Những bước đệm thúc đẩy kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2025

Vũ Khoa Thứ tư, ngày 29/01/2025 13:41 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, để tiếp đà tăng trưởng của năm 2024 và bứt tốc mạnh mẽ vào năm 2025, bên cạnh thúc đẩy các khối kinh tế FDI đã có đóng góp lớn, cần bổ sung thêm thị trường còn tiềm lực ẩn, và tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế và có các chính sách ứng phó linh hoạt, kịp thời.
Bình luận 0

Năm 2024, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, nhưng kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra. 

Bắt tay vào thị trường tín chỉ carbon

Ngày 24/1/2025, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Đề án có mục tiêu tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động với biến đổi khí hậu.

Theo đó, thị trường carbon tại Việt Nam sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Hàng hoá trên thị trường carbon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Việc tổ chức giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch carbon. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch.

Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện đáp ứng cung ứng dịch vụ.

 Những bước đệm thúc đẩy kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2025- Ảnh 1.

Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phân công các Bộ, ngành, cơ quan triển khai thực hiện. Bao gồm nhóm các nhiệm vụ về hàng hoá, chủ thể tham gia, hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch, tổ chức vận hành, nâng cao nhận thức tăng cường năng lực.

Đặc biệt, ngay trong năm 2025, các Bộ, ngành cần triển khai ngay 18 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, một số nhiệm vụ đáng chú ý như nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền quy định về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kinh cho đối tác nước ngoài, quốc tế trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon.

Xây dựng quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường. Đồng thời xây dựng quy định về tổ chức vận hành thị trường carbon.

Trước đó, các bộ TNMT, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã hoàn thành quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phải thải và kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý. Cùng đó, Bộ TNMT đã hoàn thành quy trình thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và cấp lĩnh lĩnh vực.

"Thổi hồn" vào khối kinh tế tư nhân

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Đại biểu Quốc hội Bình Dương) cho rằng, GDP năm 2024 tăng trưởng cao, nhưng mới có đóng góp chủ yếu ở khu vực công và FDI. Nghĩa là tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn. Như vậy, nếu kích thích khu vực tư, hoàn toàn có thể tạo ra động lực mới để phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Tất nhiên cần có định hướng rõ ràng, tập trung cụ thể vào những ngành nghề nhất định nào khi kích thích tăng trưởng khu vực tư. Bởi khối tư nhân bao gồm cả doanh nghiệp về nông nghiệp, công nghiệp và ngành hàng xuất khẩu.. nên cần đề án rõ nét.

 Những bước đệm thúc đẩy kinh tế Việt Nam bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2025- Ảnh 2.

Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng khu vực kinh tế tư nhân là một yếu tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tới. Do đó, kỳ vọng Trung ương sẽ sớm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, thậm chí là ban hành chiến lược mới về phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay. Song song với đó, cần rà soát các luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi đây là một lực lượng đông đảo, chiếm đến 97 - 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, thị trường bên ngoài đang được dự báo không xấu hơn năm 2024, nhưng cũng không tốt bằng. Theo phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung, để đạt tốc độ hai con số, cùng với việc xốc lại tinh thần kinh doanh, tinh thần công việc để thôi thúc phát triển động lực từ bên trong.

Đó là đầu tư công phải tăng mạnh, việc cải thiện các thủ tục cũng phải để các dự án chuyển tiếp, các dự án khởi công mới được đảm bảo thuận lợi, nhất là trong bối cảnh các cơ quan đang thực hiện sắp xếp bộ máy. TS Nguyễn Đình Cung cũng đặc biệt nhấn mạnh khu vực đầu tư của khu vực tư nhân phải nhanh chóng trở lại, phải đạt được tốc độ tăng trưởng hai con số như nhiều năm trước.

Khai mở dòng tiền mã hoá

Theo Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung, hiện dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đang được thảo luật rất nhiều phiên tại Quốc hội là một tín hiệu tích cực. Khi Luật này được ban hành sẽ thúc đẩy, mang tính tham chiếu đến nhiều lĩnh vực và từ khoá quan trọng AI, IoT, Bán dẫn,... Trong đó, tài sản số là từ khóa quan trọng tác động vô cùng lớn tới hệ thống luật pháp Việt Nam.

Hằng năm dòng chảy tài sản mã hóa vào Việt Nam từ 2022 tới nay đều trên 100 tỷ USD một năm, theo báo cáo của tổ chức Chainalysis. Đây rõ ràng là một dòng chảy kinh tế ngầm cần được nhận diện và kiểm soát những mặt tiêu cực và thúc đẩy những yếu tố tích cực để đưa vào nền kinh tế chính thức của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình khơi thông cần phải thận trọng để đem lại sự tích cực, tránh nguy cơ gây mất ổn định an ninh tiền tệ.

Một điểm đáng chú ý nữa cần nhắc tới, Việt Nam là quốc gia hiện đang đứng thứ ba toàn cầu về Chỉ số chấp nhận tài sản mã hoá (năm 2023, theo Chainalysis) và đứng thứ 7 thế giới về dân số sở hữu tài sản mã hoá (năm 2024), nằm trong 30 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hoá cao nhất. Điều này cho thấy lợi thế lớn về động lực tạo dòng tiền, và là cơ sở cần thiết để thấy rằng cần thị trường tài sản số hoá phải được kiểm soát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem