Nhớ những ngày làm số báo đầu tiên

Thứ hai, ngày 05/08/2013 15:30 PM (GMT+7)
Lâu lâu đứng trước gương, xòe 5 ngón tay vuốt tóc, giật mình biết mái đầu loáng thoáng màu tuyết trắng. Nhớ lại ngày làm tờ tin số 1 “Nông dân mới”, cũng trước tấm gương ấy mà sao mái tóc còn xanh một thời trai tráng. Mới đó mà đã gần 30 năm.
Bình luận 0
Như một định mệnh

Năm 1983, khi tôi đang cùng tiến sĩ Phan Đăng Nhật ở Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian chuẩn bị ra số 2 tạp chí chuyên ngành “Văn hóa dân gian” thì một hôm ông Nguyễn Thành Thơ - Phó Trưởng ban trù bị Đại hội Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (ĐH HLHNDTT VN) đến rủ tôi lên nhà công vụ số 8 Chu Văn An chơi với chú Tư Ánh (nhà hoạt động chính trị, nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng). Hồi còn công tác ở Văn phòng Khu ủy T.4 (Sài Gòn-Gia Định), tôi có quen biết và từng coi chú Tư Ánh như thần tượng để mình vươn tới.
Nhà báo Khuynh Diệp với số báo đầu tiên
Nhà báo Khuynh Diệp với số báo đầu tiên "Nông dân mới" trong tủ báo NTNN của gia đình.

Lâu ngày gặp lại, ông nói cái rụp: “Nghe Mười Thơ kể mày sống cực lắm, tao khuyên nên trở lại Sài Gòn làm ở Hội Nông dân với Mười Thơ. Thế nào Hội cũng phải ra báo!”. Giống như một định mệnh, sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định đề đạt nguyện vọng với Giáo sư Đinh Gia Khánh - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam (KH-XHVN) và chị Chất - cán bộ tổ chức của Viện xin chuyển công tác vào TP.HCM. Cả hai đều không cho tôi chuyển ngành và yêu cầu tôi chuyển vào Viện KHXH VN tại TP.HCM để tiếp tục làm nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, cuối cùng, tôi vẫn đạt được ý nguyện chuyển về Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam (tên của Hội Nông dân Việt Nam bấy giờ).

Đang hăm hở với những chuyến đi xuống cơ sở dài ngày để làm quen và tìm hiểu vai trò, vị trí của Hội trong 2 cuộc kháng chiến cũng như thời kỳ bảo vệ- xây dựng đất nước sau chiến tranh thì cuối tháng 4.1984, ông Nguyễn Công Huế - Phó Trưởng ban trù bị ĐH HLHNDTT VN điện yêu cầu tôi ra Hà Nội gấp tham gia ra số báo đầu tiên chuẩn bị phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội.

Những kỷ niệm khó quên

Ngày ấy, ngôi nhà nằm trong khuôn viên số 13 Thụy Khuê, quận Ba Đình (nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội) là trụ sở của Ban trù bị ĐH HLHNDTT VN. Phòng phía tay phải tầng trệt bố trí cho Trưởng ban Ngô Duy Đông làm việc. Các phòng còn lại ở cả tầng trệt và trên lầu bố trí cho văn phòng và các ban chuyên môn, trong đó có Ban Tuyên huấn. Trở lại Hà Nội sau 2 năm cách xa, với tôi vẫn không có gì thay đổi. Vẫn những người quen ở một số cơ quan sống lầm lũi “chân ngoài dài hơn chân trong” vì sự mưu sinh thường nhật. Vẫn những chiếc bàn cũ kỹ của thời bao cấp chưa kịp hóa giá vừa dùng làm việc, vừa làm... giường ngủ cho những ai ở các tỉnh mới xin vào cơ quan hội.

Ngôi nhà số 13 chật hẹp và thiếu thốn là thế nhưng chúng tôi vẫn được lãnh đạo Ban trù bị tạo mọi điều kiện cần thiết để làm việc. Người nhận lãnh trách nhiệm chính (Tổng Biên tập) là đồng chí Phạm Quang Minh. Tôi tuy từng làm ở Báo Văn Nghệ Giải Phóng, Báo Văn Nghệ, Tạp chí Folklore nhưng nay làm báo của một tổ chức chính trị vốn là “Đội quân chủ lực của cách mạng dân tộc dân chủ”, trong thời kỳ xây dựng CNXH tiếp tục là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông, thì còn quá mới mẻ. Mấy anh em khác, kể cả anh Phạm Quang Minh, vốn chỉ biết “tuyên huấn” từ bên T.Ư Đoàn mới điều sang. Nhờ sự quan tâm của đồng chí Ngô Duy Đông và sự động viên chí tình của anh Phạm Quang Minh, chúng tôi đoàn kết, hỗ trợ và chia sẻ để công việc được hoàn thành. Trước hết, chúng tôi xác định “măng-set” tờ báo cùng với các thông số kỹ thuật khác như khuôn khổ, số trang, màu của số đầu tiên. Những đề xuất khác nhau đều được tôn trọng.

Trước những lựa chọn đa chiều, chúng tôi được Ban Tuyên huấn T.Ư góp ý rất xác đáng: Lần đầu ra báo, nhân sự khó khăn, cộng tác viên chưa có… thì chỉ nên ra tờ tin là thích hợp nhất. Lãnh đạo Ban trù bị ĐH HLHNDTT VN chấp nhận gợi ý này. Điều này giải thích vì sao số đầu tiên không phải là “báo” mà chỉ là tờ tin “Nông dân mới”. Có định hướng rồi, nhiệm vụ của chúng tôi là lo tin, bài, ảnh, vật tư, nhà in… để sớm xuất bản số báo đầu tiên của giai cấp nông dân Việt Nam.
“Chúng tôi được Ban Tuyên huấn T.Ư góp ý rất xác đáng: Lần đầu ra báo, nhân sự khó khăn, cộng tác viên chưa có... chỉ nên ra tờ tin là thích hợp nhất. Điều này giải thích vì sao số đầu tiên không phải là “báo” chỉ là tờ tin “Nông dân mới”-
Nhà báo Khuynh Diệp

Khâu vật tư, nhà in tuy khó nhưng hóa dễ vì các anh bên Bộ Văn hóa và Nhà in Báo Nhân Dân hết mình ủng hộ. Riêng phần tin, bài, ảnh… xem ra không đơn giản. Anh Phạm Quang Minh chỉ đạo chúng tôi vận động cán bộ, nhân viên cơ quan ở 13 Thụy Khuê và T.88 TP.HCM tham gia viết tin, bài về hoạt động của các cấp hội trên toàn quốc. Ảnh thì có TTXVN cung cấp. Trong số báo đó, chúng tôi đã đăng toàn văn “Thông báo” của Ban Bí thư T.Ư ĐCSVN về việc mở Đại hội Đại biểu toàn quốc HLHNDTT VN lần thứ nhất và hướng dẫn tuyên truyền của Ban trù bị ĐH HLHNDTT VN về Đại hội Đại biểu HLHNDTT VN.

Mới đó đã gần 30 năm. Nhớ lại ngày ra số báo đầu tiên quả là một kỷ niệm không thể quên trong đời làm báo của tôi. Đối với tờ NTNN, 30 năm thực sự là một bước tiến thật dài. Bởi hôm nay Báo NTNN có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và cơ sở vật chất không thua kém các báo bạn. Và đáng mừng hơn chính là cái tâm, cái tài của các nhà báo đang sống và làm việc ở NTNN.
Khuynh Diệp (Khuynh Diệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem