Nhóm kỹ năng nghề cần cho thanh niên trong đại dịch Covid-19
Nhóm kỹ năng nghề cần có cho thanh niên trong đại dịch Covid-19
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 14/07/2021 19:48 PM (GMT+7)
Cách mạng 4.0 và đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn tới thế giới việc làm toàn cầu trong đó có việc làm cho thanh niên. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần nâng cao kỹ năng cho thanh niên, giúp họ thích ứng với thế giới việc làm có nhiều biến đổi.
Một loạt thách thức về việc làm của thanh niên trong bối cảnh dịch Covid-19
Đây là ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid và cách mạng công nghiệp 4.0 chủ đề Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam, chiều ngày 14/7.
Thế giới đang đối mặt với một loạt thách thứ như: Dịch Covid-19, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó, vấn đề duy trì và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó phát triển nâng tầm kỹ năng lao động cho đối tượng lao động thanh niên trẻ thời hậu Covid-19 được xác định là trọng tâm.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, có 50% lao động Việt Nam cần đào tạo, đào tạo lại. Lao động thanh niên là lực lực lao động chủ chốt, sẽ là lực lượng đi đầu trong việc tiếp cận thông tin và đào tạo kỹ năng nghề nhưng hiện nay vẫn còn ít được quan tâm.
Đồng tình với quan điểm của Việt Nam, ông Srinivas B Reddy - Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm của Tổ chức lao động thế giới (ILO) cho rằng, Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho lao động, nhất là lao động trẻ, không có kỹ năng.
"Tuy nhiên, ở góc độ tích cực dịch bệnh thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi kỹ năng trong thanh niên", ông Reddy nói.
Ông B Reddy cũng vui mừng cho biết thanh niên (15-20) đang là lực lượng lao động có trình độ học vấn cao nhất trong các nhóm lao động ở Việt Nam. Họ cũng là người có khả năng thích ứng tốt nhất với sự thay đổi từ thế giới việc làm.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh mới rõ ràng thanh niên đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận thị trường lao động, nhất là khi số lượng việc làm mới đang giảm, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao. Cần hỗ trợ toàn diện để họ thích ứng với thị trường lao động", ông B Reddy nói.
Bà Park Mihyung - Trưởng đại diện Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Việt Nam cũng cho biết, thanh niên là lực lượng chiếm tỷ lệ lao động di cư nhiều nhất. Thanh niên cho rằng di cư tìm việc làm là kênh sinh kế tốt nhất. Trước khi có đại dịch Covid-19, số lượng lao động di cư là rất lớn.
"Thanh niên, lao động nói chung cần phải nắm vững 6 nhóm kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thích ứng nghề nghiệp, kỹ năng ứng dụng kỹ năng số, kỹ năng an toàn lao động, kỹ năng rèn luyện sức khỏe, kỹ năng đạo đức nghề nghiệp..."
Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
Bà Park Mihyung cho rằng: "Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ tới sinh kế của người dân. Mất việc làm, cuộc sống bị đe dọa sẽ làm tăng nhu cầu di cư nội địa và di cư quốc tế".
Chính bởi vậy, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ lao động nâng cao kỹ năng nghề, hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ để thúc đẩy di cư an toàn.
Hơn 74% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, chưa cấp văn bằng chứng nhận
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã có trình bày về thực trạng, nâng tầm kỹ năng cho thanh niên Việt Nam.
Ông Trường cho biết, Việt Nam hiện có hơn 51,1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó chỉ có 26% lao động qua đào tạo, có văn bằng chứng chỉ. 74% lao động còn lại chưa được đào tạo, cấp văn bằng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 13 triệu người đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Lao động nông thôn bị ảnh hưởng nhiều hơn ở thành phố (khoảng 75% lao động nông thôn bị ảnh hưởng). Lao động thất nghiệp vào khoảng 1,2 triệu người, đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tại diễn đàn, Bộ LĐTBXH công bố 19 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trao quyết định Đại sứ Kỹ năng nghề trẻ Việt Nam năm 2021 cho 20 cá nhân, trong đó có 3 cá nhân là nữ.
Để hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị định 23. Trong đó, có quy định hỗ trợ 4.500 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cho lao động, góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho biết, nhân lực, nhân lực kỹ năng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hội nhập. Trong bối cảnh chuyển đổi số, dịch Covid-19 càng cần phải đẩy mạnh nâng cao kỹ năng cho lao động, nhất là lao động trẻ.
Ông Dũng dẫn lại phát biểu của ông Till Alexander Leopold - Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) rằng, chúng ta sẽ mất đi nhiều đô la nếu chúng ta không đầu tư vào nhân lực kỹ năng. Chúng ta có thể tăng 6.500 tỷ đô la vào năm 2030, hoặc chúng ta có thể tăng GDP 2-3%, nếu chúng ta tập trung vào phát triển kỹ năng con người. 50% doanh nghiệp là lao động cần thấy được phải đào tạo lại kỹ năng, chỉ 40% lao động cần phải đào tạo lại. Tuy nhiên, chỉ có 21% có đủ khả năng. Điều này đòi hỏi các quốc gia cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực này.
"Điều này cho thấy để nâng cao kỹ năng cho thanh niên, kỹ năng cho lao động nói chung thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Chính phủ cần huy động nguồn lực tài chính, hợp tác các tổ chức, nâng cao, đầu tư cho người học, người dạy", ông Dũng kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.