Nhóm nữ sinh dùng gậy sắt "quyết chiến” có thể đối mặt với hình phạt nào?
Nhóm nữ sinh Ninh Bình dùng gậy sắt "quyết chiến”: Coi chừng phải chịu trách nhiệm hình sự
Nguyễn Đức
Thứ ba, ngày 14/09/2021 13:39 PM (GMT+7)
Theo luật sư, đối với hành vi cố ý gây thương tích mà có tính chất côn đồ hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm dù thương tích dưới 11 % thì người gây ra thương tích cho nạn nhân vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Phần lớn những người tham gia vụ việc đều là người chưa thành niên, chưa có nhận thức đầy đủ về hành vi của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng các hung khí như dao, gậy để tấn công người khác là rất nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Sự việc xảy ra khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, người từ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội do lỗi cố ý mà Bộ luật hình sự đã liệt kê. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.
Đối với hành vi cố ý gây thương tích mà có tính chất côn đồ hoặc sử dụng hung khí nguy hiểm dù thương tích dưới 11 % thì người gây ra thương tích cho nạn nhân vẫn sẽ bị xử lý hình sự.
Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ danh tính, độ tuổi của tất cả học sinh có mặt tại hiện trường, làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến sự việc và hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp.
"Trường hợp nạn nhân có thương tích dù thương tích dưới 11% vẫn có thể xử lý hình sự đối với đối tượng đã gây ra thương tích cho nạn nhân.
Các đối tượng chủ mưu, giúp sức, xúi giục cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm", luật sư Cường thông tin.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, các đối tượng khác đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng đã có những hành vi cổ vũ, hô hào, la hét gây mất an ninh trật tự cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Với người phạm tội là người dưới 18 tuổi sẽ được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, trong đó hình phạt tù sẽ được áp dụng không quá 3/4 mức hình phạt mà điều luật quy định.
Nếu mức độ ít nghiêm trọng, người có vai trò xúi giục, giúp sức có thể được hưởng án treo để tiếp tục học tập, rèn luyện nhân cách đạo đức. Đây là chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Việt Nam được ghi nhận trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Cha mẹ cần lắng nghe, quan tâm đến con nhiều hơn
Ở góc độ quản lý gia đình, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc nhóm học sinh đánh nhau, trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự, nguyên nhân của những vụ việc này xuất phát từ việc gia đình giáo dục con cái chưa được tốt dẫn tới việc học sinh có suy nghĩ lệch chuẩn với đạo đức, lối sống.
Thêm nữa, ở độ tuổi các em học sinh đang trưởng thành nên thường có những cư xử chưa đúng mực, bộc phát, có những hành động khác thường, thích thể hiện "anh hùng". Việc nhận thức về pháp luật của học sinh cũng chưa đầy đủ.
"Về mặt đạo đức, pháp luật, hành động của các em học sinh ở Ninh Bình lao vào đánh nhau là hoàn toàn sai, đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật để làm gương", bà Túy nói.
Bà Túy cho hay, qua những vụ việc như này, cha mẹ các em học sinh cần phải dành nhiều thời gian hơn ở bên con, quan tâm đến con, nên tìm tiếng nói chung, cùng bồi dưỡng tình yêu thương và làm quen với môi trường của nhau.
Phụ huynh cũng cần tỉ tê, tâm sự cùng các con và hãy để các con cùng được sống trong vòng tay yêu thương của một gia đình lớn. Như vậy, các con sẽ ít bị bối rối, bỡ ngỡ.
Khi xảy ra những vụ việc như trên, cha mẹ cũng cần bình tĩnh không đánh hoặc mắng các con quá thậm tệ mà hãy nên ngồi lại gần con nói chuyện, phân tích để các hiểu việc làm của bản thân là sai trái, không đúng với quy định pháp luật và bị xã hội lên án.
Có như vậy, các con mới thay đổi về nhận thức, ý thức hơn về việc mình làm, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Trước đó, theo Công an tỉnh Ninh Bình, trong quá trình học tập, nữ sinh T.T.N.A (học sinh lớp 11B Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hoa Lư đã xảy ra mâu thuẫn với nữ sinh N.T.H (lớp 12B, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoa Lư).
Đến 14 giờ ngày 12/9, nữ sinh T.T.N.A và N.T. H. đã hẹn nhau ra khu vực đê sông Hoàng Long (thuộc địa phận thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư) để giải quyết mâu thuẫn cá nhân phát sinh trước đó.
Trước khi đi, nữ sinh T.T.N.A đã kêu gọi khoảng 30 bạn học và bạn cùng trang lứa, còn N.T H cũng gọi khoảng 20 bạn học đến để "nghênh chiến".
Tuy nhiên, vừa gặp nhau hai nhóm đã có lời qua tiếng lại và dùng dao, gậy sắt, mũ bảo hiểm...lao vào đánh nhau, tạo nên cảnh "quyết chiến" trên đê sông Hoàng Long.
Trong quá trình xô xát, Đ.T.T (27 tuổi, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; là người thuộc nhóm của H.) đã bị V.N.K.N (16 tuổi, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, là người thuộc nhóm của A.) đánh gây thương tích, phải nhập viện điều trị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.