam Phương và gia đình. Ảnh: H.B.Đ.

Một người từ ngoài Bắc vào, một kẻ dưới miền Tây lên, không hẹn mà gặp, nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nhạc sĩ Lam Phương cùng chọn và có các sáng tác đặc biệt xuất sắc về đề tài Sài Gòn lam lũ. Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương, đó chính là bài Xóm đêm, miêu tả về một cái xóm nghèo ở Sài Gòn xưa với những lời ca mà nhiều người vẫn còn thuộc:

"Đường về canh thâu/ Đêm khuya ngõ sâu như không màu/ Qua phênh vênh có bao mái đầu/ Hắt hiu vàng ánh điện câu".

Theo nhiều người từng tiếp xúc với nhạc sĩ, bài Xóm đêm miêu tả về một xóm nghèo bất kỳ nào đó ở Sài Gòn nên có tính đại diện, khái quát cao. Có người còn bảo, Phạm Đình Chương tuy miêu tả một cái xóm nghèo, nhưng bản thân tác giả chưa từng nghèo, nên bài này tuy có cảm thông, nhưng hơi thiếu sinh động. Tinh thần bài hát tuy nói về cái nghèo, nhưng lại nghèo theo kiểu quý phái, chứ không phải nghèo hẳn.

Nhờ "Kiếp nghèo", người nhạc sĩ tài hoa mới thoát nghèo - Ảnh 2.

Chân dung Lam Phương.

Còn với tác phẩm Kiếp nghèo của Lam Phương, lại có một lý lịch ly kỳ hơn hẳn vì bản thân ông từng rất nghèo.

Lam Phương sinh ra trong một gia đình có 6 anh em và ông là con trai lớn trong nhà. Ông trải qua một tuổi thơ đầy đau buồn và bất hạnh. Nhà nghèo, cha ông không chịu được cảnh cơ cực và phải lòng người phụ nữ khác nên đã đi theo tiếng gọi của người mới, bỏ lại 6 đứa con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định chăm nom. Nói huỵt toẹt theo ngôn ngữ bình dân, hành vi ấy gọi là "bỏ nhà theo gái".

Thiếu đi trụ cột của gia đình, mẹ của ông một mình đầu tắt mặt tối, tất tả ngược xuôi trên sông, lúc làm mướn, khi thì bán buôn để kiếm tiền nuôi bầy con còn thơ dại. Bởi vậy trong tâm trí ông, luôn hiện hữu hình ảnh người mẹ chịu thương chịu khó, luôn gánh vác mọi việc để lo cho các con. Sau này trong một bài phỏng vấn ông từng chia sẻ: "Tôi thương má tôi lắm! Má tôi mơ ước cái nhà che nắng mưa. Chỉ có vậy mà tôi làm cật lực, làm chết bỏ để có tiền mua nhà cho má".

Nhờ "Kiếp nghèo", người nhạc sĩ tài hoa mới thoát nghèo - Ảnh 3.

Bìa bản Kiếp nghèo xuất bản vào năm 1954. Ảnh: T.L

Lúc 10 tuổi, ông được mẹ gửi lên Sài Gòn, nương nhờ ở nhà bác ruột để được tiếp tục đi học và mưu sinh kiếm tiền phụ giúp gia đình, đỡ đần cho mẹ. Khi cuộc sống dưới quê đã tạm ổn định, mẹ ông dẫn các em lên theo, cả gia đình dọn về một ngôi nhà thuê khá tồi tàn và chật hẹp trong một căn hẻm lầy lội, tăm tối ở khu Đa Kao (quận 1).

Năm 15 tuổi Lam Phương sáng tác ca khúc đầu tiên Chiều thu ấy, tuy nhiên ca khúc không có mấy tiếng vang. Ông và gia đình vẫn tiếp tục cuộc sống nhiều khó khăn. Vài năm sau, tên tuổi của ông cũng đã bắt đầu được nhiều người biết đến, tuy nhiên về thu nhập cũng chưa đáng là bao so với đời sống đắt đỏ của phố thị.

Vào khoảng giữa năm 1954, Sài Gòn vào mùa mưa. Những cơn mưa nặng hạt bắt đầu phủ kín phố phường, khiến cho khu Đa Kao, nơi ông đang sống bị ngập úng nặng nề. Sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, Lam Phương rã rời đạp chiếc xe đạp cũ kỹ về xóm trọ, thấy trước hiên nhà, mẹ ông đang loay hoay hứng nước mưa đang rơi lã chã. Căn nhà trọ ọp ẹp hiện ra trước mắt ông là một cảnh sống tăm tối của những phận đời trôi nổi, long đong. Chính giây phúc ấy, trong đầu ông hiện lên những nốt nhạc để viết nên bài Kiếp nghèo với giai điệu Tango đặc trưng:

"Đường về đêm nay vắng tanh/ Rạt rào hạt mưa rớt nhanh/ Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi/ Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh/ Lầy lội qua muôn lối quanh/ Gập ghềnh đường đê tối tăm/ Ngập ngừng dừng bên mái tranh/ Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi".

Người đầu tiên thể hiện ca khúc Kiếp nghèo của nhạc sĩ Lam Phương là ca sĩ Thanh Thúy, một trong những ca sĩ ăn khách nhất lúc bấy giờ. Kiếp nghèo nhanh chóng được phủ khắp đất Sài Gòn và miền Nam thông qua sóng phát thanh và đĩa nhựa. Với giọng ca Thanh Thúy, cứ ai mà đang nằm ở trọ xa quê  không khỏi bật khóc khi nghe ca khúc này. 

Không những thế, tiếp nối đàn chị, ca sĩ Thanh Tuyền cũng biến Kiếp nghèo thành bài hát thịnh hành bậc nhất những năm 1960 ở miền Nam.

Lam Phương chia sẻ, với bài hát Kiếp nghèo ông được trả tiền bản quyền đến 1.200.000 đồng (tiền chế độ cũ). Trong khi lúc đó, giá vàng tầm 30.000 đồng/lượng, tức bài này ông kiếm được 40 cây vàng. Theo thời giá hiện đại, nhờ bài này mà ông có được hơn 2 tỷ đồng tiền tác quyền. 

Nhờ vậy mà ông đã hiện thực hóa được giấc mơ, mua cho mẹ ông một căn nhà khang trang ở cư xá Lữ Gia (quận 11). Nói một cách nôm na, nhờ Kiếp nghèo mà Lam Phương đã thoát khỏi kiếp nghèo. Và từ dạo ấy, hầu như Lam Phương cũng không còn viết được bài nào nữa về đề tài nghèo.

Dù tác phẩm ra đời hàng mấy chục năm, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều người đón nhận. Chẳng hạn như anh Minh Thành (35 tuổi, quận 3) chia sẻ: "Tôi rất thích bài hát này. Theo tôi đánh giá, đây là một trong những tác phẩm xuất sắc của tân nhạc Việt Nam. Mỗi khi đi nhậu, tôi thường đem theo cây đàn để hát cho vui, dĩ nhiên không thể thiếu Kiếp nghèo".

Còn ông Minh Đức (60 tuổi, ngụ ở Thủ Đức) rất ghiền bài hát này, đi karaoke lúc nào cũng phải hát cho bằng được. Và ông đặc biệt thích thú với câu hát "Đôi khi muốn nói yêu ai nhưng ngại ngùng đành lãng phai". Mỗi khi hát đến câu này, giọng hát ông đều ngậm ngùi như đang nhớ về một mối tình dang dở nào đó thời trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem