Đặc sản con non loài côn trùng này ở cù lao Dung của Sóc Trăng hóa ra là bắt trong vườn nhãn

Chủ nhật, ngày 11/09/2022 05:51 AM (GMT+7)
Thưởng thức những đặc sản nhộng ong này ở cù lao Dung (Sóc Trăng), có lý do hấp dẫn riêng của nó. Bởi lẽ đây là sản phẩm ong mật được lấy từ vườn nhãn có gốc gác từ xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ- Vĩnh Long).
Bình luận 0

Ở đồng bằng, nếu nói đến nhộng ong người ta thường nhắc về U Minh Hạ, nơi phát triển mạnh nghề gác tổ ong mật. Từ tổ ong mật người dân có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon, độc đáo và chế biến nhiều loại rượu từ nhộng ong, mật ong và phấn hoa.

Đặc sản nhộng ong ở cù lao Dung của Sóc Trăng ngỡ lấy từ U Minh Hạ, hóa ra không phải mà bắt tại chỗ - Ảnh 1.

Nhưng thưởng thức những đặc sản này ở cù lao Dung (Sóc Trăng), có lý do hấp dẫn riêng của nó. Bởi lẽ đây là sản phẩm ong mật được lấy từ vườn nhãn có gốc gác từ xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ- Vĩnh Long).

Đó là vườn nhãn của anh Sáu Phương, người gốc Bến Tre về đây lập nghiệp từ hồi năm 1984. Anh chính là người đầu tiên đưa cây nhãn xứ vườn về với cù lao ngập mặn cù lao Dung.

Những gốc nhãn qua nhiều lần cải tạo giờ vẫn còn xanh tốt, chính cây nhãn đã đưa anh từ thuở khó khăn trở nên khá giả, phát triển thêm nhiều mô hình làm ăn khác trên đất cù lao này.

Trong khu đất mấy chục công, anh Sáu Phương trồng nhiều loại cây, như: mía, dừa, nhãn, thanh long và nuôi ong mật rồi xây dựng thương hiệu mật ong Sáu Phương, rượu mật ong Sáu Phương nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Cho nên, khách ghé nhà anh bất cứ lúc nào cũng có sẵn những đặc sản đãi khách từ ong mật. Phải đi qua cù lao Dung 2 lần mới gặp được vì anh là người khá bận rộn, có thể dành thời gian cả ngày để tiếp khách.

Sau những câu chuyện tâm tình về làm ăn trên đất cù lao này, anh… bỏ nhỏ: “Mấy anh em mình mần vài ly hén?”. Trời cũng bắt đầu đổ mưa, chị Sáu đi công chuyện, nghe nhà có khách cũng vội chạy về soạn ra mấy món đồ biển, nhưng đặc biệt trong nhà lúc nào cũng có là nhộng ong, chế biến được nhiều món lại rất nhanh, bởi nhộng ong đã được làm sạch để sẵn trong tủ.

Anh Sáu Phương chạy ra vườn loay hoay chút xíu là có một rổ rau đủ các loại, thì chị Sáu cũng vừa làm xong món nhộng ong chiên hột vịt (ảnh). Những chai rượu cũng được ngâm với mật ong- phấn hoa màu vàng tươi óng ánh, có mùi thơm dịu nhẹ cực kỳ hấp dẫn.

Những con nhộng ong y hình nhộng tằm nhưng có kích thước nhỏ hơn, có màu trắng sữa. Được xem là thức ăn nhiều bổ dưỡng, khi chế biến có vị thơm ngon và béo ngậy.

Đọng lại chút xíu vị chua nhẹ mà phải để ý lắm mới cảm nhận được, ăn chung với những lá rau giấm hái trong vườn, tạo nên sự kích thích vị giác, rất hợp cho một ngày trời mưa tầm tã nghe tiếp chuyện cù lao cùng với những ly rượu vàng óng mật ong, có độ ngọt nhẹ vừa đủ giảm đi bớt chất cay của loại rượu đế cao độ.

Anh Sáu tựa như loài ong mật chăm chỉ làm tổ ươm mật cho đời, hễ coi đất lành thì… ong làm tổ. Bám trụ trên đất này hơn 30 năm, giờ anh nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi, nhiều sáng kiến.

Nhưng nguyên tắc của anh là luôn chia diện tích đất của mình thành nhiều loại cây trồng để có thể dễ dàng thích nghi với giá cả thị trường. Trong đó, cây nhãn và ong mật đã tạo cho anh thương hiệu có tiếng vang trên vùng đất cù lao này.

Bữa ăn ngon vì cái tình đãi khách của vợ chồng anh Sáu Phương, còn quyến rũ vì chuyện lạ đưa cây nhãn sống được trên đất nhiễm mặn trên 6 phần ngàn. Mới nghe chắc… hổng tin được!

Ngọc Trảng (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem