Những người không... mong Tết
Xuất phát từ đỉnh Pá Quăn (Trung Lý, Mường Lát), với chiều dài chỉ 40km, nhưng phải mất hơn nửa ngày, chúng tôi mới chạm chân đến đất Tà Kóm.
Khu Tiểu học Tà Kóm nằm sát bên triền sông Mã. Vì là khu lẻ của Trường Tiểu học Trung Lý II, nên chỉ có hai thầy giáo ở đây. Khi thấy chúng tôi vào thăm trường, thầy giáo Phạm Văn Cảnh, quê ở huyện Ngọc Lặc và thầy Đinh Xuân Trường, quê ở huyện Quảng Xương đã rơm rớm nước mắt.
Thầy Trường bảo: "Em lên đây 6 năm rồi, đây là lần đầu tiên thấy nhà báo ở dưới xuôi vào thăm trường!". Thầy Cảnh vồn vã: "Hôm nay, học sinh về sớm, thầy Trường lại mệt, nên bọn em ăn mì tôm thôi. Có lẽ các anh mệt và đói rồi, để em đi nấu cơm mời các anh ăn".
Nghe Cảnh nói vậy, tôi đề nghị xin bát mì tôm ăn cho đỡ đói, vì không muốn phiền các thầy. Thế nhưng, Cảnh gạt lời tôi đi, rồi chạy ra dắt xe, nổ máy phóng thẳng lên dốc. Hóa ra, Cảnh phải đi 5 cây số, mới mua được mấy quả trứng vịt về để "chiêu đãi" khách.
Trong lúc ăn cơm, nghe hỏi về cuộc sống ở đây, thầy Trường trầm ngâm một lúc, rồi nói: "Cả năm không sao, vì quen rồi anh ạ. Nhưng, những ngày này là những ngày buồn và nhớ nhà nhất".
Càng gần những ngày áp Tết, học sinh đến lớp càng không đủ sĩ số. Các thầy luôn phải tranh thủ đến từng nhà trong bản động viên phụ huynh cho con em đến lớp. Nhưng rồi, dù thầy giáo có đến nhà gọi học sinh, cũng chỉ tương đối mà thôi. Bởi lẽ, bà con ở đây vẫn đón Tết khá dài (khoảng 1 tháng). Vì vậy, có năm còn nửa tháng nữa mới đến Tết nhưng học sinh đã lục tục nghỉ. Sau Tết, chuyện thiếu vắng học trò là khá phổ biến.
Ở khu lẻ Tà Kóm, hai thầy Cảnh và Trường phải lên lớp ngày hai buổi. Học sinh ở đây có 60 em, (đều là người Mông), được chia thành 3 lớp, gồm 5 trình độ (từ lớp 1 đến lớp 5), trong đó 2 lớp ghép 1+3 và 4+5. Những buổi lên lớp, hai người đều tự lo phần việc của mình, không ai phải tị ai.
Truân chuyên giáo viên... "cắm bản"
Nhiều đêm, nằm ở vùng rừng núi heo hút này, Quế đã thức trắng vì nhớ nhà, nhớ con. Nhưng rồi, tất cả cũng vì cuộc sống và tình yêu nghề. Nhiều lúc, Quế cũng muốn xin chuyển công tác về xuôi, để có điều kiện chăm lo cho gia đình và hai đứa con thơ, nhưng nghĩ đến những đứa trẻ ở đây, cô lại không đành lòng.
Cũng như hai thầy Cảnh và Trường, cô Trịnh Kim Quế, quê ở TP. Thanh Hóa lên Mường Lát dạy học từ năm 2004. Bàn chân Quế đã đặt đến những điểm trường xa xôi, khó khăn nhất của huyện biên giới này, như: Sài Khao, Tây Tiến (xã Mường Lý) 5 năm, sau đó, Phòng Giáo dục lại điều cô về khu lẻ như: Cánh Cổng, Cá Dáng, Pa Búa và Cò Kài (thuộc Trường Tiểu học Trung Lý 2).
Hôm chúng tôi lên thăm, cô giáo Quế vừa đi tăng cường ở khu Cánh Cổng (giáp Tà Kóm) về Co Kài. Nhìn thấy đồng hương ở TP lên, cô Quế mừng quýnh cả lên, hỏi thăm đủ điều ở dưới đó chuẩn bị đón Tết như thế nào?
Rồi bỗng nhiên Quế sụt sùi: "Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết ông Táo rồi. Em thấy các anh lên, em vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít. Vui vì hôm nay được gặp, nói chuyện với các anh, nhưng buồn vì sau khi các anh về rồi... bọn em lại như cũ mà thôi" - Quế tâm sự.
Nghe Quế nói vậy, tôi cũng chỉ biết động viên cô hãy cố gắng lên, vì nếu không có những người như cô Quế, thầy Cảnh, thầy Trường... thì không biết học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ như thế nào. Trong câu chuyện với tôi, cô giáo Quế kể rằng: Sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng cũng vì yêu nghề nên Quế tình nguyện lên Mường Lát từ năm 2004. Hiện nay, hai đứa con (bé lớn học lớp 4, cu nhỏ chuẩn bị vào lớp 1) đang phải gửi ông, bà ngoại chăm sóc.
Ở khu vực này, hiện nay đời sống của bà con đang vô cùng khó khăn. Điện lưới chưa có, sóng điện thoại cũng không, giá cả các loại mặt hàng lương thực thực phẩm đều ở mức "siêu cao". Nếu muốn cải thiện bữa ăn, giáo viên phải cử một người đi ngược ra chợ ở dưới xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa (cách bản Co Kài) hơn 20km để mua. Khi hỏi chuyện quà Tết của địa phương cho giáo viên cắm bản Quế cho biết, ở Mường Lát 6 năm rồi, nhưng chưa bao giờ nhận một món quà gì vào ngày Tết.
Có lẽ, nếu cứ ngồi hỏi chuyện của các thầy, cô giáo "cắm bản" ở huyện Mường Lát, chắc không bao giờ kể hết được những nỗi vất vả, truân chuyên trong cuộc sống của họ. Chúng tôi rời bản Co Kài, khi hai bên sườn núi, những bông hoa đào, hoa mận đang xòe cánh, đua nhau khoe sắc trong gió xuân. Và, tôi nghĩ, bao giờ để những giáo viên "cắm bản" mong Tết đến sớm(?!).
Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.