Nhỏ như cái tăm

Chủ nhật, ngày 21/11/2010 07:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở quê sẵn dao sắc có thể chẻ vót luôn cái tăm bất cứ lúc nào để xỉa. Thành phố phải mua tăm. Nếu nông dân làm tăm bán, nước mình thừa sức tự cung tự cấp, dân quê có thu nhập phụ, dân tỉnh được tiếng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Bình luận 0

“Tre xanh xanh tự bao giờ?”, đến nhà thơ tài hoa cũng chịu vì... “Tự ngàn xưa đã có bờ tre xanh”. Sản phẩm của tre bé nhỏ và cần dùng nhất với con người là cái tăm xỉa răng. Không hiểu người Tây họ ăn uống thế nào, ta cơm xong không có cái tăm không được.

Ở quê sẵn dao sắc có thể chẻ vót luôn cái tăm bất cứ lúc nào để xỉa. Thành phố phải mua tăm. Nếu nông dân làm tăm bán, nước mình thừa sức tự cung tự cấp, dân quê có thu nhập phụ, dân tỉnh được tiếng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Ấy thế mà từ đầu năm 2010 đến nay, Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn đã đếm được có tới 1.118 tấn tăm tre nhập khẩu. Tính ra có đến... ti tỉ cái tăm ngoại đang “cướp cơm chim” của bà con chẻ tăm, trước tiên là của các cơ sở vót tăm Hội Người mù.

Đó là do tư tưởng chuộng ngoại, công nghệ làm tăm hay quản lý nhập khẩu? Có lẽ cả ba.

Chuyện nhỏ như cái tăm suy ra không nhỏ. Đất nước 80% nông dân, tre pheo sẵn mà phải nhập tăm thì những nông sản thực phẩm khác ra sao? Vẫn lấy số liệu ở cửa khẩu Cảng Sài Gòn, trong 10 tháng từ đầu năm 2010 đã nhập tới 21.300 tấn cà rốt, 8.350 tấn hành, 7.740 tấn nấm, ngoài ra còn ổi, me, táo, bắp cải, cải thảo, xà lách, hành hoa... gỉ gì gi cái gì cũng nhập!

Dân đô thị nước Nam ta sống như “đại quốc”, đã có vườn rau vĩ đại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Đó là chưa kể cà chua hộp nhập từ Nam Mỹ vừa ngon, vừa rẻ, bán ê hề các siêu thị. Suýt nữa quên, năm nay thừa muối mà các doanh nghiệp vẫn nhập muối. Diêm dân lại bị gạt lên vỉa hè.

Không phải những người nhập tăm, rau củ quả thiếu tinh thần dân tộc, lòng tương thân tương ái với nông dân. Chẳng qua do cơ chế, thuế nhập nông sản từ Trung Quốc chỉ phải chịu bằng rau nhà. Hàng ngoại lại to củ tốt lá, bao bì đảm bảo, đẹp mã hơn, dễ bán hơn.

Về độ an toàn xưa nay chỉ nghe nói họ “tẩm thuốc sâu”, nhưng cũng chỉ là nghe nói. Vả lại ở các cửa khẩu lại không cần giấy chứng nhận kiểm dịch của nước sản xuất. Chỉ kiểm tra sâu bệnh, đạt là cho vào. Kinh tế thị trường nó vậy, trách sao được người ta.

Nhìn lên cũng chả thấy bộ ban ngành nào có chỉ đạo đóng cửa khẩu nông sản. Buôn bán có lãi mới làm. Chung quy chỉ có bà con nông dân làm rau củ quả bị chèn ép. “Mấy đời bánh đúc có xương...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem