“Những ai xem phóng sự về ông Chấn đều rơi nước mắt”

Thứ sáu, ngày 08/11/2013 16:17 PM (GMT+7)
ĐB Nguyễn Mạnh Cường Quảng Bình chia sẻ: Những ai đã xem phóng sự ngày trở về của ông Chấn trên VTV đều thấy thương tâm, rơi nước mắt...
Bình luận 0
Giữa nghị trường chiều qua, 7.11, bài phát biểu của ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) như một hồi chuông thức tỉnh đối với nhiều người, khi ông lấy vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn làm trung tâm của bài phát biểu. Dân Việt xin giới thiệu với ban đọc bài phát biểu này.

Dẫu biết rằng oan sai không phải là cá biệt…

Năm 2013 là năm ghi nhận rất nhiều cố gắng và thành tích của các cơ quan tư pháp, năm đầu tiên các cơ quan tư pháp thực hiện Nghị quyết 37 và đã nỗ lực hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao trong nghị quyết, nhưng đồng thời đây cũng là năm xảy ra hoặc phát hiện ra những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các cơ quan tư pháp.

Vụ việc mới xảy ra gần đây, ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang bị kết án tù chung thân oan sai đã gây chấn động, bức xúc trong dư luận, những ai đã xem phóng sự ngày trở về của ông trên VTV đều thấy thương tâm, rơi nước mắt.

Đây cũng không phải là vụ án oan duy nhất mà trước đó cũng đã có nhiều vụ án oan mà người bị oan, bị kết án tới mức chung thân hoặc tử hình như vụ Bùi Minh Hải ở Đồng Nai, Trần Văn Chiến ở Tiền Giang, Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh. Dẫu biết rằng án oan sai không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam mà nó tồn tại cả ở những nước phát triển có nền tư pháp mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)

Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng hậu quả mà nó gây ra là vô cùng nghiêm trọng, nó không chỉ gây mất mát về thể chất tinh thần, sự nghiệp, gia đình không thể bù đắp được đối với người bị oan mà vấn đề nghiêm trọng không kém là nó làm mất lòng tin của xã hội, người dân đối với cơ quan tư pháp, đối với hệ thống tư pháp, nó có thể làm đổ vỡ mọi thành tích cố gắng mà các cơ quan tư pháp đạt được. Tôi đánh giá rất cao sự thẳng thắn, khẩn trương, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo đứng đầu các cơ quan tư pháp trong giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, qua vụ việc này mặc dù là một vụ việc cá biệt, nhưng tôi cho rằng đã đến lúc Quốc hội, các cơ quan tư pháp rất cần một sự nhìn nhận thật sự nghiêm túc, khách quan về hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp, sớm có những điều chỉnh thay đổi cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Tôi đồng ý với đánh giá của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi trả lời phỏng vấn báo chí là quy định pháp luật tố tụng hình sự nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ và cụ thể. Cho nên, nếu để xảy ra oan sai thì đó là điều rất đáng tiếc và phải điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan sai, xác định trách nhiệm xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố xét xử oan.

Tôi cho rằng pháp luật tố tụng hình sự của chúng ta có thể còn có những khiếm khuyết, nhưng cơ bản là phù hợp, vấn đề chủ yếu ở đây là tổ chức thực hiện pháp luật, là nhận thức pháp luật, là tuân thủ quy trình thủ tục tố tụng hoàn toàn không có ý định lấy một vụ án cụ thể để đánh giá cả một hệ thống cơ quan tư pháp vì như vậy là không hợp lý. Nhưng tôi nhận thấy những hạn chế mà trong vụ án này thì có nhiều nét chung so với những hạn chế vẫn còn tồn tại ở trong hệ thống tư pháp.

Đạo đức của điều tra viên cũng không kém gì y đức


Qua vụ việc nêu trên, chúng tôi cho rằng những vấn đề sau đây rất cần quan tâm. Thứ nhất là những vấn đề liên quan tới hoạt động tố tụng thì chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm, đề cao nhận thức về trách nhiệm của chính những người tiến hành tố tụng là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác thì họ phải có trách nhiệm quán triệt đầy đủ các nguyên tắc của tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra, tòa án, kiểm sát trong việc xác định sự thật vụ án một cách khách quan, đầy đủ, có trách nhiệm.

Không chỉ làm rõ những chứng cứ xác định có tội mà còn phải làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội. Tuy nhiên, trên thực tế trong rất nhiều trường hợp chúng ta cũng chỉ quan tâm chủ yếu đến những chứng cứ và xác định có tội chứ phần những chứng cứ xác định vô tội là rất ít được quan tâm. Trong vụ án này cũng thể hiện rất là rõ hoặc những nguyên tắc suy đoán vô tội, một vấn đề mà chúng ta đề xuất trong Hiến pháp, nếu mà cũng được quán triệt thì oan sai nó sẽ hạn chế xảy ra.

Liên quan tới những vấn đề đánh giá trách nhiệm, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC trong vụ việc này. Tuy nhiên tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng đây là một hành động rất dũng cảm. Nếu như chúng ta thấy oan sai phải dũng cảm mới kháng nghị được thì tôi nghĩ rằng có nói như thế sẽ không thuyết phục với người dân. Đây là phải là trách nhiệm, đây phải là nghĩa vụ, oan sai rõ ràng như vậy thì phải là trách nhiệm kháng nghị chứ không thể nói là dũng cảm.

Một vấn đề nữa là trong báo cáo của Ủy ban tư pháp thì cũng đã nêu lên những hạn chế trong hoạt động điều tra liên quan tới các hoạt động thu thập, xác minh đánh giá căn cứ. Theo quy trình thủ tục thì tôi cũng nhận thấy ở vụ án này nếu như đúng theo dư luận báo chí thì yếu tố ép cung là vấn đề mà chúng ta cần phải làm rõ. Nó có phải là hiện tượng cá biệt hay không cá biệt rồi cộng với những tiêu cực khác mà qua dư luận phản ánh rất nhiều. Đó là những vấn đề mà nó có thể làm sai lệch việc giải quyết vụ án. Trách nhiệm của Viện KSND đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra chưa, đã đề ra các yêu cầu điều tra chưa và chúng tôi tin tưởng rằng nếu như Viện kiểm sát làm hết trách nhiệm của mình thì không thể nào dẫn đến việc mà ép cung.

Cái việc ép cung lớn như vậy, nó không phải là cái kim mà chúng ta có thể giấu được mà chúng ta không biết. Vấn đề đặc biệt quan trọng ở đây là vấn đề vai trò tham gia của luật sư, luật của chúng ta quy định rất rõ ràng luật sư được tham gia tố tụng từ khi tạm giữ hoặc là khi khởi tố bị can. Nhưng trên thực tiễn việc tạo điều kiện thật sự cho luật sư tham gia trong hoạt động tố tụng vẫn còn hạn chế, điều đó cũng ảnh hưởng tới việc bảo đảm vấn đề oan sai.

Các vấn đề ở đây là vấn đề vai trò bình đẳng giữa bên buộc tội với bên gỡ tội, vấn đề tranh tụng ở tại các phiên tòa, các ý kiến của luật sư có được đại diện Viện kiểm sát đối đáp hay không và Tòa án có thực sự căn cứ vào kết quả tranh luận để đưa ra các phán quyết của mình hay không. Tất cả những vấn đề này chúng tôi nghĩ rằng nếu làm tốt thì đã không để xảy ra những oan sai. Những vấn đề liên quan đến cả quyền tạm giữ, tạm giam của bị can, bị cáo và trong trường hợp này chúng tôi thấy rất mừng là ông Chấn cũng đã được Ban giám thị trại giam tạo điều kiện giúp đỡ trong việc đưa các đơn khiếu nại, tố cáo vì vậy tránh được oan sai.

Những vấn đề liên quan tới tổ chức bộ máy, ở đây có vấn đề về trình độ của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, những vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên cũng không kém gì y đức vì họ là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác.

Những vấn đề liên quan tới biên chế, áp lực công việc nó có ảnh hưởng đến những quyết định tố tụng hay không? Cũng cần phải đánh giá cả những mặt tích cực và những mặt tiêu cực của Nghị quyết 37, những vấn đề liên quan tới công khai minh bạch.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) ( ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem