Những ai tuyệt đối không nên làm thủ thuật hút mỡ bụng?

Diệu Thu Chủ nhật, ngày 29/12/2019 10:57 AM (GMT+7)
Từ vụ việc một người đàn ông tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện, rất nhiều người muốn biết, những đối tượng nào không nên làm thủ thuật này?
Bình luận 0

Sau sự việc một người đàn ông tử vong khi hút mỡ tại thẩm mỹ viện Việt Hàn (địa chỉ ở ố 83 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến rất nhiều người lo lắng về thủ thuật hiện nay.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, BV E cho biết, thủ thuật hút mỡ trong tạo hình thành bụng nói chung và hút mỡ các vùng trên cơ thể (mông, đùi, eo, bắp tay …) là thủ thuật thường quy được làm trong các khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Việt Nam và trên thế giới.

img

Hiện trường một người đàn ông tử vong khi hút mỡ tại thẩm mỹ viện Việt Hàn.

Nguyên lý của hút mỡ bụng là đưa lượng dung dịch vào vùng cần hút mỡ để hút mỡ cùng dịch ra dễ dàng. Dùng que hút chuyên dụng để lấy mỡ sau khi đã đánh tan mỡ bằng cơ học, bằng sóng rung, sóng siêu âm, hoặc lazer …

Quy trình hút mỡ bụng bao gồm:

- Bệnh nhân ở tư thế nằm bộc lộ vùng cần hút mỡ

- Sát trùng vùng cần hút mỡ

- Vô cảm bằng gây tê tại chỗ hoặc gây mê

- Rạch da để đưa que hút mỡ vào (vết rạch nhỏ 3mm)

- Hút mỡ bằng que hút mỡ sử dụng nguyên lý cơ học (hoặc rung, siêu âm phá mỡ, tia nước phá mỡ, lazer để làm tan mỡ… tuỳ thuộc vào hãng sản xuất). Tuy nhiên nguyên lý cơ học vẫn là chủ yếu và đạt hiệu quả tốt

- Khâu đóng, băng ép

Về tính an toàn của thủ thuật hút mỡ, bác sĩ Minh cho biết, đây là thủ thuật khá dễ làm, tính an toàn cao, đạt hiệu quả tốt về thẩm mỹ với điều kiện là phải được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ thực hiện, phải được thực hiện tại cơ sở (bệnh viện) có đầy đủ trang thiết bị xử trí cấp cứu các tai biến như sốc phản vệ hoặc quá liều thuốc gây tê.

Các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi hút mỡ bụng

Ngộ độc thuốc tê Lidocain: Để thực hiện kỹ thuật hút mỡ thì cần có phương pháp giảm đau cho bệnh nhân đã nêu ở bước số 3 (đánh dấu đỏ), có thể là gây mê hoặc gây tê.

Nhìn chung tại bệnh viện, với kỹ thuật hút mỡ kèm theo tạo hình thành bụng hoặc hút mỡ nhiều vùng, các bác sĩ sẽ chỉ định gây mê để giảm thiểu liều lượng thuốc tê bơm tại chỗ có thể gây ngộ độc.

Đối với các cơ sở thực hiện hút mỡ bằng gây tê tại chỗ, người ta cần bơm vào vùng tiêm một loại dung dịch đặc biệt. Dung dịch này có chứa lượng Lidocain lớn nhằm giảm đau tuy nhiên rất dễ gây ngộ độc thuốc tê Lidocain có thể dẫn đến mê sảng, truỵ tim mạch là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

Để tránh biến chứng này các bác sĩ đã được đào tạo về kỹ thuật tiêm thuốc và kỹ thuật cấp cứu khi ngộ độc.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị sốc phản vệ Lidocain (ít xảy ra hơn; ổn thương các mạch máu lớn gây bầm tím hoặc tắc mạch do mỡ, tổn thương vào ổ bụng do que hút mỡ.

Đối với các nhà phẫu thuật chuyên nghiệp đây vẫn được coi là kỹ thuật an toàn, hiệu quả, nhanh chóng và không đau.

Kỹ thuật hút mỡ được chỉ định với các trường hợp sau:

- Thực hiện kèm theo tạo hình thành bụng

- Thừa mỡ dưới da

- Đối với những người thừa mỡ dươi da tại các vùng eo, hông, lưng, cánh tay, đùi, nọng cằm … nhấn mạnh là thừa mỡ dưới da. Có một số trường hợp chỉ định sai như hút mỡ bụng ở những người tích mỡ nội tạng (mỡ mạc nối lớn) đặc biệt là ở đàn ông hay có tình trạng này.

- Hút mỡ dùng để cấy ghép vào các vùng khác trên cơ thể

Hút mỡ bụng chống chỉ định đối với người dị ứng thuốc tê, tiểu đường; Huyết áp cao, hoặc các bệnh lý về tim mạch khác; Có thai, cho con bú; Tuổi cao…

BS Minh lưu ý, nhu cầu hút mỡ làm đẹp là rất chính đáng và đây là một kỹ thuật an toàn. Khi người dân đi làm đẹp thì không nên quá tin vào các quảng cáo trên mạng mà cần tới các bệnh viện có khoa thẩm mỹ để làm vì chắc chắn là kỹ thuật nêu trên chỉ được thực hiện tại bệnh viện.

Đặc biệt là không ham rẻ mà cần tìm hiểu kỹ về bác sỹ thực hiện cho mình chứ không vì quảng cáo mà không cần biết bác sĩ là ai, cơ sở có giấy phép hay không.

Hút mỡ rất đơn giản nếu đúng cơ sở và đúng bác sĩ chuyên khoa.

img

TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội.

Trong khi đó, TS. BS. Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Hà Nội, Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, nguyên nhân tử vong có thể do sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.

Theo ông, hút mỡ là thủ thuật thẩm mỹ tương đối an toàn. Thế giới cũng dùng kỹ thuật này, bất cứ vị trí nào có mỡ thừa đều có thể hút như hút mỡ ở bụng, đùi, tay, mặt, cằm…

Tuy nhiên, hút mỡ bắt buộc phải làm tại bệnh viện, nơi có đủ các điều kiệt đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, bác sĩ gây mê, cấp cứu…, không được phép làm tại phòng mạch, phòng khám thẩm mỹ, càng không được phép làm tại các viện thẩm mỹ, spa. Ngoài ra, người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có chứng chỉ, đã qua lớp đào tạo về hút mỡ bụng.

Theo vị chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ, hiện nay chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ rất “nóng” nên có rất nhiều bác sĩ tay ngang như ngoại khoa, da liễu, nội khoa cũng tham gia. Đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có thống kê những ca tai biến sau phẫu thuật hút mỡ. Tại Đức trong vòng 4 năm (1998-2002) có 66 trường hợp tai biến do hút mỡ trong đó có 1/3 số ca tử vong.

Hiện nay, tất cả các phòng mạch không được phép làm thủ thuật hút mỡ mà chỉ có các bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép mới được làm thủ thuật này.

“Phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay rất “hot” nhưng chị em hãy chọn phương án an toàn nhất cho mình”, BS Thọ khuyến cáo.

Vụ tử vong khi hút mỡ ở thẩm mỹ viện: Cơ sở làm đẹp từng bị xử phạt

“Đây là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ viện chứ không phải phòng khám. Sở Y tế không cấp phép hoạt động cho cơ sở này’,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem