2 người trong nhóm bảo kê vật liệu xây dựng ở Hà Nội bị bắt
Phòng cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an quận Tây Hồ vừa triệt xóa ổ nhóm bảo kê hoạt động xây dựng và vận chuyển vật liệu, phế thải ở các quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm.
Công an cũng bắt giữ 2 nghi phạm liên quan gồm Đặng Văn Thanh (30 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) và Hoàng Trung Thành (32 tuổi, trú tại tỉnh Thanh Hóa), để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo điều tra, Nguyễn Thị Lan Hương (43 tuổi, còn gọi là Hương "đen", trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thành lập Công ty Lan Hương, chuyên mua bán kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm.
Trong quá trình làm ăn, Hương liên kết với một số người khác, trong đó có Hoàng Trung Thành để bảo kê, không cho bất cứ ai "cướp" địa bàn làm ăn của mình.
Nhóm của Hương thâu tóm toàn bộ hoạt động kinh doanh, vận chuyển phế thải và vật liệu xây dựng với mức giá cao hơn thị trường.
Ngày 9/8, nhân viên của Hương phát hiện có một đội thợ khác đang dọn phế thải tại công trình xây dựng trên địa bàn nên lập tức báo cho Hương và Thành.
Ngay sau đó, "đàn em" của Hương, trong đó có Thành và Đặng Văn Thanh đã mang theo hung khí đến công trình xây dựng trên, chờ xe chở phế liệu của đội thợ khác để chặn đầu, đe dọa.
Khi xe tải chở phế liệu do anh Nguyễn Văn T. (30 tuổi, trú tại Thanh Hóa) điều khiển đi từ công trình xây dựng ra đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Tây Hồ) thì tất cả nhóm Thanh, Thành đuổi theo.
Ngay sau đó, Thanh và Thành xuống xe đi bộ chặn đầu xe đập tay vào kính chửi bới, dùng gậy đập phá xe của anh T., làm vỡ đèn, kính xe và khiến anh này bị xây xát.
Bảo kê vật liệu xây dựng có thể bị xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một số người kinh doanh vật liệu xây dựng, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, bởi vậy 2 đối tượng bị xử lý hình sự là có căn cứ.
Theo ông Cường, hành vi đập phá, làm hư hỏng xe ô tô là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ. Trường hợp tự ý đập phá tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, hành vi này có dấu hiệu phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản bị gây thiệt hại để xác định trách nhiệm pháp lý. Trường hợp tài sản bị thiệt hại từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc hành vi được xác định là có tổ chức, thủ đoạn nguy hiểm để gây thiệt hại đến nạn nhân, các đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 đến 7 năm theo quy định của Điều 178.
Ông Cường cho rằng, ngoài 2 đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có đối tượng nào khác giúp sức, xúi giục hay chỉ thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Nếu có căn cứ vụ án còn có đồng phạm khác, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc không oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng này hoạt động như thế nào, đã từng đe dọa uy hiếp tinh thần của những ai, đập phá tài sản của những ai.
Nếu có mà tất cả những hành vi đập phá tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì mỗi lần thực hiện hành vi này là một lần phạm tội. Lúc này các đối tượng sẽ bị áp dụng tình tiết là phạm tội nhiều lần đối với nhiều bị hại.
"Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không. Nếu các đối tượng này đe dọa hành hung người khác để lấy tiền bảo kê, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự" – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.