Những câu hỏi cần Bộ Y tế trả lời

Thứ ba, ngày 10/04/2012 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Bộ Y tế khẳng định 10 loại thuốc là thuốc thông thường mà không phải thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần có đúng với các quy định của pháp luật?
Bình luận 0

Vụ Pháp chế - Bộ Y tế vừa có Văn bản số 21/BYT-PC gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng 10 loại thuốc cảm cúm, cảm ho, sổ mũi của hai doanh nghiệp Stada VN và Imexpharm sản xuất là thuốc thông thường, không phải thuốc gây nghiện. Tuy nhiên, đối chiếu với những quy định của pháp luật, có nhiều câu hỏi được đặt ra với Bộ Y tế.

"Lập lờ đánh lận…"

Ngày 2.4, Báo NTNN đã có bài "Biến thuốc gây nghiện thành thuốc thông thường" phản ánh, ngày 21.12.2011, Bộ Y tế ban hành Văn bản 1028/TB-BYT để thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang có liên quan đến thuốc gây nghiện.

img
 

Thế nhưng, văn bản này đã bị Thanh tra Chính phủ phản đối và nhận định rằng, văn bản này của Bộ Y tế "đã nhắc lại không đầy đủ một số quy định quan trọng của văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn các hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc".

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc nhắc lại không đầy đủ này là có ý thay đổi các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thành các thuốc thông thường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 20.3, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã có Văn bản số 21/BYT-PC gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng 10 loại thuốc cảm cúm, cảm ho, sổ mũi (đây là những thuốc do 2 hai doanh nghiệp Stada VN và Imexpharm sản xuất- PV) mà trong thành phần có chứa chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất chỉ là thuốc thông thường, bán không cần đơn ngoại trừ Nucofed cap là thuốc kê đơn (do Imexpharm sản xuất - PV).

Trước khi Vụ Pháp chế Bộ Y tế ban hành Văn bản số 21/BYT-PC, C47 Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác" xảy ra tại Công ty TNHH Stada VN và Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm. Và việc Bộ Y tế có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an là để trả lời cơ quan này phục vụ công tác điều tra.

Tuy nhiên, việc Bộ Y tế khẳng định 10 loại thuốc trên là thuốc thông thường mà không phải thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần có đúng với các quy định của pháp luật?

Bộ Y tế cần làm rõ

Tại điểm b, khoản 2 của Công văn nói trên có nêu: 9 thuốc (pms-Cedipect, Cedipect, Andol Fort, Nyxim, pms-Nyxim, Admincort, Partamol syrup, Partamol Codein, Partamol, Partamol F) là thuốc thông thường, không kê đơn, được quản lý theo Thông tư số 08/2009/TT-BYT ngày 1.7.2009 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục thuốc không kê đơn.

Nhưng khi kiểm tra danh mục thuốc không kê đơn được ban hành kèm theo Thông tư số 08/2009/TT-BYT ngày 1.7.2009 của Bộ Y tế, chúng tôi phát hiện ra 3 thuốc: pms-Cedipect, Cedipect và Admincort hoàn toàn không có trong danh mục này. Vậy vì sao Bộ Y tế lại khẳng định cả 9 loại thuốc nêu trên có trong danh mục thuốc không kê đơn?

Theo quy định tại khoản 5, Điều 2 của Luật Phòng, chống ma túy thì thuốc gây nghiện là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất gây nghiện. Như vậy, theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý thì các thuốc: pms-Cedipect, Cedipect, Nyxim, pms-Nyxim, Partamol Codein và Nucofed của hai doanh nghiệp Stada VN và Imexpharm sản xuất phải là thuốc gây nghiện vì các thuốc trên chứa Codein base (là chất gây nghiện) và thuốc Admincort là thuốc hướng tâm thần vì chứa chất Phenobarbital (là chất hướng thần).

Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 của Thông tư 10/2010/TT-BYT, danh mục thuốc gây nghiện là các thuốc có trong phụ lục I và phụ lục II. Như vậy 6 thuốc: pms-Cedipect, Cedipect, Nyxim, pms-Nyxim, Partamol Codein và Nucofed có chứa chất Codein có trong Phụ lục II nên phải thuộc danh mục thuốc gây nghiện. Tương tự, thuốc Admincort phải là thuốc hướng tâm thần vì có chất hướng thần Phenobarbital. Các loại thuốc này dù có hàm lượng nhỏ dưới mức quy định của Bộ Y tế thì vẫn là thuốc gây nghiện, chỉ khác là được miễn một số điều trong việc quản lý, kiểm soát, kê đơn, mua và bán.

Theo một chuyên gia về phòng, chống ma tuý của Bộ Công an, tại khoản 2, Điều 2 và điểm b, khoản 2, Điều 30 của Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 của Liên Hợp Quốc đã được Việt Nam tham gia, quy định đối với các chất ma túy thuộc danh mục II (chất Codein nằm trong danh mục II) không cần phải có đơn thuốc mới cung cấp hay phân phát cho người bệnh.

Như vậy, quy định của Việt Nam về việc thuốc có Codein không cần kê đơn là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế, tuy nhiên vẫn phải xếp thuốc có Codein là thuốc gây nghiện, không thể đánh đồng cho rằng thuốc không kê đơn là không phải thuốc gây nghiện như lý giải của Bộ Y tế.

Vi phạm nghiêm trọng

Phóng viên Báo NTNN đã xác minh, từ 1.1.2008 đến ngày 31.10.2011, Công ty Imexpharm đã bán 6 loại thuốc với số lượng như sau: pms-cedipect (3.896.700 viên), Cedipect (144.000 viên), Nyxim (309.600 viên), pms-Nyxim (124.800 viên), Andol fort (42.000 viên), Nucofed (43.200 viên), sang Campuchia khi không có giấy phép của Bộ Y tế. Điều đáng nói với các thuốc có chứa chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc trên khi bán sang Campuchia, Imexpharm đã không làm thủ tục hải quan. Thế nhưng, với thuốc thông thường như: Dexamethasone thì Công ty Imexpharm lại làm thủ tục mở tờ khai hải quan bình thường! Vậy đằng sau sự "trái ngược" trên là gì?

Tương tự như vậy, Công ty liên doanh Stada Việt Nam khi xuất khẩu các thuốc Partamol syrup, Partamol Codein, Partamol, Partamol F, sang Papua New Guinea không có giấy phép xuất khẩu của Bộ Y tế.

Quy định của Việt Nam về việc thuốc có Codein không cần kê đơn là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế, tuy nhiên vẫn phải xếp thuốc có Codein là thuốc gây nghiện.

Như vậy, 2 doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ Y tế và những điều khoản quy định tại Nghị định 58/2003/NĐ-CP ngày 29.5.2003 của Thủ tướng Chính phủ trong việc xuất khẩu các chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần.

Theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1, mục II của Thông tư số 06/2006/TT-BYT ngày 16.5.2006 của Bộ Y tế, hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm và quy định tại khoản 1, Điều 8 của Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29.12.2010 của Bộ Y tế, hướng dẫn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc thì các loại thuốc trên của Stada VN và Imexpharm dù có chứa các chất gây nghiện (Codein) và tiền chất dùng làm thuốc (Pseudoephedrine) ở hàm lượng nhỏ đến mức nào thì khi xuất khẩu ra nước ngoài đều phải có giấy phép của Bộ Y tế.

Từ những vi phạm này, C47 Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện và các chất ma túy khác".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem