Những cái sai của VPF và VFF

Thứ hai, ngày 20/02/2012 11:48 AM (GMT+7)
Dân Việt - Sau khi có kết luận của thanh tra Bộ VH-TT&DL, VPF ngay lập tức đã gửi khiếu nại. Nhìn lại cuộc chiến bản quyền truyền hình, xét cho cùng thì có vẻ như dù ít hay nhiều, các bên liên quan đều có lỗi!
Bình luận 0

Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL về hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) 2011-2030 khẳng định bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG là đúng pháp luật. Bản kết luận của thanh tra vừa được công bố đã đóng vai trò như một “trọng tài” đứng ra phân xử theo luật định để biết rằng ai đã làm đúng và đã làm sai trong thời gian vừa qua!

img
Ông Nguyễn Đức Kiên và ông Nguyễn Trọng Hỷ trong một cuộc họp trước khi VPF ra đời

Cái sai đầu tiên của VPF dễ nhận thấy là họ luôn khẳng định rằng bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG không đúng pháp luật.

Ông bầu Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch HĐQT VPF cũng đã chia sẻ với báo chí rằng ngay từ khi bản hợp đồng được ký, trong một năm trời, ông Kiên đã không ít lần lên tiếng. Nhưng những ý kiến của ông Kiên và dư luận lúc đó cũng chỉ là về thời hạn và giá trị của hợp đồng. Khi lên nắm VPF và có quyền điều hành các giải đấu, bầu Kiên và lãnh đạo VPF đã khẳng định bản hợp đồng này sai về mặt pháp lý. 

Cuối cùng thì kết luận chính thức của Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng đã có và bản hợp đồng được ký giữa VFF và AVG không sai như bầu Kiên, bầu Thắng, VPF đã nói. Tuy vậy, VPF vẫn không chịu thua và tiếp tục khiếu nại.

Nhưng trong thời gian chờ đợi phán quyết của các cấp cao hơn thì bản kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng là một khẳng định, một minh chứng cho thấy rằng, ông Kiên và VPF đã sai khi nói bản hợp đồng của VFF và AVG trái luật.

Cái sai tiếp theo của VPF chính là ở sự nóng vội trong việc xác định “việc cần làm ngay” là lao vào đòi bản quyền truyền hình, trong khi vấn đề nóng hơn là chuẩn bị tốt nhất cho công tác điều hành của mùa giải mới đã được VFF ủy quyền. 

Chỉ hai tuần sau Đại hội cổ đông lần thứ nhất, bầu Kiên với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT VPF đã ký gửi công văn đến các đài truyền hình với nội dung cho phép các đài tự do vào sân ghi hình, phát sóng các trận đấu. Khi gửi một công văn như thế, rõ ràng VPF đã phủ nhận toàn bộ bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Đây được coi là phát súng đầu tiên khơi dậy “cuộc chiến” bản quyền truyền hình của bầu Kiên nói riêng và VPF nói chung.

Tại sao VPF vừa mới thành lập, lại không lo công việc chính là tổ chức giải đấu mà lại chọn vấn đề bản quyền truyền hình làm “cuộc chiến” đầu tiên? Tại sao VPF chưa có bất cứ một sự chuyển quyền nào từ VFF đã vội “cấp phép” cho các đài khác tự do vào sân ghi hình?... Đó là rất nhiều câu hỏi mà dư luận đã đặt ra, phần nào khiến cho hình ảnh của VPF như một vị “cứu tinh” cho bóng đá Việt Nam đã dần bị nhạt đi!

Hai cái sai này của VPF đã nối tiếp nhau, khiến cho cuộc chiến bản quyền truyền hình mà họ đã khơi lên ngày càng rối ren và thực tế những khẳng định của các cơ quan chức năng, trước mắt là của Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã không ủng hộ VPF. 

Chắc hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi rằng trong việc này đâu chỉ có VPF là sai? Tất nhiên, VFF là đơn vị đã làm sai rất nhiều, và những cái sai “cố hữu” đó thì không ai còn “hứng” nhắc đến nó nữa. Cũng nên nhớ, VFF là đơn vị chủ quản của VPF, vì thế khi VPF “ngỗ ngược” làm sai thì VFF cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem