Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi

Nguyễn Đại Thứ ba, ngày 07/01/2025 14:58 PM (GMT+7)
Sáng 6/1/2025, Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 - cầu Chà Lắn tại xã Hữu Lập , huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trong niềm vui sướng và hạnh phúc của người dân nơi đây.
Bình luận 0

Mang yêu thương gửi đến vùng biên giới xa xôi

Cuộc sống của người dân ở vùng biên giới luôn gắn liền với những khó khăn chồng chất. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, và khoảng cách xa xôi khiến việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục trở nên vô cùng vất vả. Để mưu sinh, người dân phải bươn chải từng ngày, dựa vào làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, hoặc phải đi làm xa xứ những công việc nặng nhọc khác. Cuộc sống của người dân ở xã Hữu Lập còn khó khăn hơn nữa khi là một trong những xã nghèo nhất của huyện Kỳ Sơn nằm tại vị trí giáp biên giới Việt – Lào và có địa hình đa phần là đồi núi cùng khe suối dày đặc khiến việc đi lại rất khó khăn, không thể phát triển.

Trong xã Hữu Lập có 02 bản Chà Lắn và Noọng Ó, là nơi sinh sống của 219 hộ với 1.247 nhân khẩu đồng bào Khơ Mú. Nơi đây chỉ có một con đường độc đạo dọc theo tuyến đường nối bản Na đến bản Chà Lắn và Noọng Ó để đi ra trung tâm xã, huyện. Vào mỗi mùa mưa lũ, nước dâng cao nhấn chìm hoàn toàn đoạn ngầm tràn và ngập nhà của 17 hộ dân sống xung quanh khiến tất cả bị chia cắt, 2 bản bị cô lập hoàn toàn.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 1.

Lãnh đạo Công ty Nhựa Tiền Phong và Ban Chỉ huy quân sự huyện Kỳ Sơn khảo sát địa hình khu vực xây cầu.

Trong hoàn cảnh đó, người dân rơi vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Những nguồn lương thực ít ỏi tích trữ nhanh chóng cạn kiệt, chưa kể những lúc đau ốm, việc cấp cứu gần như không thể, đành phó mặc cho số phận. Hơn thế nữa, tương lai của hơn 100 em nhỏ nơi đây trở nên mịt mờ khi mưa lũ gây gián đoạn học tập, xóa nhòa ước mơ được đến lớp, được viết tiếp những trang sách đổi đời.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 2.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công cầu Chà Lắn.

Tuy nhiên, niềm hy vọng đã được thắp lên trước thềm xuân mới khi chương trình "Cầu nối yêu thương" của Nhựa Tiền Phong đã mang đến món quà ý nghĩa – một cây cầu bê tông vững chắc, thay thế cho đoạn ngầm tràn đã xuống cấp. Cây cầu không chỉ kết nối đôi bờ mà còn mở ra con đường tri thức cho các em nhỏ, thắp sáng ước mơ đến trường và tiếp tục chắp cánh cho những khát vọng tương lai.

Với sự làm việc khẩn trương, sáng ngày 06/01/2025, Lễ khởi công Cầu nối yêu thương số 117 - cầu Chà Lắn đã chính thức được diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền và toàn thể người dân địa phương, trở thành cây cầu thứ 2 mà Chương trình "Cầu nối yêu thương" của Nhựa Tiền Phong xây dựng dành tặng cho bà con vùng biên giới của tỉnh Nghệ An sau cây Cầu nối yêu thương số 38 – Cầu Xốp Kha tại xã Yên Hoà, huyện Tương Dương vào năm 2020. Cầu Chà Lắn được thiết kế có nhịp dài 12m, dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều dài toàn cầu đến đuôi mố 17m, rộng 4,5m, tải trọng 20 tấn. Nhân dịp đặc biệt này, Nhựa Tiền Phong đã mang đến 150 suất quà Tết ý nghĩa, sẻ chia hơi ấm mùa xuân với bà con bản Chà Lắn và bản Na. Đồng thời, 1.500 chiếc mũ bảo hiểm chất lượng cũng được trao tặng cho toàn thể người dân xã Hữu Lập, gửi gắm thông điệp về an toàn giao thông và nâng cao ý thức bảo vệ bản thân trên mỗi hành trình.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 3.

Ông Trần Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong miền Trung phát biểu tại lễ khởi công.

Đại diện Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Ông Trần Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong miền Trung chia sẻ tại buổi lễ: "Cầu Chà Lắn, với thiết kế vững chãi và an toàn, chính là món quà chúng tôi gửi gắm hy vọng dành tặng bà con vùng biên giới xa xôi, góp phần tạo điều kiện để trẻ em nơi đây được đến trường an toàn, cuộc sống người dân ổn định hơn. Đây là cách mà Nhựa Tiền Phong lựa chọn để đồng hành cùng cộng đồng, biến khó khăn thành cơ hội, và và tạo nền tảng cho những ước mơ vươn xa hơn".

Tết ấm tình quân dân

Niềm vui của bà con Chà Lắn khi có cây cầu mới càng trở nên trọn vẹn hơn khi lần đầu tiên họ được hòa mình vào không khí rộn ràng của ngày hội Tết, do Nhựa Tiền Phong phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn tổ chức. Chương trình đặc biệt này, mang tên "Tết ấm tình quân dân," là món quà ý nghĩa dành tặng bà con nhân dịp Tết Nguyên Đán 2025, lan tỏa hơi ấm và mang đến một mùa xuân đong đầy yêu thương, thắt chặt thêm mối quan hệ gắn bó giữa quân đội và nhân dân.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 4.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 5.

Đại diện Công ty Nhựa Tiền Phong và Ban chỉ huy quân sự huyện Kỳ Sơn trao 150 suất quà tặng người dân bản Chà Lắn

Chương trình được tổ chức vào chiều tối ngày 5/1/2025 nhưng người dân và các chiến sĩ đã cùng nhau tất bật chuẩn bị từ ngày hôm trước. Từ chiếc lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh cho đến lửa trại, trang trí đều được chuẩn bị tỉ mỉ, chỉn chu, mang đậm nét cổ truyền dân tộc. Ngày "Tết ấm tình quân dân" được diễn ra trong tiếng cười nói hân hoan, tiếng trẻ thơ nô đùa không ngớt, những vui buồn năm cũ được sẻ chia, những câu chuyện đời thường trở thành sợi dây gắn kết tình quân dân thêm bền chặt.

"Cuộc sống khó khăn khiến các con hay phải đi làm xa, gia đình chúng tôi ít khi được đoàn tụ vào những ngày Tết như thế này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi biết đến một ngày tết cổ truyền là như thế nào. Giá như có đầy đủ con cháu ở đây thì vui biết mấy" - Bà Moong Thị Hà người dân thôn Chà Lắn phấn khởi chia sẻ.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 6.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 7.

Nhiều em nhỏ vui mừng khi được tặng quà.

"Tôi sống ở đây từ nhỏ nhưng chưa có ngày hội nào vui như thế này vì nghèo lắm. Được tham gia chương trình lại được nhận quà và nhất là có cây cầu mới xây, tôi rất phấn khởi. Bà con cảm ơn Nhựa Tiền Phong, cảm ơn Ban chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn đã quan tâm tổ chức ngày hội này". ông Cụt Văn Quyền người dân thôn Nọong Ó xúc động nói.

Trước niềm vui của bà con nơi biên giới xa xôi, Thượng tá Lô Thanh Như, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã chia sẻ:" Cùng công ty Nhựa Tiền Phong tổ chức thành công chương trình này khiến chúng tôi rất hạnh phúc vì đã mang đến niềm vui cho người dân trước thềm Xuân mới. Đây không chỉ là dịp để quân và dân xích lại gần nhau hơn mà còn là cơ hội để lan tỏa tinh thần đoàn kết, sẻ chia, và cùng nhau gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tôi hy vọng rằng với cây cầu vững chắc Nhựa Tiền Phong trao tặng, bà con sẽ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hơn".

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 8.

Nhựa Tiền Phong khởi công Cầu nối yêu thương số 117 tại Nghệ An: Mang mùa xuân về trên bản xa xôi - Ảnh 9.

Tết ấm tình quân dân trên bản biên giới xa xôi

Hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, hòa quyện cùng ánh đèn trang trí lung linh, đã tô thêm những sắc màu rực rỡ và mang đến sức sống mới cho làng quê nghèo vùng biên giới. Năm mới cùng niềm hy vọng tươi sáng và những khát vọng vươn lên, cây cầu không chỉ là con đường vững chắc mà còn là cầu nối với tương lai, giúp ước mơ của các em nhỏ bay cao, trở thành những nhân tài của đất nước, góp phần xây dựng một bản làng giàu đẹp và thịnh vượng trong tương lai không xa.

Được biết chương trình "Cầu nối yêu thương" là một trong nhiều hoạt động thiện nguyện vì xã hội cộng đồng được Nhựa Tiền Phong khởi xướng và triển khai từ tháng 10/2017 với mong muốn mang đến những nhịp cầu yêu thương qua những chiếc cầu nối liền đôi bờ, xây dựng con đường giao thông vững chắc cho những khu vực còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, góp phần cải thiện cuộc sống người dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt là mở ra con đường nâng bước các em nhỏ đến trường an toàn, chắp cánh bao ước mơ bay cao, bay xa.

Sau hơn 7 năm triển khai, gần 120 cây cầu mang màu xanh hy vọng đã hiện diện trên 26 tỉnh thành trên cả nước, trải dài từ vùng núi phía Bắc xa xôi đến vùng Tây sông nước với tổng chi phí lên đến gần 200 tỷ đồng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem