Nhức nhối buôn lậu từ Trung Quốc: Nầm, tim, cật...bao nhiêu cũng có

Phú Lãm Thứ năm, ngày 05/01/2017 06:20 AM (GMT+7)
“Buôn lậu vùng biên giới” là cụm từ quen thuộc thường để chỉ về nạn buôn lậu ở tỉnh giáp biên Lạng Sơn với Trung Quốc. Giáp tết, như thường lệ, nạn buôn lậu ở đây lại trở nên nhức nhối với đủ thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Bình luận 0

Những ngày cuối tháng 12.2016, phóng viên  Báo NTNN có mặt tại những điểm buôn lậu phức tạp ở Lạng Sơn. Trong vai đầu nậu tìm nguồn thịt giá rẻ cung cấp cho những nhà hàng dưới xuôi, PV đã thâm nhập vào đường dây “đánh” hàng nội tạng, đông lạnh tuồn về nội địa…

Giáp mặt ông trùm “môi giới”

img

“Ông trùm” S (ảnh chụp từ clip). Ảnh: P.L

5 giờ 30 ngày 28.12, Cảnh sát môi trường Công an TP.Hà Nội phối hợp lực lượng Thanh tra Sở NNPTNT Hà Nội bắt quả tang xe tải BKS: 89C – 12486 chở gần 1 tấn nầm lợn bất hợp pháp. Trên các thùng hàng là những nhãn hiệu Trung Quốc. Tài xế khai nhận được thuê vận chuyển từ Lạng Sơn xuống Hà Nội tiêu thụ. Toàn bộ số hàng lậu trên đã được tiến hành thủ tục tiêu hủy.

Đặt chân đến thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) trong vai một chủ nhà hàng sang trọng dưới xuôi lên “đánh” hàng, mất 2 ngày lân la hỏi thăm trên các ngóc ngách của thị trấn nổi tiếng về nạn buôn lậu, PV mới gặp được một người “đưa đường, chỉ lối” đến những “ông trùm”, “bà trùm” đang ẩn mình.

Người đưa đường cho PV là C (một “cai cửu” chỉ huy hơn 70 cửu vạn thường xuyên vác hàng lậu xuyên biên). Sau gần 1 giờ trò chuyện, “sát hạch” “chủ nhà hàng”, khi đã cảm thấy tin tưởng, C mới mở lòng giới thiệu về ông chú của mình tên S.

C quả quyết, ông S là một “ông trùm” môi giới, có khả năng bao biên, bảo kê cho nhiều mặt hàng buôn lậu qua biên trót lọt. Trong giới buôn lậu ở đây, ông S là một đại diện uy tín, đã làm ăn với S chẳng đối tác nào dám qua mặt. Theo lời C tiết lộ, ông S có mối khách ở xuôi mỗi lần lấy hẳn 25 tấn hàng đông lạnh. “Loại hàng này lấy về cứ có kho lạnh để vài chục năm cũng chả sao. Rã đông ra rồi cho thêm ít thuốc làm màu thì tươi khỏi nghĩ” - C bật mí.

Ngay sau đó, C gọi điện cho “ông chú” giới thiệu có bạn dưới xuôi lên tìm mối hàng. Lịch hẹn được đặt. Đúng 17 giờ cùng ngày hôm đó (cuối tháng 12.2016), tôi gặp được “ông trùm” S tại nhà riêng của ông. Khác với mường tượng của tôi về một ông trùm bặm trợn, phong trần, ông S là một người lịch sự, nhỏ nhẹ. “Biết” tôi là bạn của cháu mình, ông S càng thân tình tiếp chuyện.

img

   Nầm lậu Th gửi cho “chủ nhà hàng” xem. Ảnh: P.L

Sau khi nghe “chủ nhà hàng” trình bày, “ông trùm” lấy giấy bút ghi lại những món hàng tôi cần gồm: Gà, tim lợn, nầm đông lạnh. “Ông trùm” nói: “Chú không làm món này, chú buôn cái khác. Mà không lo, để điện cho đứa em là có ngay”.

Rút điện thoại, ông S gọi điện cho một người phụ nữ trẻ tên Th: “Em à, nói chuyện với khách nhé. Khách cần lấy gà đông lạnh, tim, cật, nầm. Nói chuyện qua rồi hàng chuyển về Giáp Bát. Bây giờ em nói qua, hỏi trực tiếp luôn, cần thiết anh em mình cùng chiến đấu”.

Mắt xích quan trọng

img

   Một điểm tập kết “hàng” ở bên kia biên giới. Ảnh: P.L

Mặc dù, được “ông trùm” S, bắt mối, thế nhưng “chủ nhà hàng” vẫn bị “bà trùm” Th dò xét. Qua điện thoại, bà Th khẳng định hiện tại chỉ có nầm trong kho, còn các mặt hàng khác như tim, thịt gà đông lạnh phải chờ đặt hàng phía đối tác Trung Quốc rồi chuyển về. Tôi đặt vấn đề gặp mặt để “xem hàng” và thương thảo, nhưng bà Th từ chối. Người này đưa ra phương án bàn bạc, xem hàng qua “kênh” Zalo.

Giá hàng nhập lậu: Nầm loại ngon 95.000 đồng/kg; loại thường giá 85.000 đồng/kg; gà 48.000 đồng/kg; tim lợn giá 30.000 đồng/kg.

Trở lại cuộc chuyện với “ông trùm” S, ông S khẳng định có khả năng bao biên. Sau khi “chủ nhà hàng” và bà Th đã thống nhất giá cả các mặt hàng, hợp tác làm ăn thì ông S sẽ đứng giữa lo khâu chuyển hàng qua biên từ những đường mòn hiểm trở, sau đó được “phù phép” hợp thức hóa “tuồn” về xuôi.

“Trùm” S bảo, buôn lậu phải tin tưởng nhau mới làm được. Hai bên phải lập tài khoản ngân hàng. Mỗi chuyến đặt hàng, tôi phải đặt trước ít nhất 50% giá trị chuyến hàng. Số tiền còn lại, ông S, sẽ ứng ra bảo lãnh. Ông đảm nhận lo cho hàng qua biên, việc giao hàng là trách nhiệm của bà Th. Khi hàng tới điểm nhận, khách phải chuyển trả nốt số tiền còn lại để đảm bảo những giao dịch lần sau.

Cũng theo ông S, dù có “vị thế” trong nghề, vậy mà đôi ba lần “ông trùm”cũng ăn phải “quả đắng”. Có vài chuyến hàng ông ứng tiền ra bảo lãnh, nhưng phía đầu kia không chuyển trả khiến ông mất đứt hơn 2 tỷ đồng. Bằng các quan hệ, ông S “cấm vận” đối tác dám ăn chặn tiền của ông khiến cho những người này không còn cửa “đánh” hàng lậu tại xứ Lạng.

Lại nói, quá trình tiếp cận, trao đổi thông tin qua Zalo, “bà trùm” Th lộ diện là một người phụ nữ 37 tuổi, có nhan sắc. Trẻ tuổi, Th đã lọc lõi trong nghề buôn lậu thực phẩm đông lạnh. Chị ta có lượng khách hàng đông đảo ở nhiều tỉnh thành.

Qua Zalo, Th gửi mẫu nầm đông lạnh cho tôi kèm báo giá các mặt hàng: Nầm loại ngon 95.000 đồng/kg; loại thường giá 85.000 đồng/kg; gà 48.000 đồng/kg; tim lợn giá 30.000 đồng/kg. Theo chị ta, những mức giá này đã bao gồm phí vận chuyển trọn gói về tới bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Theo tìm hiểu, với mức giá trên, Th lãi ròng một nửa giá trị thật của mỗi món hàng. Sang bên kia biên giới, Th mua thực phẩm đông lạnh với giá bèo bọt, có trời mới biết những sản phẩm trên có phải nguồn thịt thiu thối, lưu cữu lâu năm được ngâm, tẩy, bảo quản bằng hóa chất độc hại hay không?

Lấy lý do cần xem mẫu gà và tim lợn tôi yêu cầu Th gửi thêm mẫu, nhưng Th bảo: “Đận này khan hàng, tôi đang chờ phía Trung Quốc, có là gửi ngay”. Những ngày sau, tiếp tục liên lạc với Th thì chị ta bận đi Trung Quốc đánh hàng. Khi trở về, Th thông tin cho tôi mới nhập thêm 1 tấn nầm. “Khách này mỗi lần lấy vậy. Hết lại lấy”- Th nhắn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem