Vào những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi có dịp trở lại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - vùng biên giới cực Tây của Tổ quốc. Phiên chợ vùng cao nhộn nhịp với hàng nghìn người dân gùi trên vai những nông sản, thổ cẩm... từ khắp nơi đổ về.
Phiên chợ vùng cao không cầu kỳ, không xa hoa; cơ sở vật chất không khang trang như các khu chợ trung tâm ở thành phố lớn. Bà con các dân tộc vùng cao mang đến chợ những mặt hàng truyền thống "cây nhà lá vườn" , trông thật giản dị và mộc mạc, tạo nên sắc màu chợ phiên độc đáo.
Cuối tuần, chợ phiên Mường Nhé luôn tấp nập người trong tiếng khèn Mông bảng lảng, những cuộc trò chuyện, hàn huyên tưởng như không dứt... để rồi ngả nghiêng say trong men rượu (Mông Pê) thơm nồng...
Chợ phiên vùng cao cực Tây của Tổ quốc không chỉ là nơi trao đổi mua bán, mà còn địa điểm gặp gỡ, giao lưu của người dân và các cộng đồng dân cư trong vùng. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú...)
Các sản vật được hái từ núi rừng, sắc màu rực rỡ của áo váy, ngôn ngữ trao đổi đa dạng, những món ẩm thực phong phú... giúp chợ phiên trở thành một bản tổng hòa văn hóa tỉ mỉ, duyên dáng và vô cùng hấp dẫn.
Chợ phiên Mường Nhé nói riêng và chợ vùng cao của đồng bào các dân tộc miền núi nước ta nói chung, luôn mang nét đẹp văn hóa đặc trưng, nó không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi hẹn hò, giao lưu tình cảm của đồng bào các dân tộc.
Nhiều em bé cảm thấy rất thích thú khi được mẹ bế theo bán hàng ở các chợ phiên
Các em bé thường được bố mẹ địu trên lưng đưa đi chơi chợ.
Chợ phiên cũng là dịp các thiếu nữ vùng cao tranh thủ sắm sửa cho mình những bộ trang phục truyền thống, sau mỗi mùa vụ làm nương rẫy vất vả
Chợ phiên Mường Nhé còn có các cuộc thi giã bánh dày của đồng bào Mông thu hút đông đảo người tham gia cổ vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.