Những bức tranh giá ngàn đô của hoạ sĩ vẽ bằng... miệng

Trung Lang (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 16/08/2014 10:20 AM (GMT+7)
Dù bị liệt cả tứ chi, cơ thể gần như không thể cử động được ngoài cái đầu, nhưng với nỗ lực của bản thân, anh Tâm đã kiên trì học vẽ và trở thành một họa sĩ Orally (vẽ bằng miệng). Những bức tranh của anh được mang ra nước ngoài bán với giá có bức lên tới cả chục ngàn đô. Trong suốt 8 năm làm họa sĩ anh nhận được khá nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước với những nét vẽ bằng miệng.
Bình luận 0
Đó là anh Đỗ Minh Tâm (SN 1973, quê Thanh Hóa) hiện đang sống và làm việc tại Trung tâm Chắp Cánh số 19A, đường số 1, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP.HCM.

Những bức tranh giá ngàn đô

Hỏi về bí quyết thành công khi vẽ bằng miệng họa sĩ Tâm cho biết: “Ai cũng có thể vẽ được, nhưng để có một bức tranh có hồn, người vẽ phải tự đưa hồn mình vào trong đó. Tôi vẽ bằng hết ý chí, nghị lực của mình, bằng cả trái tim”. Anh cho biết vừa sao chép, vừa tự sáng tác, trong 8 năm làm họa sĩ đã vẽ được gần 100 bức. Một bức tranh vẽ nhanh nhất cũng vài ba tháng, có những bức tranh được vẽ trong suốt 4 năm trời mới hoàn thành.
img Họa sĩ Đỗ Minh Tâm người chuyên vẽ bằng miệng.

Tuy nhiên, việc vẽ đối với một người khuyết tật như anh không đơn giản như người bình thường. “Cắn cây cọ hàng giờ trong miệng, hàm răng gần như tê buốt, hai quai hàm không thể nào cử động bình thường. Đó là chưa kể, vừa ngậm bút vừa suy nghĩ khiến thần kinh trở nên căng thẳng, co giật liên tục. Những lúc như thế, tôi buộc phải bỏ giữa chừng dù ý tưởng đang dồn dập” họa sĩ nói. Đến hôm nay, dù đã quen nhưng sau vài giờ ngậm bút, họa sĩ phải nhờ đến sự chăm sóc của các bác sĩ ở phòng vật lý trị liệu.

Những bức tranh giá ngàn đô của anh được bày bán ở nước ngoài, hầu như anh không hề biết tới. Anh chia sẻ: “Tôi không biết bức nào bán bao nhiêu cả, một số người đến đây mua tranh của tôi với giá vài triệu đồng sau đó đem ra nước ngoài bán. Nghe mấy người ở trung tâm nói có bức bán tới 9.000 đô la. Có một bức tôi bán cho Ngân hàng ACB để làm từ thiện, họ cũng mang ra nước ngoài bán với giá 120 triệu đồng, bức tranh này tôi biết vì họ có báo giá lại cho tôi”.

Bức tranh đầu tiên anh bán cho một Việt kiều tại cuộc triển lãm ở Nhà hát Thành phố với giá 10 triệu đồng. Những bức tranh còn lại được treo ở trung tâm có giá không dưới 5 triệu đồng. Nói về bức tranh giá 9.000 đô được bán ở nước ngoài, họa sĩ Tâm kể: “Việc này tôi biết thông qua người mua được bức tranh là một Việt kiều Ý. Ông ta kể, bức tranh ấy đã được bày bán qua nhiều nước ở châu Âu. Khi ông ấy bắt gặp đã mua ngay và tìm đến tận trung tâm để gặp tôi. Ông ta bảo tôi nên bán tranh và ý tưởng trong tranh với giá cao vì nó rất xứng đáng. Nhưng với tôi, dù rẻ hay mắc, người ta yêu tranh tôi là vui lắm rồi. Từ một người tật nguyền mà làm nên chuyện là tôi đã mãn nguyện”.

Họa sĩ đặc biệt này không còn một người thân nào khi mẹ nuôi qua đời vào năm 2013. Người chị con ruột của ba mẹ nuôi sống tận ngoài Thanh Hóa trong một cuộc đời khốn khó. Từ năm 2001 tới nay vì điều kiện đi lại, anh mới chỉ về quê được 1 lần do Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức

Cơ duyên từ thảm họa

Anh kể: “Tôi sinh ra không phải là người khuyết tật. Nhưng rồi sau một vụ tai nạn giao thông, cả thân thể này không còn cử động được nữa. Mãi gắn liền với chiếc xe lăn điện và cái đầu ngúc ngắc. Mọi sinh hoạt hàng ngày phải nhờ tới điều dưỡng trong trung tâm”.

 Lúc còn bé, anh chỉ là một đứa trẻ mồ côi bị cả cha lẫn mẹ vứt bỏ ngoài đường và được một trung tâm bảo trợ trẻ em cưu mang cho đến ngày một gia đình giáo viên ở Thanh Hóa nhận nuôi. Sau khi học hết phổ thông, gia cảnh khốn khó, anh xin vào quân ngũ. Nơi anh đóng quân là những con tàu vượt biển vận chuyển nhu yếu phẩm ra Trường Sa.
Năm 2008, bức tranh đầu tay của anh được đưa đi triển lãm trên toàn thế giới với đề tài tài nguyên và môi trường. Năm 2010 anh được giải nhất cuộc thi hội họa do Chính phủ Đức và Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam tổ chức. Năm 2013, lọt vào top 40 trong cuộc thi “vẽ chân dung trừu họa.

“Xuất ngũ, một mình tôi vào Sài Gòn kiếm sống với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Thời gian này tìm việc làm rất khó nên tôi làm đủ thứ nghề, từ khuân vác, sửa điện, nước, phụ quán ăn. Ai thuê gì có tiền là tôi làm ngay. Năm 2001, tôi bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi về nhà trọ” - họa sĩ Tâm nhớ lại. Vụ tai nạn khiến anh bị liệt tứ chi, liệt cột sống, khiến cuộc sống anh sụp đổ. Không bà con, không một người thân trong đất Sài thành, anh được bạn bè chăm sóc một thời gian dài tại bệnh viện nhưng rồi cũng không đủ khả năng nuôi tiếp.

Từ bệnh viện, họa sĩ  Tâm được bạn bè đưa đến trung tâm chắp cánh. “Hồi mới bị tai nạn, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến cái chết. Nhìn bạn bè có vợ con, tự do đi lại, còn mình thì không người thân, suốt ngày chỉ làm bạn với chiếc xe lăn, nhiều lúc chỉ  muốn kêu gào. Ban đầu là xe lăn tay, muốn đi lại được tôi phải nhờ người đẩy, nay có xe lăn điện dù khó khăn lắm nhưng cũng tự đi lại được” - họa sĩ Tâm nói.

Nhưng rồi không hiểu sao, định mệnh lại đưa anh đến với phòng vẽ của trung tâm. Anh kể: “Suốt 4 năm trời, không làm việc gì, chỉ ăn bám của trung tâm. Tôi chán nản nên tìm đến phòng tranh để giết thời gian. Tại đây, cũng để giết thời gian tôi tập tành những nét vẽ đầu tiên bằng... miệng. Ban đầu rất khó, vì cây cọ dài không thể điều khiển như ý mình muốn được. Thậm chí một nét kẻ thẳng đã khó chứ nói gì đến chuyện vẽ vời”.

Nhưng rồi định mệnh lôi kéo, anh bắt đầu thích vẽ. Được sự chỉ dẫn của những họa sĩ tại trung tâm, mất một năm trời học vẽ chân dung, anh đã có thể tự mình đặt những nét vẽ đầu tiên trên trang giấy. Từ năm 2006, anh trở thành một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng, sơn dầu bằng miệng. Tính đến nay, anh đã vẽ hàng trăm bức tranh với giá bán có khi lên đến ngàn đô mỗi bức. Sự nỗ lực để có được một thành công là điều không thể tưởng với một người khuyết tật như anh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem