Nhộn nhạo như sách điện tử

Thứ sáu, ngày 18/12/2015 16:04 PM (GMT+7)
Theo thống kê, hiện nay nước ta có 40 triệu người dùng internet, đứng thứ 3 Đông Nam Á và thứ 18 thế giới. Đây là cơ hội lớn cho ngành xuất bản sách điện tử Việt Nam khởi sắc. Tuy nhiên, sau vài năm kinh doanh sách điện tử, lĩnh vực này đang nổi lên nhiều bất cập.
Bình luận 0

Nhiều bất cập

Xuất bản sách điện tử chính thức phát triển tại Việt Nam từ năm 2012, thông qua pháp luật về xuất bản sách điện tử đã được quy định trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012. Nắm bắt cơ hội này các NXB lớn đã bắt tay vào thành lập công ty chuyên lo xuất bản ấn phẩm sách điện tử như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty văn hóa Phương Nam... Qua 3 năm phát triển, có 7 đơn vị xuất bản sách điện tử có bản quyền được cấp phép đi vào hoạt đồng gồm: Ybook, Sachweb, Kôm, Alezaa, Sachbaovn, tiki, vinabook.

img

Người dùng đọc sách điện tử trên điện thoại.

Trong khi đó, các "NXB ảo" trái pháp luật lại lớn hơn số NXB sách điện tử hoạt động hợp pháp. Cụ thể, theo thống kê của Cục An ninh văn hóa - Thông tin - Truyền thông (Bộ Công an), hiện có "10 NXB ảo" được thành lập và phát hành xuất bản phẩm tiếng Việt. Trong đó, các NXB thường xuyên hoạt động như NXB Giấy Vụn, NXB Tùy Tiện, NXB Liên Mạng... đã vi phạm nghiêm trọng quy định về pháp luật xuất bản phẩm. Xuất bản những thông tin sai trái quy định pháp luật, có nội dung xấu, xuyên tạc sự thật. Tính riêng 9 tháng năm 2015, Cục An ninh văn hóa Thông tin - Truyền thông đã ngăn chặn, xử lý 12 trang web đăng tải, phát tán các ấn phẩm điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chưa hết, các NXB đưa ấn phẩm sách điện tử lên mạng xã hội đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn chung là dễ bị đối tượng xấu tấn công, ăn cắp thậm chí vi phạm bản quyền, thêm bớt nội dung xấu, ảnh hưởng đến uy tín của mình. Đại diện NXB Trẻ thừa nhận, xuất bản sách giấy thì không thể thêm bớt nội dung, nhưng sách điện tử dễ bị đối tượng xấu như "tin tặc" cắt ghép, sửa chữa nội dung, thêm clip phản cảm, chèn quảng cáo nên hoạt động xuất bản của đơn vị này rất âm thầm, không dám đẩy mạnh quảng bá. Để bảo mật, nhiều NXB đã đầu tư lớn cho an ninh mạng và lại gặp khốn khó khác.

Điển hình như tháng 12-2012, NXB Trẻ thành lập Công ty xuất bản sách điện tử, hiện nay số lượng sách điện tử tung ra hơn 5.000 tựa sách điện tử thu phí, 8.000 tựa sách điện tử miễn phí. Mặc dù đạt doanh thu 3 tỷ đồng/năm, nhưng 3 năm ròng công ty này lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ kéo dài một phần do thị trường bạn đọc sách điện tử còn hạn hẹp, phần lớn do chi phí đầu tư để bảo đảm an ninh cho bản thảo quá cao.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ cho biết: Để triển khai xuất bản sách điện tử, NXB Trẻ phải đầu tư thiết bị và nhân lực theo hệ thống khép kín mà không dám giao cho công ty khác vì sợ mất bản quyền sách điện tử. Đây là khó khăn chung, hy vọng hệ thống pháp luật phát triển, quy định rõ ràng thì thị trường sách điện tử mới được khởi sắc hơn".

Một khó khăn chưa thể khắc phục trong ngành là mỗi phần mềm đọc sách chỉ dành cho mỗi nhà xuất bản. Điều này tương tự như trước đây mỗi thẻ ATM chỉ rút riêng được một ngân hàng. Điều này phản ánh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng thương mại điện tử đang kém phát triển. Các doanh nghiệp lại đang có tâm lý "ruộng ai nấy rào". Khi mà chưa đưa được hạ tầng kỹ thuật về một mối, thì người đọc sách điện tử của mỗi doanh nghiệp phải dùng riêng một phần mềm.

Doanh nghiệp phải tự cứu

Trước đây, Luật Xuất bản quy định không được quảng cáo trong sách. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quảng cáo trong trang sách điện tử đang manh nha. Hiện các website hoạt động không phép vẫn đăng tải danh mục sách điện tử miễn phí, họ thu lợi từ quảng cáo. Trước đây, quảng cáo ở trang điện tử, nhưng hiện nay xuất hiện quảng cáo ở ngay chính trong trang sách nhưng chưa thể xử lý. Hầu hết các NXB điện tử đều lỗ do sở thích đọc sách điện tử của người Việt Nam chủ yếu là nhóm chưa có thu nhập như học sinh, sinh viên và nhóm thu nhập thấp như nhân viên văn phòng chủ yếu thích đọc sách điện tử miễn phí.

Nói về chiến lược để duy trì xuất bản sách điện tử để tránh tình trạng lỗ triền miên trong tương lai, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết: "NXB Trẻ có hướng đi là số hóa toàn bộ tài sản sách 35 năm qua để lưu trữ điện tử cung cấp miễn phí cho bạn đọc. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện gia công số hóa cho các doanh nghiệp khác vì chúng ta có mấy chục NXB, nhưng số trung tâm sách điện tử hiện đang ít". Giữa lúc kinh tế khó khăn, NXB Trẻ chấp nhận "làm sách điện tử thuê" để tránh lãng phí nhân lực và hạ tầng kỹ thuật để lấy ngắn nuôi dài.

Trước vấn đề này, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản khẳng định: "Hiện luật cấm quảng cáo trong sách điện tử, nhưng các doanh nghiệp có thể khai thác quảng cáo trên website mà không vi phạm Luật Xuất bản sửa đổi. Mỗi doanh nghiệp nên tìm hướng đi, hướng phát triển riêng cho mình để tiếp tục duy trì và phát triển ngành xuất bản sách điện tử".

Tuệ Diễm (Hà Nội Mới)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem