Nhóm Nông dân cùng sở thích chăn nuôi lợn

Thứ năm, ngày 13/09/2012 10:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để hỗ trợ nhau trong sản xuất và cuộc sống, 12 hộ nông dân (ND) xã miền núi Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn (Hoà Bình) đã tập hợp thành nhóm ND cùng sở thích chăn nuôi lợn.
Bình luận 0

Việc thành lập và duy trì hoạt động nhóm ND cùng sở thích nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam”, giai đoạn 2010-2014 do T.Ư Hội NDVN thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu Á (ADDA).

img
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của gia đình chị Trần Thị Thảo - trưởng nhóm ND cùng sở thích thôn Trung Thành A.

Giảm rủi ro

Xã Hợp Thịnh là địa phương phát triển khá mạnh về chăn nuôi lợn của huyện Kỳ Sơn. Nhóm ND cùng sở thích xã Hợp Thịnh thành lập tháng 11.2011, tập hợp 12 hộ có cùng sở thích chăn nuôi lợn ở thôn Trung Thành A. Chị Trần Thị Thảo - nhóm trưởng Nhóm ND cùng sở thích cho biết: “Trước kia, nhà nào biết việc nhà nấy, ít khi có sự bàn bạc, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các hộ chăn nuôi. Từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên trong nhóm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau giảm rủi ro, tăng hiệu quả trong chăn nuôi...”. Ngoài chăn nuôi lợn thịt, một số hộ thành viên còn nuôi lợn nái sinh sản. Nhờ hoạt động vì lợi ích chung nên các thành viên không chỉ cùng nhau mua 1 giá lợn giống mà còn cùng nhau bán 1 giá lợn thịt.

Từ đầu năm tới nay, giá thức ăn tăng mạnh, dịch bệnh đe dọa khiến không ít chủ trang trại ở nhiều nơi bỏ nghề chăn nuôi lợn. Các hộ thành viên Nhóm ND cùng sở thích thôn Trung Thành A cũng phải giảm số lượng đầu lợn nuôi. Chị Nông Thị Thịnh - thành viên của nhóm cho hay: “Nhằm giảm chi phí, chúng tôi sử dụng nguồn thức ăn sản xuất tại chỗ như ngô, sắn và các phụ phẩm tận dụng như bã đậu, bã rượu, bã bia... Các thành viên làm dịch vụ buôn bán thuốc thú y, thức ăn gia súc, phụ phẩm nông nghiệp còn bán hàng chậm trả cho các hộ thành viên khác”.

Đoàn kết cộng đồng

Mỗi tháng nhóm ND cùng sở thích chăn nuôi lợn ở thôn Trung Thành A sinh hoạt 1 lần. Những lần sinh hoạt, các thành viên trong nhóm trao đổi với nhau thông tin về thị trường, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Theo quy chế, mỗi thành viên đóng 200.000 đồng/năm để xây dựng quỹ. Ngoài dùng cho việc tổ chức thăm quan, hiện quỹ dành hơn 7 triệu đồng cho các thành viên khó khăn vay để chăn nuôi. Chị Thảo cho biết: “Nhóm còn nhận nạo vét kênh mương, xây dựng đường giao thông... để bổ sung nguồn vốn quỹ. Vào những ngày cấy cày, gặt hái, khi nhân công khan hiếm, các hộ trong nhóm tổ chức giúp nhau”.

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển cộng đồng các dân tộc ít người ở miền Bắc Việt Nam”, trên địa bàn xã Hợp Thịnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 7 nhóm ND cùng sở thích nuôi lợn, thâm canh lúa, nuôi gà... Tất cả các nhóm đều xây dựng được quỹ hoạt động.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Hội ND xã Hợp Thịnh, tháng 4.2012, từ nguồn vốn uỷ thác của Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội NDVN), Hội ND tỉnh Hoà Bình đã giải ngân 500 triệu đồng cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Hợp Thịnh. Nhóm ND cùng sở thích thôn Trung Thành A có 2 hộ được vay với mức 25 triệu đồng/hộ...

Không chỉ mang lại lợi ích riêng cho mỗi thành viên, hoạt động của nhóm ND cùng sở thích chăn nuôi lợn còn mang lại không khí mới cho phong trào thi đua sản xuất, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp. “Việc duy trì sinh hoạt của nhóm đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, hoạt động của Hội ND”- ông Kiều Xuân Thắng - Trưởng thôn Trung Thành A khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem