Người dân ở đây, lớp người đi trước nhắc lớp sau phải cùng nhau gắng sức làm theo những lời Bác đã dặn trong lúc về thăm quê hương mình.
“Đại phong” ngày ấyNhắc đến cái tên “Hợp tác xã Đại phong”- danh hiệu dẫn đầu về phát triển kinh tế nông nghiệp thời kỳ thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Đức Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Yên Trường như phấn chấn hẳn lên, ông bảo: “Danh hiệu ấy do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên dương và công nhận “HTX Yên Trường là Đại phong”.
Bởi lẽ, vào đầu thập kỷ 60, phong trào hợp tác hóa phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Chỉ trong hơn hai năm (từ tháng 8.1958 - 3.1961), Yên Trường đã hoàn thành việc xây dựng HTX từ bậc thấp phát triển lên thành bậc cao quy mô toàn xã và là đơn vị dẫn đầu của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa thời bấy giờ”.
Cụ Trịnh Gia Vân (nguyên xã đội trưởng) đang hồi tưởng lại những kỷ niệm khi Bác Hồ về thăm Yên Trường.
Giở lại những trang sử hào hùng của Yên Trường, ông Nghĩa cho hay: Khi xã Yên Trường được thành lập, lúc ấy số người được đi học ít, đời sống dân trí thấp kém, lạc hậu, xã chưa có trường học, chỉ có một số lớp Bình dân học vụ.
Thời bấy giờ, Yên Trường cũng chưa có nhà trạm xá, các cơ quan, đoàn thể của xã chưa có nhà làm việc phải nhờ vào nhà dân. Sau cải cách ruộng đất dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân Yên Trường đã từng bước xây dựng quê hương với cách tổ chức sản xuất từ các hình thức hợp tác đầu tiên được hình thành với các tổ vần công, đổi công…
Ngay từ khi hình thành tổ chức, HTX Yên Trường đã bắt tay ngay vào việc cải tạo đồng ruộng làm phân bón, làm thủy lợi, chỉ trong 2 năm 1960 - 1961, đã đào đắp hàng vạn mét khối đất để đắp đường, xây dựng hệ thống mương tưới gần 20 km, tạo điều kiện cho việc thâm canh tăng năng suất, tăng vụ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, Yên Trường đã quy hoạch các khu vực manh mún, chia cắt thành các khu lớn có bờ vùng, bờ thửa thuận lợi cho tưới tiêu canh tác.
Phong trào trồng cây phát triển (chỉ trong 2 năm 1960 - 1961), toàn xã đã trồng hơn 1 vạn cây ăn quả, cây lấy gỗ. Phong trào văn hóa - văn nghệ và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ có nhà ngói sân gạch nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới…Vì vậy, ngày 11.12. 1961, Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Ký ức về Bác của người xã đội trưởng Theo chân ông Lê Văn Hưng - cán bộ Văn hóa xã, chúng tôi tìm đến gia đình cụ Trịnh Gia Vân, nguyên Xã đội trưởng xã Yên Trường, ở thôn Thạc Quả (Yên Trường). Cụ Vân năm nay đã bước sang tuổi 83, vẫn còn minh mẫn, hoạt bát. Khi nghe nhắc chuyện Bác Hồ về thăm Yên Trường vào năm 1961, cụ Vân như phấn khích hẳn lên. Lục lại những dòng ký ức ấy, cụ Vân kể cho chúng tôi nghe rõ ràng, rành mạch từng chi tiết.
Cánh đồng hoa ở Yên Trường đang mở hướng làm giàu cho người nông dân.
“Sự kiện Bác Hồ về thăm Yên Trường, ngày ấy là một kỷ niệm không bao giờ tôi quên được. Hôm ấy, hơn 8 giờ sáng Bác đến, có đồng chí ủy viên Trung ương Đảng và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đi. Cả biển người reo hò như sấm dậy. Nhìn Bác khoan thai bước đi giản dị trong bộ áo gụ kiểu nông dân, mọi người cũng cảm động.
Mở đầu bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong xã, Bác nói: Trước hết Bác gửi lời thăm hỏi các cụ phụ lão, bà con xã viên HTX Yên Trường và các HTX xung quanh. Rồi Bác hỏi thăm chị em công nhân đang làm việc ở công trường thủy lợi và các cháu thiếu nhi.
Trong cuộc mít tinh, ai nấy đều chăm chú lắng nghe từng lời Bác nói, sau khi biểu dương những thành tích địa phương đã đạt được, Bác nêu lên những thiếu sót của HTX và những việc cần làm như: Nâng cao thu nhập cho xã viên, thực hiện nam, nữ bình đẳng, thực hiện dân chủ rộng rãi, nhất là về tài chính phải công khai và phân minh, sổ sách phải rành mạch, thu chi bao nhiêu phải báo cáo rõ ràng cho xã viên biết, tài chính không công khai sẽ ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ của HTX.
Bác kết luận làm được như vậy thì trong 2 năm nữa HTX ở đây phát triển bằng 2 hiện nay, đời sống xã viên được cải thiện hơn nữa…
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Yên Trường, đồng chí Bí thư Đảng ủy đọc lời hứa trước Bác, tất cả mọi người điều đồng thanh hứa trước Bác và quyết tâm làm theo lời Bác dạy. Sau buổi nói chuyện, Bác đi thăm một số nhà dân và lớp học.
Tôi nhớ, trước lúc lên máy bay trực thăng, Bác còn ân cần dặn dò đồng chí Bí thư Đảng ủy, là: Phải chú ý lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. Bác nói: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho toàn dân già, trẻ, gái, trai được ăn no, mặc ấm, được học hành và làm cho đời sống được hoàn toàn đầy đủ, sung sướng hạnh phúc”- cụ Vân hồi tưởng lại.
… và Yên Trường hôm nayChia tay cụ Vân, tôi được cán bộ Hưng dẫn đi thăm cánh đồng hoa và một số mô hình phát triển kinh tế của Yên Trường. Trên cánh đồng hoa ở thôn Thạc Quả 2, chị Trịnh Thị Thọ cứ cười bẽn lẽn, từ chối khi nghe tôi đề nghị được chụp ảnh mô hình trồng hoa của gia đình.
Ôm bó hoa vừa hái trên tay, chị Thọ bảo, cánh đồng hoa ở thôn Thạc Quả 2 này là do UBND xã quy hoạch để người dân phát triển kinh tế. Trước đây, toàn bộ khu này người dân trồng lúa và rau màu, nhưng vì năng suất không cao, nên khi xã có chủ trương quy hoạch trồng hoa, nhà chị đăng ký trồng gần 0,5 héc ta. Trồng hoa bận rộn hơn trồng lúa, nhưng thu nhập cũng khá hơn nhiều.
Theo lời ông Nghĩa, tổng diện tích quy hoạch vùng trồng hoa có 4 ha. Sát
đó, xã cũng quy hoạch thêm 3 ha đất để trồng rau sạch. Giá trị kinh tế
của mỗi hecta đất trồng hoa ở Yên Trường hiện nay đã đạt trên 300 triệu
đồng/năm. Đây là một cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp
đạt hiệu quả cao của Yên Trường.
|
Theo lời ông Nghĩa cho hay, tổng diện tích quy hoạch vùng trồng hoa có 4 ha. Sát đó, xã cũng quy hoạch thêm 3 ha đất để trồng rau sạch. Giá trị kinh tế của mỗi hecta đất trồng hoa ở Yên Trường hiện nay đã đạt trên 300 triệu đồng/năm. Đây là một cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao của Yên Trường.
Tâm sự về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Kế thừa và phát huy vai trò làm chủ tập thể của các tổ chức quần chúng và nhân dân lao động của HTX Đại phong ngày ấy, giờ đây Yên Trường đã hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, kết hợp cải tạo đồng ruộng theo hướng cơ giới hóa, tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng, phát triển phong trào chăn nuôi.
Vận động nhân dân đổi điền dồn thửa, từ 3.150 thửa giảm xuống còn 1.667 thửa, để đưa cơ giới hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất theo hướng CNH - HĐH. Nhờ vậy, giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác đạt bình quân trên 120 triệu đồng/năm. Ngoài việc quy hoạch cánh đồng hoa (4 ha) và 3 ha rau an toàn, Yên Trường cũng đã quy hoạch xong 150 ha vùng lúa năng suất, chất lượng hiệu quả.
Hiện nay, toàn xã đã có 345 hộ dân tham gia vào phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. UBND xã đã quy hoạch xong khu tiểu thủ công nghiệp (4 ha) để mở rộng sản xuất ngành nghề, thu nhập ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 22.810.000 đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn dưới 10%. Năm nay, Yên Trường đang phấn đấu tăng mức bình quân thu nhập đầu người lên 29 triệu đồng/người/năm và đang phấn đấu hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2013.
Ở Yên Trường, các cán bộ, đảng viên luôn nêu cao vai trò gương mẫu, giữ gìn đạo đức, lối sống, nỗ lực học tập, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ, năng lực thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các cán bộ, đảng viên xung kích tham gia phong trào phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể, nghiêm túc chấp hành việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, thực hành tiết kiệm, nêu gương cho quần chúng noi theo. Qua bình xét, có tới 85% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh…
Chúng tôi rời Yên Trường khi bóng hoàng hôn đang trải dài trên những cánh đồng hoa đỏ thắm, những ruộng lúa xanh rờn, cảm giác lâng lâng. Trong ráng chiều, hình ảnh một vùng nông thôn mới trù phú, tràn đầy sức sống đang hiện hữu trước mắt…Chúng tôi tin, chính quyền cùng người dân Yên Trường vẫn sẽ mãi đồng tâm, hợp lực xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp theo di nguyện của Bác Hồ kính yêu, như sinh thời Người đã về thăm mảnh đất và con người nơi đây.
Thế Lượng (Thế Lượng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.